Tiếng Việt | English

02/07/2015 - 16:06

Lọc dầu Dung Quất lãi nhờ ưu đãi

Nếu không được ưu đãi, số lỗ nhà máy này từ năm 2010 - 2014 đã lên đến 27.600 tỉ đồng.

 

Bảo dưỡng định kỳ Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Việt Hùng

Sau khi liên tục đề nghị giảm thuế “nếu không, có nguy cơ... đóng cửa”, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Dung Quất) lại vừa phải xin ưu đãi thêm. Nếu không được ưu đãi, số lỗ nhà máy này từ năm 2010 - 2014 đã lên đến 27.600 tỉ đồng.

Mặc dù mấy năm nay liên tục báo lãi, tuy nhiên trong văn bản mới đây đề nghị gia hạn ưu đãi gửi Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã tiết lộ thực chất lãi của Dung Quất chủ yếu nhờ vào ưu đãi.

Nếu càng kéo dài ưu đãi càng làm cho nhà máy này không thể có sức cạnh tranh. Các nhà máy lọc dầu đang và sẽ thực hiện khác cũng phải xem lại chính sách ưu đãi

TS Lưu Bích Hồ 
(nguyên viện trưởng Viện 
Chiến lược phát triển)

Ưu đãi "khủng"...

Theo báo cáo của PVN, năm 2010 khi đi vào sản xuất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất lãi 119 tỉ đồng, nhưng hai năm sau đó nhà máy liên tục bị thua lỗ. Đến năm 2013, nhà máy lãi gần 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tính chung từ năm 2010 - 2014, nhà máy vẫn lỗ trên 1.000 tỉ đồng.

“Kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi” - báo cáo PVN viết. Bởi từ năm 2009, sau đó là năm 2012, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện cơ chế cho Dung Quất được giữ lại một “giá trị ưu đãi” theo mức thuế nhập khẩu (3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với khí LPG, 7% đối với xăng dầu). Có nghĩa trước khi bán ra thị trường, sản phẩm của Dung Quất được cộng vào giá bán 3-7% thuế nhập khẩu (tùy sản phẩm)...

Nếu không có cơ chế này, số liệu của PVN cho biết Dung Quất chưa bao giờ có lãi, thậm chí liên tục thua lỗ, năm lỗ ít nhất trên 3.100 tỉ, cao nhất là năm 2014 lỗ tới 7.136 tỉ đồng. Tính chung năm năm qua, nếu không có khoản ưu đãi trên, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng!...

Và “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được giữ lại, theo PVN, là rất lớn. Cụ thể, năm đầu tiên khi đi vào hoạt động, Dung Quất được giữ lại tới trên 3.300 tỉ đồng. Năm 2011 thấp nhất cũng đạt 1.836 tỉ. Cao nhất là năm 2014, Dung Quất được giữ lại tới trên 7.000 tỉ. Từ năm 2010 - 2014, tổng “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được hưởng từ cơ chế lên tới trên 26.000 tỉ đồng.

Tiếp tục muốn ưu đãi...

Nếu tính cả quá trình xin ưu đãi của Dung Quất, có thể thấy hàng loạt đề xuất của PVN cho nhà máy này đã được chấp thuận.

Ngày 25-11-2009, Thủ tướng quyết định cho Dung Quất được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu khác, nhưng không được cấp bù trong trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi.

Dù được hưởng ưu đãi, nhưng khi nhà máy đi vào vận hành thương mại tháng 5-2010, hai năm sau đó nhà máy này liên tục lỗ khủng. Năm 2011 lỗ 2.959 tỉ đồng, sáu tháng năm 2012 lỗ 2.299 tỉ đồng. Nguyên nhân là thời gian này thuế nhập khẩu xăng dầu chung thấp hơn mức ưu đãi 3-7% nên Dung Quất không có nguồn để được trích lại.

Trước tình hình đó, ngày 26-7-2012, PVN kiến nghị lên Chính phủ và sau đó có quyết định cho Dung Quất được giữ lại mức 3-7% thuế nhập khẩu, ngay trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi, Dung Quất sẽ vẫn được cấp khoản tiền này.

Mấy tháng gần đây Dung Quất lại gặp khó khăn, lần này PVN và Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại đề nghị Nhà nước giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Lý do thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu có nguồn gốc từ ASEAN theo lộ trình hội nhập, giảm xuống nên giá về VN rẻ hơn khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối có hướng chuyển sang nhập khẩu, giảm mua hàng từ Dung Quất.

Theo diễn giải của PVN, sau đó Bộ Tài chính đã có ba lần sửa đổi mức thuế, nhiều mặt hàng chủ chốt đã cơ bản sát với mức đề nghị của PVN.

Mặc dù vậy những ưu đãi trên dường như chưa đủ. Trong văn bản gửi tới Thủ tướng mới đây, PVN cho rằng cơ chế được “giá trị ưu đãi” 3 - 7% của Dung Quất nêu trên sẽ kết thúc vào năm 2018, trong khi đó Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) được ưu đãi lớn hơn, nên xảy ra “cạnh tranh không bình đẳng” nếu ưu đãi bị chấm dứt vào năm 2018.

Cụ thể, PVN đã liệt kê hàng loạt ưu đãi của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn như: được hỗ trợ làm hạ tầng giá trị khoảng 200 triệu USD, hỗ trợ 20% chi phí làm đê chắn sóng nhưng không quá 10 triệu USD; được cộng vào giá bán giá trị ưu đãi từ 3 - 7% (như Dung Quất được hưởng) nhưng thời hạn được hưởng tới tận năm 2027... Từ đó, PVN đề nghị Chính phủ cho Dung Quất được kéo dài thời hạn hưởng cơ chế ưu đãi đến năm 2027 như Nghi Sơn (dự kiến tổ hợp Nghi Sơn sẽ vận hành từ năm 2017).

Không nên gia hạn...

Trước những ưu đãi mà PVN tiếp tục đề xuất cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhiều chuyên gia không đồng tình. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tú Anh, trưởng ban kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng giải pháp để nuôi dưỡng và phát triển Dung Quất là phải giảm dần bảo hộ trong thời hạn 2012 - 2018...

Theo ông Nguyễn Tú Anh, “việc PVN đề nghị kéo dài thời gian ưu đãi là không ổn” bởi Dung Quất đã được hưởng ưu đãi gần 10 năm. Việc ưu đãi trước đây nhằm để Nhà máy Dung Quất nâng cao năng suất, chất lượng, sau năm 2018 có thể cạnh tranh được.

Nếu thấy Nghi Sơn được ưu đãi đến năm 2027, Dung Quất cũng xin gia hạn ưu đãi đến thời điểm đó, sau này nếu có nhà máy nào được ưu đãi đến năm 2050 thì Dung Quất sẽ lại phải được gia hạn?

Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những ưu đãi dành cho Dung Quất sẽ phải dành cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác tham gia xây dựng nhà máy lọc dầu tại VN (nguyên tắc không phân biệt đối xử - PV). Dẫn chứng các dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội cũng đang đòi ưu đãi, theo TS Nguyễn Tú Anh, khi các nhà đầu tư khác đều được ưu đãi thì lợi thế của Dung Quất cũng sẽ mất. “Dung Quất cần cắt giảm chi phí, những ưu đãi có thời hạn cần phải cứng” - ông Nguyễn Tú Anh nói.

Những ưu đãi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hưởng

- Hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, trong đó miễn hoàn toàn bốn năm đầu từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% trong chín năm tiếp theo.

- Được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu khác. Nếu mức thuế Nhà nước áp dụng thấp hơn “giá trị ưu đãi” trên, PVN sẽ cấp bù và số tiền cấp bù PVN được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế.

- PVN có trách nhiệm xác định, phê duyệt và cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) theo quy định của pháp luật hiện hành. PVN sử dụng nguồn lãi dầu, khí chia cho nước chủ nhà được để lại hằng năm để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Bình Sơn.

Cầm Văn Kình - Mai Công Thành/Tuổi Trẻ Online

 

Chia sẻ bài viết