Tiếng Việt | English

30/11/2021 - 14:34

Hiệu quả từ sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp

Giúp bảo vệ môi trường, cải tạo đất, tạo ra nông sản sạch,... là hiệu quả của việc sử dụng phân bón (PB) hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cây Trôm không chỉ sử dụng phân bón hữu cơ mà còn chủ động sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho các thành viên

Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cây Trôm không chỉ sử dụng phân bón hữu cơ mà còn chủ động sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho các thành viên

Thay đổi tập quán sản xuất

Thời gian qua, nông dân canh tác lúa và các loại cây trồng khác ít sử dụng các loại PB hữu cơ mà chủ yếu sử dụng PB vô cơ (PB hóa học). Điều này giúp diệt sâu, rầy nhanh, tuy nhiên, việc lạm dụng PB hóa học dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản nên khó tiêu thụ ở các thị trường khó tính, thậm chí không tiêu thụ được và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Về lâu dài, việc sử dụng PB hóa học nhiều sẽ làm mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất, bởi các chất hóa học khi ngấm vào đất, lượng axit trong đất sẽ tăng, làm cho đất bị chua, bạc màu. Việc axit trong đất tăng cao dẫn tới độ pH trong môi trường đất giảm làm cho môi trường sống trong đất bị thay đổi, các loài sinh vật tự nhiên trong đất bị thay đổi môi trường sống không phù hợp nên sẽ chết dần, khiến nguồn đất dần mất đi độ tơi xốp, màu mỡ; đất bị bạc màu và thay đổi lý tính không thể dùng để trồng trọt hoặc cây sẽ còi cọc, nông sản kém chất lượng hoặc sản lượng rất kém.

Xác định được các vấn đề trên; đồng thời, nhằm phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, trong đó có Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh vừa đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vừa thực hiện thí điểm các mô hình sử dụng PB hữu cơ trong trồng trọt.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An - Trần Thị Mộng Thi thông tin: “Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai, thực hiện 3 mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã (HTX) Thanh Phú Long (0,5ha), 1 mô hình tại xã Phú Ngãi Trị (0,9ha); 1 mô hình tại xã Dương Xuân Hội (0,4ha). Suốt quá trình thực hiện mô hình chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm, phân khoáng và các loại chế phẩm sinh học để bón cho thanh long, không sử dụng PB hóa học, thuốc BVTV, chất kích thích, không vuốt tai thanh long, không sử dụng thuốc cỏ.

Kết quả giảm chi phí 30% so với sản xuất truyền thống, cây ít bị bệnh, năng suất trong mùa thuận tương đương sản xuất bên ngoài, trong mùa nghịch thì năng suất hơi thấp (khoảng 7 tấn/ha) so với sản xuất bên ngoài, do không sử dụng PB hóa học, chất kích thích nên cây ra hoa ít hơn. Tập đoàn Quế Lâm thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg. Hiện nay, mô hình được tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác”.

Ông Nguyễn Quốc Long (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) đang trồng 0,4ha thanh long. Thời gian qua, thay vì sử dụng PB hóa học, ông chủ động chuyển sang bón phân hữu cơ trong sản xuất. Bởi, ông cho rằng việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo, tăng độ phì cho đất, tăng cường hoạt động của rễ, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Qua đó, thanh long cho năng suất ổn định, màu sắc quả thanh long tươi, bảo quản lâu và chất lượng quả ngọt hơn so với việc sử dụng PB hóa học.

Bà Đỗ Thị Bay sử dụng phân bón hữu cơ cho cây sầu riêng, từ đó giúp cây phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng

Bà Đỗ Thị Bay sử dụng phân bón hữu cơ cho cây sầu riêng, từ đó giúp cây phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng

Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

Hiện nay, giá các loại PB hóa học tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm 2020, trong khi giá bán nhiều loại nông sản lại ở mức thấp. Do vậy, việc tăng cường sử dụng PB hữu cơ đang là một trong những giải pháp quan trọng giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Từ nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào ở địa phương, cộng với mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) đầu tư máy móc, trang thiết bị làm PB hữu cơ từ cây lục bình.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn thông tin: “Nhu cầu sử dụng PB hữu cơ của HTX rất lớn. Bình quân mỗi năm, HTX phải nhập gần 200 tấn PB hữu cơ, với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Thấy vậy, năm 2020, HTX bắt đầu nghiên cứu làm phân hữu cơ từ cây lục bình. Đến nay, HTX sản xuất đại trà cung cấp phân hữu cơ cho trên 150ha lúa của các thành viên”.

Anh Nguyễn Thái Hòa (thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cây Trôm) nói: “Trong việc canh tác lúa thì PB hóa học là không thể thiếu. Song, chúng ta không nên lạm dụng PB hóa học mà phải có sự kết hợp giữa PB hóa học và PB hữu cơ. Theo đó, tùy từng giai đoạn sinh trưởng của lúa mà tôi bón phân hóa học hay hữu cơ cho phù hợp, nhất là trong tình hình giá phân hóa học tăng cao như hiện nay. Qua đó, giúp tôi giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và lúa đạt chất lượng VietGAP, bán có giá hơn”.

Nhận thấy hiệu quả của PB hữu cơ mang lại, thời gian qua, bà Đỗ Thị Bay (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cũng sử dụng các loại phân hữu cơ bón cho hơn 300 gốc sầu riêng. Theo bà Bay, việc bón phân hóa học có thể kích thích cây phát triển nhanh, mau thu hoạch nhưng về lâu dài cây sẽ suy, trái cũng không ngọt. Còn bón bằng phân hữu cơ thì đối với sầu riêng mất ít nhất 5 năm mới cho thu hoạch nhưng chất lượng trái rất ngon, bảo đảm chất lượng, cây không bị thoái hóa, chết sớm. Nhờ sử dụng PB hữu cơ nên vườn sầu riêng của bà Bay phát triển tốt, bình quân 200 gốc cho thu hoạch mỗi đợt khoảng 20 tấn, giá bán dao động từ 60.000-68.000 đồng/kg (tùy loại).

Hiện nay, phân loại phân hữu cơ được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là PB hữu cơ truyền thống gồm các nguồn từ chất thải động vật, thực vật, rác hữu cơ, than bùn,… được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống. Nhóm thứ 2 là PB hữu cơ công nghiệp được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành PB tốt hơn so với nguyên liệu thô ban đầu, trong nhóm này có nhiều loại như phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh,...

Theo thống kê của các ngành chuyên môn, năm 2017, nước ta chỉ sử dụng 1,07 triệu tấn PB hữu cơ sản xuất công nghiệp thì đến năm 2018 tăng lên 1,64 triệu tấn, năm 2019 là 2,28 triệu tấn, năm 2020 đạt 2,63 triệu tấn. Ngành Nông nghiệp Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển PB hữu cơ đến năm 2025 với công suất sản xuất PB của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ điều kiện được nâng lên 1,25 lần, tương đương 5 triệu tấn/năm. Đây là những con số thể hiện sự thay đổi nhận thức của nông dân trong việc chuyển từ PB hóa học sang hữu cơ, góp phần hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Trần Thị Mộng Thi cho biết thêm: “Việc hạn chế sử dụng PB hóa học và tăng cường dùng PB hữu cơ không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ, tạo sự ổn định, bền vững lâu dài.

Bởi, PB hữu cơ không chỉ giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện chế độ mùn, hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng PB. Việc tăng cường sử dụng PB hữu cơ vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, vừa thúc đẩy khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Để khuyến khích nông dân và doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các loại PB hữu cơ, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương và các ngành liên quan tăng cường tập huấn, hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất, sử dụng PB hữu cơ hiệu quả. Đặc biệt, xây dựng mô hình sử dụng PB hữu cơ tiêu biểu trên các nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh trong Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”./.

Việc hạn chế sử dụng PB hóa học và tăng cường dùng PB hữu cơ không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ, tạo sự ổn định, bền vững lâu dài”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật
và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh
- Trần Thị Mộng Thi

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết