Chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT không ngừng được nâng lên
Từ ngày 1-1-2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (gọi tắt là Luật BHYT sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Theo đó, BHYT được chuyển đổi từ tự nguyện sang hình thức BHYT hộ gia đình. Mặc dù đã được tập huấn nhưng thực tế trong quá trình thực hiện, việc thu BHYT đối với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở các địa phương nói chung và thị xã Kiến Tường nói riêng đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Trao đổi với chúng tôi về khó khăn khi tham gia BHYT, ông Phan Văn Hóa, ngụ ấp 1, xã Thạnh Trị cho biết: “Gia đình tôi có 7 người, cuộc sống chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất lúa nên việc mua BHYT 1 lần cho cả gia đình là rất khó khăn. Trước đây, do hay bị bệnh nên tôi mua BHYT cho bản thân mình, giờ muốn tiếp tục điều trị bệnh bằng BHYT thì phải mua cho cả hộ chứ mua một mình thì luật không cho”.
Đồng suy nghĩ với ông Hóa là ông Trần Văn Phương, ngụ ấp Bắc Chan 2, xã Tuyên Thạnh. Ông Phương chia sẻ, ngoài bất cập khi cùng một lúc phải mua BHYT cho cả hộ gia đình thì khi đăng ký chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thị xã Kiến Tường mà muốn khám ở trạm y tế xã thì phải được giới thiệu của thị xã và ngược lại. Vì vậy, đề nghị cần sớm thông tuyến giữa xã, phường và thị xã trong việc khám, chữa bệnh (KCB) bằng BHYT.
Để Luật BHYT sửa đổi từng bước đi vào đời sống, ngành BHXH thị xã đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tờ bướm, treo băng rôn, thông qua hệ thống loa, đài; kết hợp tuyên truyền qua các buổi họp chi, tổ hội để phổ biến về thủ tục tham gia, quy trình cấp thẻ, đổi thẻ, địa điểm liên hệ đại lý,...
Ngoài ra, ngành tăng cường tuyên truyền theo từng nhóm như: Nhóm trong các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp; nhóm người khỏe mạnh; người đi làm ăn nơi khác và số nhân dân theo hộ gia đình. Chú trọng đến việc tuyên truyền lợi ích khi tham gia mua BHYT theo hộ gia đình (mức giảm khi tham gia theo hộ gia đình: Người thứ 2 chỉ đóng 70% của người thứ nhất và người kế tiếp 60%, 50%, từ người thứ 5 trở đi bằng 40% của người thứ nhất cho đến hết các thành viên trong hộ gia đình).
Công tác triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ thị xã đến các xã, phường theo dõi những địa bàn có số liệu, chỉ tiêu thấp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, thường xuyên quan tâm đến chất lượng KCB và nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ, viên chức trong thực hiện KCB bằng BHYT.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vẫn còn nhiều bất cập. Mẫu thẻ BHYT dễ hư hỏng, khung ảnh không được dán ảnh, phải kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh trong KCB gây khó khăn cho người dân, nhất là người cao tuổi. Bên cạnh đó, một số ít cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến thực hiện chính sách BHYT tại địa bàn quản lý. Tình trạng cấp trùng thẻ và lạm dụng thẻ BHYT trong KCB vẫn còn xảy ra.
Giám đốc BHXH thị xã Kiến Tường - Đoàn Thị Miến chia sẻ: Mặc dù còn nhiều khó khăn khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi cũng như chưa tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng với những giải pháp cụ thể, thiết thực, trong thời gian tới, BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia BHYT. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo BHYT toàn dân các cấp tiếp tục phân công từng thành viên phụ trách từng địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp thực hiện hiệu quả lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020./. |
Ngọc Mận-Phạm Ngân