Ngày 17/02/1859, giặc Pháp tiến đánh thành Gia Định, mở màn việc xâm chiếm Nam kỳ. Phòng tuyến Đại đồn Kỳ Hòa được dựng lên để bao vây địch đánh lan ra phía Tây. Nguyễn Trung Trực năm ấy vừa 21 tuổi, gia nhập đạo quân đồn điền do Phó Lãnh binh Gia Định Trương Định lãnh đạo cùng các đội quân ứng nghĩa về tham gia vào mặt trận phòng tuyến Đại đồn chống giặc.
Người con làng chài
Nguyễn Trung Trực có tên là Nguyễn Văn Lịch, còn gọi là Chơn, sinh năm 1838 (cũng có ý kiến cho rằng là năm 1839, vì theo lời khai của ông với thực dân Pháp lúc bị bắt (năm 1868) là ông 30 tuổi mà thế hệ ông bà ta luôn dùng âm lịch), trong gia đình sống nhiều đời bằng nghề chài lưới ở Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Sách Địa bạ Nam kỳ (Nguyễn Đình Đầu, 1994) ghi: “Thôn Bình Nhựt ở xứ Bả Tân”, nghĩa là bến, xóm mới, nơi ở mới của những người làm nghề bả trạo (tức nghề cầm dầm, chèo, đánh bắt cá vùng sông nước...). Xóm Nghề là nơi sinh của Nguyễn Trung Trực cũng là nơi họ tộc của ông sinh sống nhiều đời, là hậu duệ của lưu dân từ miền Trung vượt biển vào Nam xây dựng cuộc sống mới trong cuộc Nam tiến của cha ông ta hơn 3 thế kỷ trước.
Nội tổ của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo, vốn là ngư dân ở xóm Lưới (ven biển), Phù Cát, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thôn Vĩnh Hội, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), vào lập nghiệp, định cư trong thời khởi nghĩa Tây Sơn, là một trong những người đầu tiên có công khai phá, lập nên Xóm Nghề. Đến đời thân sinh của ông - ông Nguyễn Văn Phụng (Thăng), gia đình đã khá giả, có uy tín trong vùng. Hiện nay, tại Xóm Nghề còn con rạch tên rạch Ông Thắng mà nhiều người cho rằng đó là biến âm của “ông Thăng”, tức cha của Nguyễn Trung Trực.
Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân làm nên chiến công vang dội đốt cháy tiểu hạm L’Espérance
Gia đình Nguyễn Trung Trực làm nghề lái rỗi, xuôi ngược trên sông nước Nam bộ vốn thường bị “bối” (trộm cướp đường sông), gốc gác ở Bình Định vốn có truyền thống võ nghệ. Nguyễn Trung Trực lại sớm bộc lộ tính cách hiếu động, sự thông minh, ham thích võ nghệ nên ông được gia đình cho học cả văn lẫn võ tại một lò võ ở vùng kênh Bảo Định (nay thuộc TP.Tân An), xứ sở của quân Đông Sơn với căn cứ Ba Giồng nổi tiếng giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, chung với Huỳnh Văn Tấn (sau này là tay sai đắc lực cho Pháp) và nhanh chóng nổi tiếng, 16 tuổi đã thượng đài. Do tính tình chân chất, cương trực, khẳng khái, giàu lòng nghĩa hiệp, hay cưu mang, giúp đỡ người khác nên thầy đặt tên là “Trực”.
Bấy giờ, phủ lị Tân An đóng tại chợ Cai Tài (nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ), thường tổ chức các cuộc thi nên có câu ca dao:
Bảng treo trước chợ Cai Tài,
Bên văn bên võ, ai có tài ra thi.
Năm 18 tuổi, ông thượng võ đài tại đây và giữ võ đài suốt 3 ngày liền nên tiếng tăm càng thêm vang dội. Ông lại thường giao du rộng rãi với hào kiệt trong vùng nên sớm có uy tín. Thế nhưng, ông không hề kiêu căng mà rất mực điềm đạm..., như Nguyễn Thông (1827-1884) đánh giá trong Hồ Huân Nghiệp truyện là “Nguyễn Lịch tính thâm trầm nghiêm nghị và can đảm”.
Xóm Nghề nằm trên doi đất phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, ở giao điểm giữa 2 tuyến đường thủy và đường bộ quan trọng số 1 từ Sài Gòn - miền Tây, đối diện (bên kia bờ sông Vàm Cỏ Đông) với một “tiểu kinh kỳ” Phước Tú (chợ Bến Lức), “Quán xá trù mật, thuyền bè qua lại tạm dừng để đợi nước lên để đi tiếp”, là nơi đặt huyện đường Tân Long, có trạm thu thuế đường sông Lật Giang (sông Bến Lức) có số thu lớn nhất Nam kỳ... nên người dân ở đây bộc lộ đầy đủ tính cách phóng khoáng và trượng nghĩa Nam bộ: Bến Lức này khác thể kinh kì/ Một con nước thì ra tới vịnh/ Bây giờ định tính/ Mặc sức lái bạn ăn chơi (Vè lái rỗi).
Phải chăng, vùng đất đầy chất phóng khoáng Nam bộ của những con người mang trong mình một hành trang tinh thần bất khuất vượt chông gai đi tìm đất mới; truyền thống võ nghệ của quê hương, gia đình, tinh thần yêu nước và tố chất thủ lĩnh của Nguyễn Trung Trực đã làm nên huyền thoại Anh hùng dân chài về sau này.
Trở thành anh hùng nông dân áo vải
Sau khi Đại đồn thất thủ (25/02/1861), quân triều đình rút về Biên Hòa, từ đây, nhiệm vụ đánh giặc, cứu nước đặt lên vai những người “dân ấp, dân lân mến nghĩa làm dân chiêu mộ”. Trương Định đưa quân về Gò Thượng ở Tân Hòa, Gò Công để củng cố. Cánh quân của Nguyễn Trung Trực thì hoạt động ở khu vực Tân An. Sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân nên ông được giữ chức Quyền sung Quản binh đạo, gọi tắt là Quản binh (cai quản khoảng 50 binh) nên gọi là Quản Lịch hay Quản Chơn.
Chiếm được đầu não Sài Gòn, quân Pháp theo đường kênh Bảo Định tiến đánh và dù chiếm được thành Định Tường (12/4/1861) nhưng đã bị Nguyễn Trung Trực chỉ huy mặt trận này gây thiệt hại to lớn khi Trung tá chỉ huy là Bourdais và 30 lính Pháp bị giết, làm cho người Pháp phải than thở: “Chưa có cuộc hành quân nào ở Nam kỳ mà mệt nhọc và bị nhiều người chết chóc bằng cuộc hành quân này... Đó là cuộc chiến đấu liên miên cả ngày lẫn đêm...” (Sách Tân An ngày xưa [Đào Văn Hội, 1972]).
Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân làm nên chiến công vang dội đốt cháy tiểu hạm L’Espérance (Hy Vọng) trên Vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ) mà người Pháp gọi là “Ấn tượng của biến cố bi đát” (Paulin Vial, tác giả sách Les premières années de la Cochinchine [Những năm đầu tiên ở Nam kỳ]), “Một biến cố bi thảm đã gây nên một niềm xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam” (Alfred Schreiner, một tác giả Pháp nghiên cứu lịch sử giai đoạn này). Với ta, chiến công lần đầu tiên bằng vũ khí thô sơ và mưu trí đã tiêu diệt được chiến hạm của Pháp được trang bị vũ khí hiện đại tác động mạnh mẽ đến tinh thần chiến đấu của nghĩa quân, từ nay, nghĩa quân không xem tàu chiến Pháp là bất khả xâm phạm. Sau trận này, tên Nguyễn Văn Lịch được đổi thành Nguyễn Trung Trực.
Một năm sau (12/1862), một tiểu hạm khác của Pháp đậu tại đầu vàm sông Bến Lức bị tấn công, dù địch kịp thời dùng súng bắn đá, bắn đạn sắt khiến nghĩa quân phải rút quân nhưng hết sức hoang mang, như Paulin Vial nhận định: “Những cảnh ghê gớm ấy đều là kết quả của những âm mưu của quân địch”. Sau đó, ngày 16/12/1862 (có tài liệu ghi là 17), “Ba chiếc tiểu hạm đậu trên sông Vàm Cỏ Đông để kiểm soát sự lưu thông trên sông ấy, bị tấn công thật tình dữ dội bởi những lũ người đông đảo vì họ bị nung đốt do kỷ niệm tàu L’Espérance phát hỏa. Một trong ba chiếc ấy, chiếc số 3, đậu trên mé nguồn sông, dưới Tây Ninh một đỗi, bị công hãm bởi nhiều ghe có bố trí súng thần công. Viên hậu tuyển sĩ quan chỉ huy chiếc này bị thương, nhưng bắt đặng 3 ghe địch”. Paulin Vial đã nhấn mạnh chính Nguyễn Trung Trực - “Người đã điều khiển cuộc tấn công tàu L’Espérance” đã chỉ huy các cuộc tấn công này.
Sau khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay giặc, Nguyễn Trung Trực chuyển địa bàn về hoạt động ở các tỉnh miền Tây. Giữa năm 1867, ông được triều đình phong chức Thành thủ úy Hà Tiên nhưng chưa kịp đến nơi thì Hà Tiên rơi vào tay giặc. Ông lui về Hòn Chông lập căn cứ chống Pháp và lập nên chiến công hiển hách đánh chiếm đồn Kiên Giang (16/6/1868), lần đầu tiên chiếm và làm chủ một tỉnh lỵ trong một tuần lễ, trước khi bước ra pháp trường Rạch Giá, ngày 20/7/1868 để rồi cái chết hóa thành bất tử với biết bao huyền thoại.
Nếu như người Pháp thực sự bắt đầu nhắc đến Quản Lịch - Nguyễn Trung Trực bằng sự nể nang kể từ sau những chiến công trên đất Long An thì sau trận lấy đồn Kiên Giang, đó là sự khâm phục: “Là một người chỉ huy trẻ tuổi, rất can đảm, chống nhau với ta ngót tám năm trời” (Paulin Vial) - điều mà có lẽ trước đó chưa thấy họ dành cho vị thủ lĩnh nghĩa quân nào trong phong trào võ trang chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Sự khâm phục của người Pháp còn ghi nhận trong suốt thời gian Nguyễn Trung Trực bị giam cầm. Paulin Vial viết: “Vào lúc bị bắt và bị giam ở ngục thất Sài Gòn, Nguyễn Trung Trực đã tỏ ra rất tự trọng và có nhiều nghị lực...”. Alfred Schreiner cũng nhận định: “Trong suốt thời kỳ bị giam cầm, ông Trực không có lúc nào tỏ ra yếu đuối cả, một cách thẳng thắn và đàng hoàng, ông công nhận các chiến công của ông và cũng nhận là đã khinh thường sức mạnh của Pháp. Ngoài ra, ông chỉ yêu cầu ban cho ông một ân huệ, ấy là được xử tử ông ngay tức khắc”. Nhận thấy ở Nguyễn Trung Trực một người trung hiếu, nghĩa khí và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chống Pháp ở Nam kỳ nên giặc đưa ra nhiều lời chiêu dụ, hứa hẹn chức tước, bổng lộc nhưng chúng chỉ nhận được sự dứt khoát của ông: “Nếu có chức vụ nào giết hết Tây dương cướp nước thì ta nhận chức đó”.
Vốn sinh ra không phải để làm anh hùng nhưng vận nước đã làm cho người thanh niên dân chài Nguyễn Trung Trực vượt lên thường tình, mạnh hơn cái chết, trở thành hình ảnh tiêu biểu của người nông dân Việt Nam anh hùng./.
ThS. Nguyễn Tấn Quốc
Kỳ 2: “Chi nài sắm dao tu nón gõ”