Tiếng Việt | English

14/12/2020 - 15:14

Đình Hòa Điều - Nơi lưu giữ nhiều giá trị đặc biệt

Đình Hòa Điều (ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nằm giữa những đồng thanh long xanh mướt. Khuôn viên đình nhiều cây cối, cổng đình nhỏ, nép dưới những cội cây. Ít ai biết mái đình này lưu giữ những giá trị đặc biệt về văn hóa tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người dân. Nơi đây còn là "chứng nhân" cho lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân Hòa Phú, Châu Thành và tỉnh Long An.

Đình Hòa Điều "khiêm tốn, lặng lẽ" bên cạnh cuộc sống của người dân, không xa hoa, không hào nhoáng - Những cột gỗ trong đình cũ vẫn còn in hằn dấu tích của chiến tranh, vết đạn bom “xới nát” bề mặt gỗ

Đình Hòa Điều "khiêm tốn, lặng lẽ" bên cạnh cuộc sống của người dân, không xa hoa, không hào nhoáng - Những cột gỗ trong đình cũ vẫn còn in hằn dấu tích của chiến tranh, vết đạn bom “xới nát” bề mặt gỗ

Đình làng có sắc phong

Đình làng ở Long An thì nhiều nhưng không phải đình nào cũng có sắc thần. Sắc thần là tờ sắc phong của vua cho Thành hoàng bổn cảnh của làng và cho phép dân làng thờ phụng. Đó được xem là sự công nhận chính thức của Nhà nước về sự hợp pháp của làng. Đình Hòa Điều xưa thuộc thôn Hòa Điều, tổng Thạnh Hội Thượng, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Đình được xây dựng sau khi làng được thành lập, cách đây gần 200 năm. Đến năm 1852, đình được sắc phong của vua Tự Đức.

Vào cuối thế kỷ XIX, đình bị thực dân Pháp đốt và được người dân xây lại vào năm 1914. Đến năm 2008, đình xuống cấp nhiều, người dân ở Hòa Phú cùng một số mạnh thường quân đã vận động xây mới lại đình. Tuy nhiên, đình cũ vẫn được giữ nguyên phía sau chánh điện.

Ngày nay, vai trò của đình, miễu nói chung trong đời sống người dân không được như xưa. Đình Hòa Điều cũng vậy, mái đình "khiêm tốn, lặng lẽ" bên cạnh cuộc sống của người dân, không xa hoa, không hào nhoáng. Người giữ đình mỗi ngày mở cửa thắp nhang. Hàng năm đến lệ, Ban Quý tế lại cùng người dân làm lễ cúng. Lễ cúng nhỏ gọn với mấy mươi người tham gia, không hát xướng, đờn ca, chỉ là tín ngưỡng và giữ gìn những phong tục xưa cũ.

Trưởng ban Quý tế đình Hòa Điều - Trần Văn Nhi cho biết, mỗi năm ở đình có 5 lệ cúng nhưng lớn nhất là lễ Cầu an vào tháng 3. Đến ngày cúng, người dân chung tay cùng Ban Quý tế dọn dẹp và làm lễ cúng nhưng số người đến cũng ít dần. Đi một vòng quanh đình, chúng tôi được giới thiệu đây là hầm trú ẩn, kia là hố bom, có 1 hố bom lớn gần cổng đình giờ trở thành ao nước nhỏ mọc đầy hoa súng. Bên trong căn đình cũ phía sau chánh điện, những cột gỗ vẫn còn in hằn dấu tích của chiến tranh, vết đạn bom “xới nát” bề mặt gỗ, làm mất hết chữ được chạm vào thân cột.

"Chứng nhân" của lòng yêu nước

Bí thư, Trưởng ấp 5, xã Hòa Phú - Trần Văn Tư nói: “Đình Hòa Điều trước đây là căn cứ cách mạng, quanh đình vẫn còn nhiều dấu tích nhưng nếu không trùng tu, bảo quản, có lẽ mọi thứ sẽ không còn nữa”. Theo ông Tư, việc trùng tu các hầm trú ẩn, dấu tích còn sót lại của quá trình chống Pháp và Mỹ tại đình Hòa Điều là việc nên làm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ sau này. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Trần Tấn Vĩnh cho biết: “Địa phương rất quan tâm di tích đình Hòa Điều nhưng do chưa có kinh phí nên dự định sẽ trùng tu khi vận động được kinh phí và nếu quá khó khăn sẽ thực hiện từng phần”.

Sắc thần là tờ sắc phong của vua cho Thành hoàng bổn cảnh của làng và cho phép dân làng thờ phụng, được người dân giữ gìn cẩn thận

Sắc thần là tờ sắc phong của vua cho Thành hoàng bổn cảnh của làng và cho phép dân làng thờ phụng, được người dân giữ gìn cẩn thận

Được biết, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, đình Hòa Điều là địa điểm hoạt động của tổ chức Thanh niên tiền phong do Đảng lãnh đạo; địa điểm mở lớp bình dân học vụ, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ; địa điểm họp của Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Hòa Phú; nơi chôn giấu cờ Tổ quốc, cờ Đảng, tài liệu cách mạng và là nơi đặt trạm gác bí mật bảo vệ lãnh đạo huyện Vàm Cỏ. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đình Hòa Điều là vùng căn cứ lõm của Tỉnh ủy Tân An, Thị ủy, Thị đội Tân An; nơi đóng quân, tổ chức, bàn kế hoạch, điểm xuất phát các trận đánh của lực lượng vũ trang; nơi chôn giấu vũ khí chuẩn bị Chiến dịch Mậu Thân 1968; nơi xây dựng hầm bí mật bảo vệ cán bộ, đảng viên.

Có thể nói, đình Hòa Điều là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong thời gian chống giặc ngoại xâm. Điều đó còn chứng minh rằng lòng dân tại Hòa Phú, Châu Thành nói riêng và người dân Nam bộ nói chung đều hướng về cách mạng, một lòng cùng Đảng đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc, nước nhà. Người dân Hòa Phú và mái đình Hòa Điều đã bảo vệ cán bộ, chiến sĩ ta qua những giai đoạn khó khăn trong những năm kháng chiến.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - người lập Hồ sơ di tích đình Hòa Điều, nhận định: “Đình Hòa Điều là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân từ ngàn xưa, minh chứng quá trình khai phá từ khá sớm trên vùng đất Châu Thành xưa. Đình Hòa Điều đã đi vào lịch sử với nhiều sự kiện nổi bật, là chiếc nôi của phong trào cách mạng, xứng đáng được ghi nhận là địa danh lịch sử của tỉnh nhà”./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết