Tiếng Việt | English

15/04/2024 - 10:26

Lại bàn về 'văn hóa từ chức'

“Văn hóa từ chức” ngày càng được nói đến nhiều hơn nhưng vẫn còn không ít cách nhìn khác nhau. Nhiều người cho rằng, “văn hóa từ chức” chỉ có ở các nước phát triển, cán bộ trong hệ thống chính trị của ta cũng cần biết ứng xử như vậy. Một số ý kiến khác lại khẳng định, ở nước nào cũng vậy, làm gì có “văn hóa từ chức”, bởi vì việc cán bộ từ chức chủ yếu là do sức ép của tổ chức, của dư luận xã hội.

Ảnh minh họa: internet

Từ chuyện thời xưa ngẫm lại chuyện thời nay

Khi bàn về "văn hóa từ chức", nhiều nhà nghiên cứu đã dẫn một số bậc hiền tài “treo ấn từ quan” để chứng minh rằng, chuyện này đã có từ xưa, như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,... Trong đó, điển hình là Chu Văn An (1292-1370) dưới triều Trần. Ông được gọi là người thầy của mọi thời đại, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, học đi đôi với hành, học để biết, để làm việc và cống hiến cho đất nước. Tư tưởng của ông đã ảnh hưởng đến mọi thế hệ người Việt Nam và góp phần phát triển các giá trị nhân văn vượt thời đại. Từng đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan mà mở trường dạy học; được vua Trần Minh Tông mời ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức Vua Trần Hiến Tông, vị hoàng đế thứ sáu của triều đại nhà Trần. Ở triều đại Trần Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng sớ chém 7 tên gian nịnh nhưng vua không nghe. Ông bỏ về vùng núi Chí Linh (Hải Dương), dạy học và viết sách.

Khái niệm từ chức sau này mới có nhưng cán bộ “tự động xin rút lui”, nhường vị trí cho người khác đã có từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại Báo cáo chính trị Đại hội II của Đảng (năm 1951) có nêu: “Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2009, trang 60). Chưa phải là từ chức nhưng cử chỉ tốt đẹp ấy thể hiện đức tính không ham địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân.

Nói về việc từ chức trong thời nay là nhớ đến Tổng Bí thư Trường Chinh, người được phân công cùng Đảng tổ chức Ủy ban Cải cách ruộng đất chỉ đạo công tác phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Vì những sai lầm trong việc thực hiện chủ trương này, đồng chí đã tự phê bình, nhận trách nhiệm trước Đảng và xin từ chức Tổng Bí thư. Được Trung ương đồng ý nhưng đồng chí vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; được bầu lại làm Tổng Bí thư khi Tổng Bí thư Lê Duẩn mất và là người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Cũng do sai lầm trong cải cách ruộng đất, theo nguyện vọng cá nhân, Trung ương cũng đã đồng ý để đồng chí Lê Văn Lương rút ra khỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xuống làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

“Treo ấn từ quan” là thái độ cương trực với lòng tự trọng cao, song chưa hẳn đã là tích cực, vì đó còn thể hiện sự buông xuôi, bất mãn với triều đình, quan tham. Còn từ chức là cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ và được cấp trên có thẩm quyền chấp thuận, nguyên nhân chủ yếu là hạn chế về năng lực hoặc không còn uy tín để đảm đương nhiệm vụ được giao; hoặc để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; hoặc có hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

Theo đó, “treo ấn từ quan” thường là hành vi đơn phương, còn từ chức là cách xử lý trong công tác cán bộ, thể hiện tính nghiêm minh mà cũng rất nhân văn. Vi phạm khuyết điểm ở mức độ nào mới được chấp thuận từ chức, mở ra cho cán bộ đó một lối thoát để bảo toàn danh dự; còn đến mức phải cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng hay xử lý hình sự thì chắc chắn phải làm nghiêm theo pháp luật.

Để từ chức trở thành văn hóa

Công tác cán bộ là công việc về con người, vô cùng khó và phức tạp, việc xử lý một cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược lại càng nhạy cảm vì không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân mà còn là uy tín của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhiều về cách dùng cán bộ. Trước thời kỳ đổi mới, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng trình bày tại Đại hội lần thứ V đã nêu, cần coi “có lên, có xuống” là việc bình thường trong công tác cán bộ.

Gần 40 năm đổi mới, dù có những chuyển biến rõ rệt nhưng công tác cán bộ vẫn là vấn đề dư luận lo ngại, nhất là việc bổ nhiệm, đề bạt. Chủ trương “có lên, có xuống” trong công tác này chưa được thực hiện nhiều; có trường hợp khi phát hiện vi phạm được “giải cứu” bằng cách điều động đi nơi khác; thậm chí có khi được lên chức vụ cao hơn mới phát hiện ra được những sai phạm trước đó, có trường hợp phải hủy kết quả bầu cử như Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn,... Rõ ràng là quy trình làm nhân sự, nhất là công tác quản lý cán bộ có những sơ hở, bất cập; sai phạm của cán bộ không được phát hiện, xử lý kịp thời, vì thế, từ sai phạm nhỏ dễ dẫn đến sai phạm lớn, nghiêm trọng mà vẫn ung dung tại vị.

Từ khi thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tình trạng đó đã giảm đáng kể. Chủ trương nêu gương trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), “cho từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ” đã được cụ thể hóa bằng Quy định số 41, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Thông báo số 20, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Tư tưởng chỉ đạo trong các văn bản nói trên được thực hiện mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã cho thôi 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Từ đó đến nay, một số cán bộ cấp cao khác cũng đã được Trung ương, Quốc hội cho thôi giữ các chức vụ theo quy định.

Việc cán bộ xin từ chức không còn hiếm nhưng để có "văn hóa từ chức" thì rõ ràng cần một quá trình “biến đổi” thật sự. Chỉ khi nào đội ngũ cán bộ tâm huyết, liêm khiết, hết mình vì công việc chung, không tính toán, vụ lợi, có liêm sỉ, lòng tự trọng cao, biết hổ thẹn khi không làm tròn bổn phận, trách nhiệm và hoàn toàn tự nguyện xin từ chức, xin thôi việc chứ không phải do sức ép nào, khi đó mới có "văn hóa từ chức".

Để có được điều đó, một trong những điều cơ bản nhất là bản thân mỗi cán bộ phải có liêm sỉ, trọng danh dự, không thể không xấu hổ khi làm những việc sai trái; khi thấy mình không còn xứng đáng thì tự nguyện nhường lại chức vụ cho người khác. Đây là một quá trình giáo dục của xã hội và tự giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn suốt đời của mỗi người, còn như khi quy hoạch cán bộ mới chú ý đào tạo thì không bao giờ có “văn hóa từ chức”./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết