Tiếng Việt | English

21/04/2016 - 14:23

Long An: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu

Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất của nông dân. Trước tình hình trên, phóng viên Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Văn Hoàng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như sử dụng giống phù hợp với biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Thưa ông, trước tình hình hạn, mặn kéo dài và sẽ còn tái diễn, trong thời gian tới, ngành có khuyến cáo thế nào để nông dân hiểu, tiến hành sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu?

- Ông Lê Văn Hoàng: Về lĩnh vực trồng trọt: Ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Cần sử dụng giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, nhóm giống chủ lực như: OM 4900, OM 6976, IR 50404, OM 2517, nếp, Jasmine 85, RVT, Nàng hoa 9,…. và các giống lúa chịu hạn, phèn mặn trung bình-khá như: AS 966, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976,… cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn. Tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng khác có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, sử dụng ít nước.

Thanh long là cây trồng được chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế cao

Về lĩnh vực thủy sản: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, dòng chảy; thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc môi trường nước tại các huyện vùng Hạ, và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi thủy sản. Tiếp tục nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khu vực nuôi tôm nước lợ.

Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi tôm không nên thả giống ở những vùng có độ mặn cao trên 25‰ (không phù hợp cho phát triển của tôm và dễ xảy ra dịch bệnh). Nếu thả nuôi phải chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả giống và điều chỉnh trong quá trình nuôi khi nắng nóng, độ mặn tăng, vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống.

Phóng viên: Trong thời gian tới, giải pháp nào ứng phó hạn, mặn để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, thưa ông?

- Ông Lê Văn Hoàng: Bên cạnh việc hướng dẫn sản xuất lúa Hè Thu 2016 và kỹ thuật canh tác trong điều kiện thiếu nước, nhiễm mặn; xây dựng lịch gieo sạ, ngành khuyến cáo người dân những vùng thiếu và xa nguồn nước để chủ động, ứng phó trong sản xuất và sinh hoạt; nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu phương án cải tạo các cửa van vùng triều, hiện nay sử dụng cửa van tự động nên không chủ động lấy nước ngọt cung cấp cho sản xuất tại những vùng ngọt, mặn xen kẽ.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu đem lại thu nhập cao cho nông dân

Đồng thời thực thi giải pháp công trình: Nạo vét các hệ thống thủy lợi; duy tu sửa chữa cống, đê bao; hoàn chỉnh hệ thống đê bao, cống, đập ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Rạch Cát, Đôi Ma, Xóm Bồ, Bến Trễ; hoàn chỉnh hệ thống đê bao, cống, đập dọc QL62 (tại vị trí 6 cầu: Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa và Bến Kè); đầu tư nạo vét kênh Hồng Ngự; các trục kênh chính: Hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ, hệ thống thuỷ lợi Trị Yên - Rạch Chanh, hệ thống thủy lợi Đôi Ma - Mồng Gà.

Hiện nay, nguồn nước Hồ Dầu Tiếng cũng bị thiếu hụt, do đó, việc sử dụng nguồn nước Hồ Dầu Tiếng cũng rất hạn chế, ngoài việc cung cấp nước tưới cho khu tưới Đức Hòa còn phải cân đối nguồn nước phục vụ chung tổng thể của dự án. Hiện nay, trong các đợt triều kém, Hồ Dầu Tiếng xả xuống sông Vàm Cỏ Đông tổng lượng 25m3/giây để góp phần đẩy mặn ở sông Vàm Cỏ Đông./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết