Tiếng Việt | English

30/01/2022 - 15:38

Dịch COVID-19: Không được quên ‘vũ khí 5K’ trong Tết Nguyên đán

Hiện các địa phương không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng mỗi địa phương vẫn áp dụng những quy định chống dịch khác nhau.


Người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán là dịp để sum họp gia đình. Thế nhưng, 2 năm nay, COVID-19 xuất hiện đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với biến chủng Delta, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng cao gây quá tải hệ thống y tế.

Trong bối cảnh ấy, giữ cho cái Tết an toàn là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người dân.

Giữ để có ngày Tết an lành

Trên khắp phố phường, đường làng ngõ xóm, không khí Tết tuy không như mọi năm nhưng vẫn đang diễn ra với mọi sắc màu ở trạng thái "bình thường mới." Tuy nhiên, ở trong mỗi người dân đều có 1 tâm trạng khác nhau để có được một ngày tết đúng nghĩa an lành, bình an.

Chị Nguyễn Thúy B. (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay Tết vẫn là thời điểm gia đình nhỏ của chị mong chờ nhất. Anh chị sẽ đưa con về về quê cùng hai bên nội ngoại sau một năm quá nhiều khó khăn, mệt mỏi vì COVID-19 hoành hành.

“Càng cận kề những ngày Tết, tôi càng cẩn trọng giữ gìn sức khoẻ, không giao du nhiều, hạn chế nguy cơ trở thành F0 hay F1 để bình an về đoàn tụ với gia đình ở quê. Đây là điều duy nhất tôi mong đợi vào lúc này. Chính vì vậy, cả tháng gần Tết hầu như đi đâu tôi cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mọi người, thực hiện 5K chặt chẽ,” chị B. cho hay.

Anh Vũ Hùng (làm việc ở Hà Nội nhưng quê ở Quảng Bình) cho biết: “Cả năm qua, tôi chẳng thể một lần về thăm nhà dù vẫn còn những đợt nghỉ lễ dài ngày do nhiều chính sách giãn cách xã hội. Sau đó dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít lần trở thành F1, F2, ở vùng cam...”

Vì vậy, anh Hùng hy vọng dịp Tết được trở về bên gia đình, để thấy cha mẹ ở nhà vẫn khỏe mạnh, anh chị em có dịp gặp mặt sau một năm quá nhiều biến động.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội và nhiều tỉnh số ca mắc bệnh vẫn gia tăng không ngừng. Tại Hà Nội cả tháng nay vẫn ở mức trên 2.000 ca/ngày. Số lượng ca mắc mới hàng ngày tiếp tục tăng.

Rộn ràng sắc Xuân trên đường phố. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Đang là F0 điều trị tại quận Ba Đình Hà Nội, chị N.T.H (45 tuổi) cho hay không biết nguyên nhân mình mắc bệnh từ đâu. Khi chị thấy mình hắt hơi, sổ mũi nhiều đã thử test nhanh phát hiện mình đã là F0. Ngay sau đó chị báo cho y tế phường. Do có biểu hiện nhẹ và cả nhà đã tiêm 2, thậm chí 3 mũi vaccine nên chị cách ly tại nhà, gắn biển cách ly y tế trước cửa.

Như vậy dù có khỏi bệnh trước Tết 1 tuần hay 10 ngày thì chị H. vẫn chỉ ở trong nhà và thực hiện cách ly y tế những ngày sau đó.

Không nên tụ tập liên hoan cuối năm

Hiện các địa phương không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng mỗi địa phương vẫn áp dụng những quy định chống dịch khác nhau.

Để đảm bảo việc vui xuân đón Tết an toàn, Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt, việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi các hoạt động đi lại nhiều cơ hội tiếp xúc giữa người với người sẽ tăng lên, trong đó có tiếp xúc giữa người mắc COVID-19 với người không bị bệnh. Đáng lưu ý có những người mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng đã vô hình làm lây lan bệnh trong cộng đồng.

Người dân cần khai báo y tế bằng mã QR và sát khuẩn tay thường xuyên. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Trong dịp Tết, việc đi lại nhiều không chỉ gây nhiễm bệnh cho những người trong cùng một địa phương bởi nhu cầu di chuyển của người dân trong thời gian này là rất lớn. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì sẽ lây bệnh từ địa phương này sang địa phương khác, từ người này sang người khác, từ đó dẫn đến bùng phát dịch trong cộng đồng, đặc biệt là lây lan sang những người chưa tiêm vaccine, người già, người mắc bệnh nền.

Vì vậy, theo Phó giáo sư Phu, trong các dịp lễ, Tết người dân cần hạn chế đi lại khi không cần thiết; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, không đến nơi tập trung đông người và tụ tập, liên hoan cuối năm.

Để có được cái vui như Tết trong điều kiện dịch bệnh thì điều tiên quyết và dứt khoát phải có "vũ khí 5K”: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế." Thực hiện tốt "5K" chính là cách để chúng ta cùng giữ gìn cho nhau những điều an lành, may mắn trong năm mới./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết