Người dân trong khu vực đến phụ giỗ liệt sĩ
Đã thành truyền thống tốt đẹp, hơn 10 năm nay, đúng vào kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chính quyền xã Vĩnh Đại và người dân trong xã tổ chức Lễ giỗ tập thể cho các liệt sĩ trong trận đánh này, thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập của dân tộc.
Vào ngày này, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân tự nguyện góp công, góp của để lo giỗ như chính đám giỗ người thân trong gia đình, dòng họ mình.
Bà Nguyễn Thị Khoa, ngụ ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, khi đến ngày giỗ, tôi cũng tranh thủ thời gian để cùng phụ việc nấu nướng cúng liệt sĩ, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ vì nhân dân, vì đồng bào không tiếc xương máu đã anh dũng hy sinh”.
Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Dân tâm sự: “Dù đường sá xa xôi, tuổi cao, sức yếu, nhiều năm qua, năm nào đến ngày này tôi cũng đến dự, thắp hương cho đồng chí, đồng đội đã nằm xuống mảnh đất này”.
Lãnh đạo huyện Tân Hưng dâng hương viếng anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận đánh kênh 62
Nơi đây, ngày 05/02/1970, ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 88 trong trận chống càn tại khu vực kênh Ngang, kênh 62.
Từ năm 1982 đến năm 2010, chính quyền địa phương và người thân của các liệt sĩ đã tiến hành tìm kiếm và cất bốc được 95 hài cốt, tổ chức an táng theo quy định; còn lại hơn 200 hài cốt chưa tìm kiếm được do lâu ngày bị vùi lấp, không xác định được nơi chôn cất và hiện tại khu vực này người dân đã khai hoang san lắp mặt bằng để sản xuất lúa. Mặt khác, khoảng 30 - 40 hài cốt nằm dưới đìa cặp kênh 62 không được an táng, lâu ngày đã bị phân hủy.
Từ năm 2012, người dân trong khu vực đã dựng lên một miếu thờ tạm bằng tôn nhỏ cặp kênh 62. Hàng năm, vào dịp 27/7, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Đại, một số ít gia đình có người thân hy sinh trong trận đánh này cùng đồng chí, đồng đội tập trung về đây thắp hương tưởng niệm và cúng giỗ tập thể cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.
Vào ngày này, đông đảo người dân đến thắp hương, giỗ liệt sĩ, thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay với những anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì hòa bình, độc lập
Để ghi dấu sự kiện lịch sử, tưởng nhớ công lao, sự mất mát, hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, năm 2018, một số hạng mục công trình gồm khu đền chính, nhà chuông, nhà bảo vệ được xây dựng trong Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88.
Công trình được xây dựng trên tổng diện tích đất 5.000m2 do gia đình ông Lê Hoàng Tư ở xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường hiến đất, với tổng kinh phí gần 6,6 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách huyện. Trong đó, vốn xã hội hóa do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động các nhà hảo tâm tài trợ gần 3,5 tỉ đồng.
Nhiều hạng mục trong Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 được xây dựng
Tháng 6/2023, huyện Tân Hưng tiếp tục đầu tư một số hạng mục công trình tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88, gồm đường vào Khu tưởng niệm, cổng chính, hàng rào, nhà vệ sinh,… với tổng nguồn vốn hơn 16 tỉ đồng. Công trình hoàn thành thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tân Hưng, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và của nhiều người dân, trong đó có sự đóng góp tiền của, công sức của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện./.
Tháng 5/2018, UBND tỉnh Long An có quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 hy sinh trong trận chống càn tại khu vực kênh 62, ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. |
Văn Đát