Tiếng Việt | English

10/11/2020 - 15:36

Diễn đàn AFML lần thứ 13: Hỗ trợ lao động di cư ứng phó với đại dịch

Các nước ASEAN thống nhất tăng cường hợp tác để hỗ trợ cho người lao động di cư trong khu vực, giúp người lao động di cư có thể chủ động ứng phó trước các tác động của đại dịch COVID-19.


Các đại biểu tham gia tại diễn đàn trực tiếp ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 10/11 tại Hà Nội, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 13 (AFML) theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Việt Nam.

Diễn đàn ASEAN về lao động di cư là sự kiện thường niên do nước chủ tịch ASEAN tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Người lao động di cư (gọi tắt là ACMW). Hiện đã có 12 Diễn đàn khu vực được tổ chức tại các nước thành viên ASEAN.

Thành phần tham dự diễn đàn rất đa dạng bao gồm đại diện Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động, các tổ chức của người lao động, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế. Đây là diễn đàn quan trọng tạo cơ hội cho các đại diện trao đổi, thảo luận các vấn đề, quan điểm về lao động di cư và cùng đưa ra các khuyến nghị của diễn đàn.

Các khuyến nghị và giải pháp thúc đẩy quyền của người lao động di cư được đề xuất tại Diễn đàn sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các hoạt động quốc gia và khu vực nhằm mang lại sự hỗ trợ tốt hơn và kịp thời hơn cho người lao động di cư. Kể từ khi ra đời vào năm 2008, qua 12 diễn đàn hiện đã có 162 khuyến nghị cấp khu vực được đưa ra và hàng năm các nước thành viên ASEAN đều rà soát việc thực hiện các khuyến nghị ở cấp quốc gia.

AFML lần thứ 13 được tổ chức với với chủ đề “Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.” Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, lao động di cư hiện trở thành một bộ phận cấu thành không thể tách rời của nền kinh tế các nước. Người lao động di cư đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho cả nước phái cử và tiếp nhận. Nhận thức được vai trò của lao động di cư, các nước thành viên ASEAN (AMS) luôn quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di cư và gia đình họ.

Các đại biểu tham dự diễn đàn bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thời gian vừa qua, sự lây lan nhanh chóng, liên tục của đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN. Với mối quan tâm sâu sắc về tác động của COVID-19 đối với người lao động ASEAN bao gồm cả người lao động di cư, các Chính phủ trong khu vực cũng như các tổ chức quốc tế đã đưa ra các ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đối với người lao động nói chung và người lao động di cư nói riêng.

Các ứng phó về chính sách hỗ trợ lao động di cư có thể kể tới đó là xét nghiệm COVID-19 miễn phí và chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư; gia hạn thị thực tự động; thủ tục đăng ký; hỗ trợ và hỗ trợ thu nhập tạm thời cho những người trở về.

Tại diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 13 “Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, các đại biểu tập trung rà soát việc thực hiện các khuyến nghị của diễn đàn AFML thời gian qua. Đồng thời chia sẻ thông tin liên quan tới chủ đề của diễn đàn với hai nội dung chính.

Nội dung thứ nhất là tác động của COVID-19 đối với người lao động di cư và ứng phó trong ASEAN. Chủ đề này đặc biệt tập trung vào những rủi ro về sức khoẻ mà người lao động di cư phải đối mặt và khả năng tiếp cận tới việc chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận thông tin, quyền lao động và tiếp cận công lý, an sinh xã hội và tiếp cận hỗ trợ cứu trợ/ thu thập và hỗ trợ trở về và tái hoà nhập.

Nội dung thứ hai là chính sách lao động di cư gắn kết và chủ động thích ứng cho sự chuẩn bị trong tương lai của ASEAN. Các đại biểu tập trung phân tích các bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 nhằm xác định việc quản lý lao động di cư cần được tăng cường như thế nào trong ASEAN để cải thiện khả năng chống chịu trong các cuộc khủng hoảng, thảm hoạ hoặc đại dịch trong tương lai. Chủ đề này đặc biệt tập trung vào vấn đề xây dựng nhà ở và tiền lương; mở rộng trợ giúp xã hội, an sinh xã hội cho người lao động di cư, lập kế hoạch sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp và đại dịch; tiếp cận tới nâng cao kỹ năng và học mới kỹ năng và xây dựng các hướng dẫn cho quy trình quản lý lao động di cư trong môi trường bình thường mới.

Từ những trao đổi được đưa ra tại diễn đàn cũng như dựa trên các khuyến nghị cấp quốc gia đã được thống nhất tại các cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho diễn đàn đã được tổ chức tại mỗi nước thành viên trong thời gian qua, các đại biểu thảo luận và thống nhất những khuyến nghị cấp khu vực cho diễn đàn AFML lần thứ 13 nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho người lao động di cư trong khu vực trong đại dịch, giúp người lao động di cư có thể chủ động ứng phó trước các tác động của đại dịch COVID-19 cũng như các đại dịch khác có thể xuất hiện trong tương lai.

Năm 2007, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư ASEAN. Để hiện thực hóa quan điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện trong Tuyên bố, ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực triển khai trên thực tế thông qua các hoạt động, chương trình hợp tác nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động di cư.

Đặc biệt, năm 2017, đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 (tháng 11/2017). Đồng thuận đã đưa ra các nội dung quan trọng làm cơ sở thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ người lao động di cư bao gồm các vấn đề về quyền của lao động di cư và các thành viên gia đình họ; các nghĩa vụ của nước phái cử và nước tiếp nhận lao động.

Đặc biệt, để hiện thực hóa đồng thuận trên, kế hoạch hành động thực hiện Đồng thuận đã được các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng thông qua việc đưa ra các chương trình, hành động cụ thể do các nước thành viên chủ trì triển khai dựa trên 5 lĩnh vực ưu tiên chính của Đồng thuận ASEAN bao gồm: giáo dục/thông tin; bảo vệ; thực thi; các biện pháp hỗ trợ và tái hòa nhập./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết