Đúng 15 năm trước, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đệ đơn lên tòa án Mỹ kiện các công ty hóa chất sản xuất những loại hóa chất đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, khởi đầu cho một tiến trình bền bỉ đòi công lý cho những người phải hứng chịu nỗi đau dai dẳng này.
Trong 10 năm từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% là chất da cam/dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích hơn 3 triệu hecta tại Việt Nam. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần. Tổng cộng có tới 366kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ.
Đúng 15 năm trước, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đệ đơn lên tòa án Mỹ kiện các công ty hóa chất sản xuất những loại hóa chất đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại dioxin là một chất gây ung thư ở người, có thể phá hỏng các hệ thống như nội tiết, miễn dịch và thần kinh trong cơ thể. Giới khoa học khẳng định chỉ cần hòa 80 g dioxin vào hệ thống cấp nước thì có thể “giết chết” cả một thành phố với 8 triệu người.
Các nghiên cứu khoa học và thực tế đều chứng minh rằng chất da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có liên quan đến bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và các trường hợp thai dị dạng, để lại di chứng cho thế hệ sau.
Máy bay phun rải chất dioxin trong chiến tranh Việt Nam. (Nguồn: Getty Images)
Theo Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh…
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Việt Nam có hơn 15.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba và 2.000 nạn nhân thế hệ thứ tư.
Ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam) |
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, các chất độc hóa học do đế quốc Mỹ rải xuống Việt Nam còn gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái. Cho đến nay, ước tính có khoảng 28 địa điểm vẫn còn khả năng nhiễm dioxin, gây nguy hại đến nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Dõng, ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có 7 người con bị di chứng chất độc da cam, là một trong 200 hộ gia đình đã từng bước ổn định cuộc sống từ dự án nuôi bò của Quỹ Hòa giải - Hàn gắn vết thương chiến tranh (Mỹ) do Quỹ Bảo trợ nạn nhân da cam hỗ trợ từ năm 2007 (2011). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Không chỉ có người dân Việt Nam, mà ngay cả những binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia... tham chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh các lực lượng Hải quân-Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968-1970, ít nhất 2,6 triệu lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết.
Nước Mỹ sau chiến tranh còn phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội.
Cuối những năm 1970, các cựu binh Mỹ ở Việt Nam bị nhiễm hóa chất này đã bắt đầu khởi kiện. Do Chính phủ Mỹ sử dụng điều luật miễn trừ trách nhiệm, cho phép chính phủ không thể bị kiện, ngay cả trong trường hợp cáo buộc sơ suất, nên các vụ kiện bắt đầu chuyển hướng cáo buộc các công ty hóa chất đã sản xuất và bán chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ, phạm tội ác chiến tranh và đòi bồi thường.
Cuối những năm 1970, các cựu binh Mỹ ở Việt Nam bị nhiễm hóa chất này đã bắt đầu khởi kiện. |
Các vụ kiện trên dẫn đến một cuộc dàn xếp hồi năm 1984, theo đó các công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Dow Chemical, Monsanto và một số công ty khác, chấp nhận bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ bị ảnh hưởng chất độc này. Năm 2003, Bộ Cựu Chiến binh cũng đã đồng ý bồi thường và Quốc hội Mỹ đã cấp 13,3 tỷ USD cho mục đích này.
Các cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam tuần hành kêu gọi ủng hộ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin của cả Mỹ và Việt Nam. (Nguồn: couragetoresist.org)
Tuy nhiên, hành trình đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, những người phải trực tiếp hứng chịu nỗi đau tàn khốc cả về thể xác lẫn tinh thần do chất độc này gây ra, khá gian nan.
Năm 2004, cùng với sự ra đời của VAVA, lần đầu tiên một số nạn nhân người Việt Nam đứng đơn cùng VAVA tiến hành khiếu kiện dân sự 37 công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cuộc đấu tranh đòi công lý này đã nhận sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, song tháng 3/2009, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam.
Hành trình đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, những người phải trực tiếp hứng chịu nỗi đau tàn khốc cả về thể xác lẫn tinh thần do chất độc này gây ra, khá gian nan.
Luật sư Mỹ Jonathan Moore, cố vấn pháp lý cho các nguyên đơn Việt Nam khi đó nói rằng quyết định “phủ nhận công lý đối với hàng triệu người Việt Nam, những người đang chịu đựng đau khổ do việc rải chất da cam có chứa dioxin khiến cho vài thế hệ nạn nhân bị đau ốm và tàn tật nặng nề, là đi ngược lại luật pháp Mỹ và quốc tế.”
Hội đồng Hòa bình Mỹ cho rằng thật bất công và tàn nhẫn khi các cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường, nhưng các tòa án Mỹ vẫn giữ ý kiến rằng dioxin chỉ là một chất diệt cỏ và quân đội Mỹ đã “không chủ ý gây hại cho người Việt Nam.”
Từ đó tới nay, VAVA cùng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý, tiếp tục phối hợp với các luật sư quốc tế để chuẩn bị cho các hành động pháp lý khác trong thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, VAVA cũng ủng hộ, hỗ trợ hoạt động đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, như vụ bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942, nạn nhân bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam/dioxin, khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ lên tòa án Pháp tháng 5/2014. Cùng với hoạt động đấu tranh pháp lý, các phương thức đấu tranh chính trị, ngoại giao khác cũng được triển khai.
Sau 6 tháng điều tra và 2 ngày xét xử, kết thúc phiên tòa luận tội Công ty hóa chất Monsanto (Mỹ), ngày 18/4/2017, Tòa án Quốc tế tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết kết án Công ty Monsanto về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trên thực tế, hành trình đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam không đơn độc. Nhiều tiếng nói quốc tế, cả cá nhân lẫn các tổ chức, từ cả chính giới Mỹ, đã đồng loạt ủng hộ cuộc đấu tranh này.
Tháng 5/2009, một tòa án “lương tâm nhân dân” quốc tế được thiết lập tại Paris, kết luận Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin mà hậu quả của nó đối với môi trường của Việt Nam có thể coi là “hủy diệt môi trường”; các công ty hóa chất là tòng phạm của các hành động này; Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình của họ.
Ngày 18/4/2017, Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan công bố kết luận rằng công ty Monsanto đã hủy diệt môi trường, gây thiệt hại cho người dân Việt Nam. Do đây là phiên tòa công dân nên kết luận chỉ là kiến nghị tham vấn, không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý.
Hành trình đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam không đơn độc. |
Tuy nhiên, kiến nghị tham vấn được chuyển đến Liên hợp quốc, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và tập đoàn Monsanto. Các nạn nhân của Monsanto có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị tham vấn để kiện Monsanto. Bản thân các nghị sĩ Mỹ cũng đã đưa ra 4 dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Tại Mỹ, năm ngoái, tòa án ở San Francisco yêu cầu Monsanto nộp phạt 250 triệu USD và bồi thường thiệt hại 39 triệu USD trong vụ người làm vườn Dewayne Johnson, bị ung thư giai đoạn cuối, kiện Monsato đã không cảnh báo nguy cơ thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này có thể gây ung thư.
Ngày 13/5 vừa qua, bồi thẩm đoàn tại bang California đã ra phán quyết yêu cầu Monsanto bồi thường hơn 2 tỷ USD cho một cặp vợ chồng mắc ung thư vì thuốc diệt cỏ Roundup. Trước đó, Monsanto cũng bị kết tội ở Pháp trong vụ việc một nông dân ở nước này bị ngộ độc hóa chất sau khi sử dụng thuốc diệt cỏ trên.
Phán quyết của các tòa án nước ngoài là án lệ bác lại những luận điểm trước đây cho rằng chất diệt cỏ mà Monsanto sản xuất cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là không gây tác hại cho sức khỏe con người.
Ngày 7/11/2018, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng kéo dài 6 năm với kinh phí 110 triệu USD, một trong 2 điểm nóng ô nhiễm chất độc da cam/dioxin lớn nhất ở Việt Nam, sau sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)
Ngoài ra, trước sức ép của công luận và tiến triển tích cực của quan hệ Việt-Mỹ, phía Mỹ đã có những đóng góp bước đầu cho việc khắc phục “nỗi đau” da cam/dioxin. Mỹ đã ký Bản ghi nhận ý định về hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất độc da cam/dioxin và chính thức triển khai tẩy độc tại Sân bay Biên Hòa...
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam được dự báo sẽ kéo dài, bởi các công ty lớn như Monsanto luôn tìm cách trì hoãn, kéo dài và làm phức tạp vụ kiện.
Tuy nhiên, với sự ủng hộ ngày càng cao của cộng đồng quốc tế, cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục cho đến khi công lý cho tất cả các nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam và những ai là nạn nhân của chiến dịch “chiến tranh hóa học” do Chính phủ Mỹ tiến hành ở Việt Nam, được thực thi./.
Theo TTXVN