Cu Tí nằm quay mặt vào tường, nó vờ như đang ngủ rất say. Có tiếng mở cửa, bước đi rất nhẹ nhưng nó biết đó là ngoại. Ngoại tiến đến chỗ nó nằm, ngoại khẽ thở dài nhưng nó vẫn nghe rất rõ, bàn tay gầy guộc của ngoại khẽ vuốt mái tóc nó, rồi vỗ về “ngoại thương con nhiều lắm cu Tí à, cu Tí của ngoại thật là ngoan”. Nó vờ như không biết, bàn tay bịt ngang mắt, hai môi cố gắng mím thật chặt, nó đang sợ. Nó sợ ngoại nhìn thấy những giọt nước đang lưng tròng trên khóe mắt, nó sợ tiếng nấc trong cuống họng sẽ cất lên thành tiếng.
Nó nhớ mẹ quá! Từ khi cất tiếng khóc chào đời, có lẽ đây là đêm đầu tiên nó xa mẹ. Nó bắt đầu mường tượng và suy nghĩ.
Nó nghĩ về những năm tháng hạnh phúc.
Nhớ khi xưa, khi ba mẹ và nó cùng sống dưới một mái nhà. Mỗi ngày của nó trôi qua đầy niềm vui. Buổi sáng, ba thường đưa nó đến trường, có khi cả ba và mẹ cùng đưa; có hôm, cả nhà cùng vào quán phở ăn ngon lành. Tối đến, cả nhà quây quần bên nhau, nó còn líu lo: “Ba thương con vì con giống mẹ”. Mỗi khi mở mắt ra, nó thấy ba mẹ nằm bên cạnh, âu yếm, vuốt ve nó, nó lại nhắm mắt ngủ tiếp mà lòng ngập tràn hạnh phúc.
Nhưng những ngày tháng hạnh phúc thật là ngắn ngủi. Người ta bảo hạnh phúc mong manh lắm, và nó tin điều ấy từ khi bắt đầu những lo lắng thường nhật.
Lo lắng sau mỗi giờ tan trường, chờ mãi không thấy ba mẹ đến đón. Lo mỗi bữa tối 2 mẹ con dọn ra, chờ mãi mà ba không về ăn cùng. Lo mỗi tối sau khi nó vờ nhắm mắt ngủ, lại nghe tiếng cãi vã của ba mẹ. Những lúc ấy, dường như không ai để ý đến sự có mặt của nó. Nó không hiểu lý do mà ba mẹ trở nên như vậy, chỉ biết đó là “chuyện của người lớn”. Nó bắt đầu thấy mình không còn hạnh phúc nữa.
Những ngày sau đó, nhiều lần nó chứng kiến ba mẹ căng thẳng, thậm chí thấy mẹ khóc nhiều hơn. Nó thấy ba đi nhiều ngày mà không về. Nó sợ hãi, tự thu mình lại giữa không gian ngột ngạt ấy, không dám nũng nịu, cười đùa với ba mẹ như trước nữa. Nó thấy lòng buồn tênh và đôi lúc tự hỏi “sao chuyện của người lớn mà lại ảnh hưởng đến trẻ con thế nhỉ?”.
Rồi đến một ngày, nó và mẹ cùng xách hành lý về nhà ngoại. Ba và mẹ đã chính thức ly hôn, mẹ được quyền nuôi nó. Lúc đó, nó không hiểu ly hôn là gì, chỉ biết kể từ đó nó xa ba hơn, mỗi lần gặp ba cần phải lên lịch trước. Và cũng chẳng có lần nào ba mẹ cùng đưa nó đi chơi nữa. Nó bỗng thấy chơi vơi.
Nó chơi vơi khi học ở một ngôi trường mới, bỡ ngỡ với bao thầy cô và bạn bè, mỗi khi tan trường, người đón nó không phải là ba mà là ngoại. Nó run rẩy khi nghe tin ba đã lấy vợ mới, rồi vợ mới đã sinh cho ba một em bé. Nó cảm thấy giống như bị phản bội, chẳng phải ba từng nói yêu nó nhất trên đời hay sao? Lâu quá rồi không thấy ba đến, nó gọi điện thoại cho ba, ba cũng nói bận, xin lỗi nó. Nó cố dặn lòng phải thông cảm cho ba, nhưng sao cảm giác chạnh lòng luôn bấu víu lấy tâm hồn non nớt của nó, đay nghiến, cười nhạo nó.
Nó thấy người lớn thật đáng ghét, người lớn thật khó hiểu, người lớn thường thất hứa, người lớn toàn làm nó thấy đau lòng. Nó thích chơi với bọn trẻ con trong xóm, cùng đá bóng dưới bãi cát, chơi bắn bi, đánh đáo thật là vui. Nhưng rồi, đến một ngày nó cũng thấy không vui. Thằng Thanh luôn khoe mẽ “chân sút siêu đẳng của tao là do ba tao huấn luyện đấy, ba tao tuyệt vời lắm!”.
Những khi ấy, nó lại nhớ ba, nó lại ao ước, giá như được trở lại với ngày xưa, giá như ba mẹ không ly hôn, giá như… Rồi sau mỗi trận bóng, thằng An mập lại nói: “Giải lao đi tụi mày, lại đây ăn chè bưởi mẹ tao nấu, mẹ tao biết tao thích ăn chè bưởi nên hay nấu lắm, ăn mát cả người”. Nó nhớ, ngày nhỏ, mẹ cũng hay làm đồ ăn ngon cho nó, nhưng cũng lâu rồi, mẹ thường bận rộn, phải đi làm sớm và tăng ca đến đêm muộn.
Khi mẹ đi làm, nó chưa thức giấc, khi nó đi ngủ, mẹ mới trở về. Lúc ấy, nó thấy sống mũi cay cay, nó thèm đồ ăn mẹ nấu, thèm hơi ấm của mẹ. Nó không chỉ thấy người lớn đáng ghét, bọn trẻ trong xóm cũng thật đáng ghét, hình như nó đang ghen tị với hạnh phúc của bọn chúng. Nó thấy bản thân thật ích kỷ và nó thấy ghét chính bản thân mình.
Chú Tùng xuất hiện, nó thấy chú rất quan tâm đến mẹ và mẹ cũng có vẻ quan tâm đến chú. Trực giác mách bảo chú Tùng sẽ mang mẹ đi xa nó hơn. Nó không muốn, nó đã phải xa ba, giờ nó không muốn ai mang mẹ của nó đi đâu. Nó ghét chú, mặc dù chú quan tâm đến mẹ và nó. Mỗi khi chú đến, chú thường mua quà cho nó rồi cười thật tươi, còn nó vẫn luôn giữ thái độ lầm lì, ghét chú ra mặt. Mẹ không nói gì, nhưng mặt mẹ thoáng buồn.
Hôm đó vào đúng sinh nhật nó, chú Tùng tặng món quà, đó là một đôi giày thể thao và một quả bóng da. Món quà rất đẹp. Chú nói: “Vì chú biết con thích chơi bóng nên chú đã mua chúng”. Nhưng nó lại thấy rất nặng nề, nó nghĩ chú làm vậy vì đang tán tỉnh mẹ thôi. Nó đã thẳng thừng nói: “Cháu không nhận quà của chú đâu, cháu chỉ mong chú đừng đến gặp mẹ nữa thôi”. Mẹ đã mắng nó và nó càng ghét mẹ hơn, nó nghĩ vì chú Tùng mà mẹ đã không còn yêu nó như trước nữa. Nó òa khóc nức nở.
Nhớ ngoại từng ôm nó vào lòng và thủ thỉ:
- Con có yêu mẹ con không?
- Con có - giọng đầy thổn thức;
- Con có muốn mẹ hạnh phúc không?
Nó khẽ gật đầu.
- “Chú Tùng là người tốt, mẹ con còn trẻ lắm, mẹ cần đi thêm bước nữa con à, chú yêu mẹ, mẹ cũng yêu chú, mẹ đám cưới với chú, mẹ sẽ hạnh phúc”.
- Nhưng con chỉ hạnh phúc khi ở bên mẹ thôi! - nó bật khóc.
Mẹ đã nghe được câu chuyện giữa nó và ngoại. Đêm đó, mẹ ôm nó vào lòng, mẹ khóc, mẹ xin lỗi nó. Sau đó, dù chú Tùng có đến, mẹ cũng không gặp. Một thời gian chú Tùng không đến, căn nhà nhỏ bé bỗng tịch mịch đến lạ thường, nét mặt mẹ luôn buồn man mác, ngoại thở dài nhiều hơn. Và nó cũng thấy không vui, có lẽ vì nó. Phải chăng nó đã quá ích kỷ? Không phải, chỉ là nó muốn ở bên mẹ thôi mà.
Một buổi chiều, sau giờ tan trường, nó đang lững thững bước đi. Chợt có tiếng gọi, nó ngạc nhiên, là chú Tùng. Chú mỉm cười nhìn nó, chú vẫn mang món quà lần trước nó từ chối, chú bảo: “Hai chú cháu mình đi đá bóng nhé, chú muốn nói chuyện với cháu”. Nó ngượng ngùng đồng ý. Không ngờ chú Tùng chơi bóng khá giỏi, chơi bóng với chú xong, nó quên hết chuyện cũ. Nó hỏi: “Chú không ghét cháu à?”. Chú bảo: “Không, chú rất thương con, chú hiểu con mà, chú xin lỗi vì đã làm con buồn”.
- Chú không giận vì con đã cản không cho chú đến với mẹ à? - nó tò mò.
- Chú không, chú thương mẹ, và mẹ cũng vậy, chú sẽ đợi cho đến khi nào con hiểu và chấp nhận chú. Cuối tuần lại đi chơi bóng với chú nữa nha!
Đêm đó, nó đã suy nghĩ rất nhiều. Nó đã hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có thương chú Tùng không?”. Mẹ không nói gì. “Có phải vì con nên mẹ không gặp chú Tùng nữa không?” - nó hỏi. Mẹ khẽ gật đầu: “Ừ, con quan trọng với mẹ hơn bất cứ ai”. Nó khóc òa vì hạnh phúc, thì ra mẹ vẫn yêu nó lắm nhưng có lẽ nó lại chỉ nghĩ đến bản thân mình. Nó khẽ nũng nịu: “Mẹ ơi, tự dưng con lại thấy nhớ chú Tùng quá. Hay là cuối tuần này, mẹ con mình và chú ra bãi đá bóng nha!”.
Từ đó, nó chấp nhận chú Tùng. Chú Tùng vui hơn, hay mua quà cho nó và mẹ cũng vui hơn. Nó thấy mẹ hay cười, mẹ trẻ và đẹp hơn. Ngoại bảo vì mẹ đang hạnh phúc nên mẹ mới như vậy. Nó mỉm cười, có lẽ vậy, vì nó cũng thấy vui hơn khi thấy mọi người vui vẻ.
Đám cưới của mẹ cũng đến, mẹ thật đẹp khi khoác trên người bộ váy trắng tinh khôi. Mẹ ôm nó và khóc, mẹ nói mẹ xin lỗi nó, mẹ sẽ nhanh về đón nó đi cùng. Nó vỗ về mẹ: “Đừng lo cho con, con chỉ cần mẹ hạnh phúc thôi, con sẽ ở với ngoại”. Rồi nó chạy vào trong buồng mà khóc nức lên.
Ảnh cưới của ba mẹ được thay thế bằng ảnh cưới của chú Tùng và mẹ. Ngoại định vứt bức ảnh cũ đi nhưng nó đã vội ngăn lại vì nó muốn giữ làm kỷ niệm. Nó ngắm nghía thật kỹ hai tấm ảnh, ảnh ba và mẹ cũng rất đẹp nhưng đôi mắt mẹ khá buồn, mẹ không cười. Ảnh mẹ và chú Tùng, mẹ cười rất tươi. Phải rồi, khi hạnh phúc thì đôi mắt và nụ cười mới tươi như thế được. Nhìn tấm ảnh mới, nó có niềm tin, nó tin chú Tùng sẽ khiến mẹ hạnh phúc.
Ngoại đang nằm và vỗ về nó, ngoại vuốt ve từng sợi tóc của nó. Nó vẫn nằm úp mặt vào trong tường, nước mắt nó lăn từng giọt nóng hổi, nó khẽ mỉm cười, thầm ước: “Mẹ con sẽ thật hạnh phúc”. Nó đã hiểu rồi, nó chỉ hạnh phúc khi mẹ và những người xung quanh hạnh phúc. Nó cảm thấy hơi ấm từ ngoại dần lan tỏa, nó thấy nụ cười của mẹ và ánh nhìn đầy âu yếm của chú Tùng nơi đáy mắt. Phải rồi, hạnh phúc đơn giản lắm, chỉ cần ta nhìn những người xung quanh ta hạnh phúc, rồi ắt tự ta sẽ thấy mình hạnh phúc.
Đôi mi từ từ khép lại, giấc ngủ êm đềm đã đến với nó./.
Trần Tú