Tiếng Việt | English

27/10/2018 - 17:34

Họp Quốc hội: Nhiều kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính

Ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách người có công; nâng cao năng suất lao động; thắt chặt an ninh mạng; tập trung cải cách thủ tục hành chính là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Đặng Hoàng Tuấn phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tăng cường thanh tra, ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách người có công; nâng cao năng suất lao động; thắt chặt an ninh mạng; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế... là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngày 27/10.

Khuyến khích người dân tố cáo việc trục lợi chính sách 

Quan tâm đến tình trạng trục lợi chính sách người có công, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn dẫn chứng tháng 8 vừa qua, dư luận rất bức xúc trước việc phát hiện gần 600 hồ sơ thương binh tại Nghệ An không đúng pháp luật, phải đình chỉ chế độ.

Trước đó, có nhiều trường hợp làm giả đã được phát hiện ở nhiều địa phương. Tình trạng này vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người có công và thân nhân. 

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 4/2017, kết quả thanh tra tại 5 quân khu, 29 địa phương đã phát hiện 1.800 hồ sơ giả mạo. 

Qua phản ánh của cử tri, việc làm giả hồ sơ thương binh diễn ra khá công khai. Hiện tượng "cò mồi" xuất hiện nhiều,... gây bức xúc trong xã hội.

Trong khi đó điều day dứt là thực tế nhiều trường hợp người có công, vì những nguyên nhân khách quan (không giữ được giấy tờ gốc, có người làm chứng) nên chưa được công nhận.

Từ thực tế xử lý các vụ án, vụ việc thời gian qua cho thấy, một số vụ đã có một số vụ có sự bắt tay chặt chẽ giữa cán bộ làm chính sách với đối tượng bên ngoài, trong đó có những vụ việc rất nghiêm trọng như kết cấu với đối tượng bên ngoài hình thành "đường dây chạy" chế độ thương binh; tự ý bổ sung tên đối tượng bên ngoài vào danh sách thương, bệnh binh để hưởng chế độ đi giám định thương tật; cấp khống biên bản giám định thương tật hoặc nâng tỷ lệ giám định thương tật so với thực tế.

"Số cán bộ vi phạm không nhiều, đã bị xử lý nghiêm nhưng đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ, bởi chúng ta đang làm công việc hết sức thiêng liêng, đền đáp công ơn của các thế hệ đi trước đã hy sinh vì Tổ quốc. Xử lý nghiêm và không cho phép có bất cứ sự vụ lợi nào liên quan đến chính sách với người có công là yêu cầu nghiêm khắc nhân dân gửi tới các cơ quan có thẩm quyền," đại biểu trăn trở.

Thống kê trong 3 năm (từ 2015 đến nay), các trường hợp vi phạm do cấp Bộ phát hiện chiếm 60% tổng số các trường hợp vi phạm được phát hiện. 

Đại biểu đặt câu hỏi tại sao vi phạm nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, số lượng lớn nhưng cấp cơ sở không phát hiện được, chỉ đến khi các cơ quan thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng vào cuộc theo đơn tố cáo mới tìm ra? Ngoài lý do cấp cơ sở nêu hành vi làm giả diễn ra tinh vi, cấp cơ sở khó phát hiện, có hay không tâm lý sợ ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, đơn vị, nên không chủ động kiểm tra, rà soát đến tận cùng sự việc? Việc này đã tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục trục lợi chính sách, rất khó cho công tác thu hồi, xử lý sau này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng một số trường hợp chậm trễ giải quyết đơn tố cáo bệnh binh giả đã gây ngần ngại cho những người dám đấu tranh với vi phạm. 

Có những người sau tố cáo đã bị trả thù, thậm chí rơi vào thế cô độc với những người xung quanh, vì những thương, bệnh binh giả họ tố cáo đều là những người cùng làng, cùng xã. 

Để phát hiện các trường hợp thương bệnh binh giả không quá khó, nếu dựa vào người dân, bởi trong một làng, một xã, ai đi bộ đội, đi bộ đội thời gian nào, bị thương ra sao người dân đều nắm rất rõ. 

Vấn đề quan trọng là thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có biện pháp khuyến khích người dân tố cáo trường hợp vi phạm, xử lý triệt để và có biện pháp bảo vệ người tố cáo an toàn nhất. 

Từ đó, đại biểu đề nghị hai Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng cần tăng cường thanh tra, để ngăn chặn triệt để. 

Nâng cao năng suất lao động

Cho ý kiến về năng suất lao động của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu số liệu thống kê năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần. 

Năng suất của Malaysia gấp Việt Nam 5 lần. Năng suất Hàn Quốc 14 lần, Nhật Bản 18 lần và Singapore 25 lần. 

Việt Nam có sự tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh. 

Đại biểu phân tích năng suất lao động có 2 loại thước đo khác nhau là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật đo bằng giá trị hiện vật, bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra trong một giờ, số áo một người công nhân may được trong một giờ... 

Năng suất lao động kỹ thuật này phụ thuộc vào trình độ công nghệ năng suất và thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý... 

Trong đó, yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị. Yếu tố tiếp theo là năng suất kinh tế đo bằng giá trị gia tăng một lao động tạo ra và bằng năng suất kỹ thuật nhân với giá bán một sản phẩm trừ đi chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động.

Nói đến yếu tố giá bán sản phẩm, đây là quan hệ cung cầu, chất lượng của hàng hóa tổ chức tiêu thụ, nói đến thị trường đầu ra, đầu vào cũng là quan hệ cung cầu của đầu vào. 

Như vậy, yếu tố năng suất lao động kỹ thuật cao không tự nó đảm bảo năng suất lao động kinh tế cao

Để xử lý bài toán này, đại biểu cho rằng cần quan tâm đến các nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động.

Đó là nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất; xác định mô hình sản xuất phù hợp; đồng độ 3 khâu sản xuất, đó là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn.

Đồng thời, cần quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài đó là kích cầu trong nước; nâng cao trình độ người lao động; đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân vì dân.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh cho rằng Chính phủ cần có đánh giá liên quan đến yếu tố năng suất lao động tổng hợp, bởi vì trong báo cáo, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% Singapore; một số thống kê khác cho thấy một lao động của Singapore bằng hơn 14 lao động của Việt Nam hay một lao động của Thái Lan bằng khoảng 5 lao động Việt Nam. 

"Nhìn qua số liệu như thế này thì dễ gây hiểu nhầm, rõ ràng không phải lao động Việt Nam làm việc quá yếu kém hoặc năng suất thấp như thế mà đây là mức quy đổi vốn. Vì vậy để đánh giá thực chất hơn về báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chính của năng suất lao động Việt Nam còn thấp là chủ yếu đang thực hiện các giai đoạn là gia công, chế biến, lắp ráp" - đại biểu nói.

Đại biểu Quỳnh Thơ đề nghị thời gian tới Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn để có thể cân đối lại tỷ trọng các yếu tố đóng góp năng suất của các nhân tố tổng hợp, tỷ trọng năng suất lao động, tiến bộ khoa học, công nghệ và trình độ quản lý để phát huy có hiệu quả hơn mô hình tăng trưởng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngăn chặn các hành vi sai phạm trên không gian mạng

Băn khoăn về tình trạng hoạt động tấn công mạng, làm lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng diễn ra càng nhiều, tính chất mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thời gian qua, có tình trạng nhiều trang thông tin, cổng thông tin điện tử của Đảng, Nhà nước bị tấn công, chiếm quyền hoặc chỉnh sửa nội dung. 

Tình trạng phản ánh thông tin một chiều, thông tin tiêu cực, ý kiến đóng góp mang tính cá nhân, cường điệu với những vấn đề kinh tế xã hội, khiếu kiện bức xúc trong nhân dân chưa được định hướng trong dư luận kịp thời...

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng, đặc biệt quan tâm tới chức sắc, nhà tu hành, người đứng đầu các tôn giáo, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, người đứng đầu các huyện để thông tin kịp thời đến cho cộng đồng, giúp người dân đồng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đề cao cảnh giác, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm khắc phục sơ hở trong hệ thống giáo dục, liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-an ninh; quan tâm đến các dự án Luật có liên quan để thực hiện tốt hơn nữa quyền quản lý nhà nước về quốc phòng-an ninh; chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt với thế lực thù địch, tổ chức phản động, các lực lượng chống đối nhà nước, ngăn chặn các hành động kích động, gây rối, nhanh chóng xử lý nghiêm các đối tượng chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng… đại biểu kiến nghị.

Thận trọng trong việc tinh giản biên chế

Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng: Chủ trương của Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy về tiếp tục cải cách hành chính tinh giản bộ máy hành chính là rất đúng đắn.

Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là khâu thông tin, truyền thông thực hiện có phần chưa chặt chẽ, đầy đủ dẫn đến có việc hiểu lầm. 

"Chúng ta nói chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước tới gần 70%, nhưng chi thường xuyên trong này có 13 nội dung chi; Cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ. 

Chúng ta chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục, đó là nhà nước đang bao cấp cho người dân, tức là chi cho người dân trong hai lĩnh vực này, nếu không, chúng ta đi bệnh viện, đi học phải đóng tiền như các đơn vị tư nhân. Việc chi của nhà nước là chi cho cả người dân chứ không chỉ vì cho bộ máy,"- đại biểu nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về vấn đề này.

Liêm quan đến việc tinh giản bộ máy và biên chế, đại biểu khẳng định: Nghị quyết Trung ương đã chỉ đạo cụ thể, việc tinh giản bộ máy và biên chế phải tiến hành thận trọng, "cái gì rõ thì làm ngay, cái gì chưa rõ thì thí điểm, cái gì còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu" nhưng hiện nay, quá trình thực hiện có phần lúng túng do nhận thức chưa đầy đủ. Dường như đang có nhận thức là đơn vị, địa phương nào tinh giản, sáp nhập được nhiều, đó là thành tích. Đơn cử như việc có đề nghị sáp nhập trường tiểu học và trung học cơ sở để giảm bớt một người lãnh đạo quản lý, một kế toán, sử dụng chung mấy giáo viên dạy môn năng khiếu... nhưng chưa tính đến việc sau khi sáp nhập, sau khi tinh giản biên chế sẽ như thế nào, bởi tiểu học và trung học cơ sở có hoạt động dạy và học khác nhau. 

Đại biểu nêu rõ mục tiêu của Nghị quyết đưa ra là tinh giản bộ máy nhà nước, biên chế nhưng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy.

Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ theo tinh thần của Trung ương, không làm vội vàng, vì có nhiều bài học, thậm chí trả giá về việc sáp nhập và tinh giản: nhập rồi lại thôi... Trong quá trình tổ chức thực hiện cần thận trọng, tuân thủ theo đúng nguyên tắc của Đảng, quản lý chỉ đạo điều hành của Nhà nước.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết