Cơ hội phát triển
EVFTA mở ra nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - EU. Hiệp định này được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
EVFTA được ví như một con đường “cao tốc” hướng Tây, kết nối Việt Nam với một không gian thị trường rộng lớn, chất lượng cao, tiềm năng lẫn tiềm lực hàng đầu thế giới với quy mô hơn 450 triệu dân. Đồng thời, đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là các DN xuất, nhập khẩu vào thị trường EU.
Công ty Cổ phần Nafoods Group đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội mới cho sự phát triển và hội nhập về thị trường cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Để Hiệp định EVFTA thực thi và hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng chính sách phù hợp với cam kết FTA, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững; xây dựng và nâng cao năng lực cho bộ phận thực thi FTA; thay đổi tư duy quản lý; triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Đối với doanh nghiệp không nên “có mới nới cũ”, tận dụng tối đa những cái hiện có, tận dụng càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt, trở thành những “chuyên gia FTA”; thay đổi tư duy và tập quán kinh doanh; luôn phấn đấu và không được hài lòng với những gì đang có”.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ - Thạc sĩ Ngô Chung Khanh
|
Công ty (Cty) Cổ phần Nafoods Group là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau, củ, quả đông lạnh. Năm 2018, Cty đầu tư, đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất và chế biến hoa, quả xuất khẩu tại huyện Đức Hòa với quy mô gần 7ha, tổng mức đầu tư hơn 410 tỉ đồng.
Theo đại diện Cty Cổ phần Nafoods Group, Cty đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu với sản lượng hàng chục tấn sản phẩm/tuần thông qua đường hàng không. Những năm qua, công ty luôn chú trọng cơ cấu thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng vùng nguyên liệu. Năm 2019, thị trường trong nước tăng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Cty với 44% (năm 2017 chỉ 30%). Với mục tiêu đa dạng hóa thị trường, ngoài Trung Quốc, châu Âu, Cty đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các đối tác đến từ những thị trường lớn và tiềm năng như Nga, Australia, Ấn Độ, Trung Đông,...
Bên cạnh đó, Cty thử nghiệm xuất khẩu chanh leo bằng đường biển, thời gian đi tàu từ TP.HCM đến cảng Rotterdam (Hà Lan) khoảng 21-25 ngày. Kỳ vọng, tiếp theo đó, chanh leo tươi của Việt Nam sẽ sớm có mặt tại các siêu thị ở Mỹ. Riêng tại Long An, mỗi ngày, Cty tiêu thụ khoảng 200 tấn thanh long của địa phương. Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình hoạt động nhưng những tháng gần cuối năm, thị trường bắt đầu mở cửa trở lại, hứa hẹn phục hồi. Hiệp định EVFTA có hiệu lực mở ra một cơ hội mới, tuy nhiên, thị trường EU tiêu chuẩn rất cao, thách thức đặt ra là khá lớn. Cty sẽ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đổi mới quy trình sản xuất để bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn do các thị trường đề ra.
Cty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (hoạt động trong Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) là đơn vị nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Mỗi năm, Cty cung ứng ra thị trường thế giới 4.000-5.000 tấn sản phẩm với doanh thu từ 25-30 triệu USD/năm. Giám đốc Kinh doanh Cty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An - Bùi Khắc Nhã chia sẻ: Sản phẩm chủ lực của Cty là hạt điều và có mặt hầu hết tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Quốc,... là những thị trường chính của Cty.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động của Cty, khả năng doanh thu sẽ giảm 10% so với kế hoạch. Cty đang cố gắng để bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực là một tin vui vì mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các DN. Đó là cơ hội được hợp tác với nhiều đơn vị, thụ hưởng chính sách về thuế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kết nối cung - cầu, định hướng được dòng sản phẩm để vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, thách thức cũng tương đối lớn, việc cạnh tranh giữa các dòng sản phẩm sẽ khốc liệt hơn so với bình thường. Cty nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm đáp ứng tất cả tiêu chuẩn đề ra. Mặt khác, Cty tìm hiểu kỹ hơn về thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đưa các dòng sản phẩm phù hợp để phát triển kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước cần có thêm một chính sách cụ thể, hỗ trợ DN vay vốn ngân hàng trong quá trình hoạt động.
Kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng lên
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 700 DN tham gia xuất, nhập khẩu. Các sản phẩm có xuất xứ từ Long An xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2019, xuất khẩu của tỉnh đạt 5,97 tỉ USD, tăng 14,3% so với năm 2018. Tính theo giá trị tuyệt đối, xuất khẩu của tỉnh năm 2019 tăng thêm 0,75 tỉ USD so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 6 tỉ USD, tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 14,8%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 4 tỉ USD, giảm 7,4% (cùng kỳ tăng 3,1%). Các thị trường: Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan vẫn có xu thế tăng trên 10%. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bao gồm: Cơ khí, ắc-quy, điện tử, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép,...
Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội phát triển
Riêng thị trường EU, năm 2019, tỉnh xuất khẩu sang 27 quốc gia với kim ngạch xuất khẩu đạt 175 triệu USD, chiếm 3,7% trong tổng cơ cấu xuất khẩu của tỉnh. 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 DN giao thương với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường 99,5 triệu USD, nhập khẩu 87,1 triệu USD.
Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng lên (trong đó, tháng 8-2020 tăng 34% so với tháng 7-2020). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, hạt điều, bình ắc-quy, bao bì nhựa,... Mối quan hệ thương mại giữa Long An và EU đang từng bước phát triển. Đây là cơ hội tốt nhất để các DN vừa và nhỏ tận dụng triệt để cơ hội, thực thi hiệu quả từ Hiệp định EVFTA mang lại, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và giao từng sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Hiệp định EVFTA trên địa bàn. Sở đã tổ chức hội thảo, tập huấn, mời các chuyên gia đầu ngành về triển khai, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi EVFTA và thị trường các nước EU đến với các đơn vị, trong đó đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã,... về nội dung cam kết trong hiệp định. Sở sẽ chịu trách nhiệm đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề liên quan đến EVFTA,...
“Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho các DN của cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng nếu DN biết phát huy thế mạnh và tận dụng tốt cơ hội. Thị trường EU có yêu cầu rất cao về hàng hóa, đòi hỏi DN cần có tâm thế chủ động, tìm hiểu để chuẩn bị thật kỹ lưỡng không chỉ về chất lượng hàng hóa mà còn các yếu tố về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, DN cần hiểu rằng, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững có thể làm tăng chi phí nhưng là cơ hội chuyển lên phân khúc thị trường cao hơn. Đối với thị trường EU, vấn đề giá không phải là yếu tố duy nhất để chọn mua sản phẩm” - ông Nguyễn Anh Việt thông tin thêm./.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, nước ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
|
Thanh Mỹ