Tiếng Việt | English

26/08/2017 - 03:30

Đêm không ngủ giữa lòng thành phố

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 0 giờ, thời gian êm đềm nhẹ trôi giữa đêm khuya thanh tĩnh nhưng giữa lòng TP.Tân An, Long An vẫn có nơi mọi hoạt động diễn ra bình thường, thậm chí sôi động hơn ban ngày. Nơi đó có tiếng chổi tre của những người lao công, có những bác tài xế xe ôm chờ khách đêm khuya hay cảnh nhộn nhịp trong phiên chợ sớm.


Các mặt hàng rau, củ, quả được bày bán với giá sỉ tại chợ đầu mối phường 2, TP.Tân An

Sôi động nhất phải kể đến chợ đầu mối phường 2, nơi cung cấp hầu hết hàng hóa cho TP.Tân An cũng như các vùng lân cận. Tất bật cảnh người mua, kẻ bán, suốt từ 1 giờ khuya đến 5 giờ sáng, nơi đây trở thành một “khu phố không ngủ” trong hoạt động mưu sinh. Và từ đây, các loại thực phẩm, nông sản, hoa quả được tỏa đi khắp nơi theo chân tiểu thương, về cả các huyện xa nhất của tỉnh.

Đi chợ lúc... nửa đêm

Đêm cuối tháng 8, những cơn gió mang theo chút hơi lạnh của mùa thu bắt đầu thổi, trong chiếc áo thun mỏng, tôi ngỡ như mình đứng giữa tiết trời của mùa thu Hà Nội. Cả TP.Tân An chìm trong giấc ngủ. Những con phố lớn, sầm uất nhất: Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định,... chỉ còn lác đác vài người lỡ đường. Ngoài Quốc lộ 1, xe tải, container nối đuôi nhau chở hàng, các tuyến đường còn lại chỉ có ánh đèn đường hắt giữa màn đêm.

Trời về khuya, khi cả phố phường chìm vào không gian tĩnh mịch, những chiếc xe tải nhỏ, xe gắn máy và xe ba gác đổ về đường Lê Văn Tao và Huỳnh Việt Thanh để đến chợ đầu mối. 2 giờ sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp. Rau, củ được buộc sẵn từng túi 20kg chất đầy bên đường chờ tiểu thương đến lấy. Người bán, kẻ mua hối hả vừa trả giá, vừa chọn cho mình những mặt hàng tươi ngon nhất để về cho kịp phiên chợ sớm.

Nhanh tay lựa các loại rau, chất lên chiếc xe ba gác, anh Huỳnh Xuân Ngọc cho biết: “Cứ hơn 1 giờ sáng là tôi chạy xe từ Thủ Thừa lên đây mua hàng về bán lẻ. Tôi chủ yếu mua rau, cá biển và thịt. Mua riết thành quen, cứ điện thoại dặn, bạn hàng chuẩn bị sẵn cho mình, đến là chở về thôi! Mua giờ này không phải trả giá nhiều vì lúc này, chợ chủ yếu bán sỉ, giá bán giữa các điểm bán sỉ không chênh lệch nhiều”.

Quả thật, giá sỉ khá rẻ, 1kg cải xanh có giá bán lẻ khoảng 20.000 đồng, dưa leo giá khoảng 15.000 đồng/kg,... thì tại chợ đầu mối, giá sỉ chỉ bằng phân nửa, thậm chí có khi chỉ bằng 1/3 giá bán lẻ.


Người bán, kẻ mua tấp nập lúc giữa đêm

Nhộn nhịp nhất khu chợ đầu mối có lẽ là khu vực chợ cá. Ngay từ tối hôm trước, những chiếc xe tải chở cá từ các tỉnh miền Tây: An Giang, Đồng Tháp bắt đầu xuống cá tại chợ phường 2. Khuya hơn một chút là những chuyến xe chở cá biển đông lạnh từ chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM về.

Bà Sáu - một trong những người bán cá lẻ tại chợ phường 2, cho biết: “2 giờ sáng, tôi đến đây lựa mớ cá tươi, ngon rồi phân loại để sáng bán lẻ. Thường mỗi ngày, tôi lấy khoảng 100kg cá các loại. Nếu bán hết, lời khoảng 500.000 đồng”. Bà Sáu cho biết thêm, phải đi sớm, chứ trễ một chút là hết hàng tươi, ngon. Cứ thế, đến khoảng 5 giờ sáng, chợ đầu mối bắt đầu vãn. Những người bán sỉ thu gom rác thải, hàng hóa và dọn vệ sinh để trả lại mặt bằng cho những tiểu thương bán lẻ kịp họp phiên chợ sáng.


Khu vực chợ cá luôn sáng đèn và nhộn nhịp

“Thân cò” trong đêm

Dạo quanh một vòng chợ, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên không phải vì hàng hóa phong phú, giá rẻ mà giữa màn đêm, những người buôn bán chủ yếu là phụ nữ, số ít đàn ông “cánh” bác tài và những người phụ khuân vác tại khu vực chợ cá. Họ như những "thân cò" mưu sinh trong đêm để lo cho cuộc sống gia đình.

Điểm chung của những người phụ nữ giữa phiên chợ đêm mà chúng tôi cảm nhận được là sự nhanh nhẹn, tảo tần, có khi chỉ một người có thể quản lý được cả hàng hóa tương đương với một xe tải lớn. Họ vất vả mưu sinh, không chỉ bởi đây là cái nghề nuôi cả gia đình mà còn vì thói quen gắn bó hàng chục năm qua.

Chị Lê Thị Huế - tiểu thương bán cá, cho biết: “Ngày nào, tôi bệnh không đi được là trong người cảm thấy bứt rứt. Bán lâu, quen rồi nên cứ tầm 1 giờ sáng là tôi thức giấc. Một năm, nhiều lắm, chúng tôi cũng chỉ bỏ vài ba phiên chợ. Dù có vất vả, phải thức đêm hôm nhưng bù lại, có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, như vậy cũng xứng đáng!”.


Những người phụ nữ tảo tần mưu sinh giữa đêm khuya

Cũng như chị Huế, 4 năm qua, tại góc đường Huỳnh Việt Thanh, chưa một đêm nào, chị Nguyễn Thị Như Phượng vắng mặt. “Sạp” hàng hóa của chị rất đơn giản, một chiếc áo mưa được trải phẳng phiu, một cái thúng đựng đầy các loại bánh, mà chủ yếu là bánh da lợn, bánh bò. Mỗi đêm như thế, chị kiếm được 400.000-500.000 đồng lo cho cuộc sống gia đình.

Vừa đặt từng chiếc bánh vào túi nylon, chị cho biết: “Gia đình tôi ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nhưng dưới đó buôn bán khó quá, làm không đủ ăn. 4 năm trước, người em ở Tân An giới thiệu tôi lên đây bán. Đầu hôm lo làm bánh, đến 1 giờ sáng, tôi chở bánh ra đây bán. Ban đầu, chưa có mối, chỉ bán được vài cái, giờ quen rồi, mỗi đêm bán cũng được 2 triệu đồng. Khách thì đủ cả, những người buôn bán trong chợ mua ăn cũng có, người mua sỉ cũng có, người lấy 10, 20 bịch, có người lấy cả 50 bịch”.

Và như lời chị Huế, bà Phượng thì mình gắn bó với nghề, nghề sẽ không phụ mình, dù vất vả, cực nhọc nhưng bù lại, thu nhập từ những đêm bán hàng ấy đủ lo cho cuộc sống cả gia đình.

Hơn 5 giờ sáng, tiểu thương mua sỉ chất hàng đầy các xe ba gác để về, những người bán sỉ tại chợ đầu mối phường 2 cũng bắt đầu dọn dẹp, trả lại mặt bằng cho phiên chợ sáng.

Ngày bán lẻ, đêm bán sỉ trở thành thói quen của rất nhiều tiểu thương gắn bó với chợ đầu mối phường 2. Không ngày lễ, không ngày nghỉ và bất kể nắng mưa, cứ thế, những người “sống nhờ đêm” vẫn tiếp tục cuộc mưu sinh của mình giữa lòng TP.Tân An.

Ra về khi gần 6 giờ sáng, những quán cà phê, quán ăn sáng bắt đầu đông khách. Nhịp sống của ngày mới bắt đầu, những tuyến đường lại dập dìu xe cộ. Một ngày mới cho những công việc, những ước mơ và những người “đêm không ngủ” lại được nghỉ ngơi./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích