Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vì thế, Đảng luôn quan tâm đến công tác giáo dục, xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống nhân văn cho cán bộ đảng viên và toàn xã hội.
Ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Nhiệm vụ trọng tâm
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng… Tình trạng này làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do vậy, Trung ương yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, cũng cố niềm tin của nhân dân và Đảng viên đối với Đảng".
Đại hội XII của Đảng xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần phải đẩy mạnh hơn nữa, trong đó trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đại hội XII có sự phát triển nhận thức quan trọng về xây dựng Đảng khi bổ sung không chỉ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà cả về đạo đức. Ngay trong tiêu đề của Báo cáo Chính trị, Đại hội còn xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Trong đó tập trung vào 2 nội dung cốt yếu nhất là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cấp chiến lược.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mới đây cũng nhận định, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII
Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao.
Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguy cơ tiềm ẩn
PGS. TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, phải đặt ra vấn đề là vì sao tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn biến nghiêm trọng, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi? Phải chăng chúng ta chưa đánh giá được chính xác mức độ, tính chất của tình hình, chưa chỉ rõ được nguyên nhân, chưa đề ra được giải pháp đồng bộ và đủ mạnh hay thiếu các điều kiện để thực thi giải pháp?
Theo PGS. TS Vũ Văn Phúc, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Có biểu hiện xem nhẹ giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem nhẹ giáo dục đạo đức cách mạng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. “Cùng với đó, công tác quản lý cán bộ, đảng viên bị buông lỏng. Bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên”.
TS Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Đó là các nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nạn tham nhũng và tệ quan liêu, chiến lược “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch gây ra… Trong bối cảnh như vậy, rất nhiều việc “cần làm ngay” để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, cần đặt trọng tâm vào một số nội dung cơ bản. Trong đó cần coi trọng đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
“Thái độ xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa nghiêm túc thực hiện phê và tự phê bình… khiến không ít cán bộ, đảng viên sa ngã trước những cám dỗ đời thường”. Sự không chiến thắng, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé để thành nô lệ của những ham muốn cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vừa là nguồn gốc sâu xa, vừa là sự tiếp tay dẫn đến những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mất đoàn kết… Chủ nghĩa cá nhân là một trong những nguy cơ tiềm ẩn, thường xuyên bởi nó núp ngay trong bản thân mỗi con người” - TS Nguyễn Đình Hòa nhấn mạnh.
Loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng
Để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay đạt hiệu quả, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên nằm trong sự lạc hậu, hạn chế trong công tác lý luận, trong công tác xây dựng Đảng, trong thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị, trong quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội…
“Nếu không nhận thức sâu sắc và quyết tâm xóa bỏ được các căn nguyên này, mọi giải pháp khác sẽ khó phát huy hiệu quả, hoặc chỉ có tính chất nhất thời, không thể giải quyết cơ bản vấn đề. Khắc phục các nguyên nhân sâu xa này có thể được coi là điều kiện cơ bản nhất, vừa là giải pháp chủ yếu nhất để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”- PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Anh, Tạp chí Cộng sản cho rằng, “trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập theo tấm gương Bác Hồ. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Theo TS Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cùng với việc tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khác, cần chú ý giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để họ thực sự trở thành những công bộ, đày tớ trung thành của nhân dân. “Nếu mọi người luôn cảnh giác và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vốn biểu hiện và được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi, cũng có nghĩa họ đã thực sự có ý thức vươn tới cái chung, vì tập thể, cộng đồng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, Đảng trở nên vững mạnh, có năng lực trí tuệ và sức chiến đấu cao chính là do đội ngũ của mình gồm những con người vừa hồng, vừa chuyên”.
PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ một hệ thống các nhóm giải pháp, cần thực sự coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng, triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, duy trì thường xuyên trong sinh hoạt Đảng. Bổ sung các thang giá trị đạo đức, các phẩm chất cơ bản của cán bộ, đảng viên các tiêu chí: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ.
“Cán bộ lãnh đạo quản lý phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội”- PGS.TS Vũ Văn Phúc đề xuất.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, cùng với các giải pháp trên, cần thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bằng việc ban hành và thực thi quy định chặt chẽ hơn về kết nạp đảng viên mới bảo đảm chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng để ngăn chặn những kẻ cơ hội, thực dụng thâm nhập vào hàng ngũ Đảng. Nghiên cứu để có cách thức đánh giá, xếp loại đảng viên thực chất hơn, đủ sức thanh lọc, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng. Không dung nạp những kẻ cơ hội, cá nhân chủ nghĩa.
Cùng với đó, cần khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp. “Rà soát cơ chế, chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước, xóa bỏ những kẽ hở trong pháp luật, chính sách dễ bị những kẻ tham nhũng lợi dụng”./.
Minh Hòa/VOV.VN