Tiếng Việt | English

07/03/2019 - 10:00

Chuyện về những “mẹ hiền” ở Bệnh viện Tâm thần Long An

Dù phải đối diện với nhiều nguy hiểm, có lúc bị bệnh nhân (BN) xem là “kẻ thù” nhưng các y, bác sĩ (BS), điều dưỡng công tác tại Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Long An vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ là những người “mẹ hiền” luôn gần gũi, chăm sóc, giúp BN vượt qua bệnh tật, trở lại cuộc sống bình thường.

Tình yêu thương dành cho BN tâm thần là sức mạnh giúp các y, bác sĩ bám trụ với nghề

Tình yêu thương dành cho BN tâm thần là sức mạnh giúp các y, bác sĩ bám trụ với nghề

Lấy tình thương làm sức mạnh

BVTT Long An chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01-2015. Đây là BV chuyên khoa hạng III, có hạ tầng khang trang với quy mô 120 giường và nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại. BV thực hiện 2 chức năng là khám, chữa bệnh và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Sau hơn 4 năm hoạt động, BV ngày càng thu hút nhiều BN trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị. Năm 2018, BV khám, chữa bệnh cho trên 40.800 lượt BN, đạt 127,8% kế hoạch.

Nhắc đến BVTT Long An, nhiều người nghĩ ngay đến thế giới của những người ngây ngây, dại dại, không kiểm soát được hành vi của bản thân,... Có dịp đến đây, chúng tôi phần nào hiểu được trách nhiệm và tình yêu thương như “mẹ hiền” của những người thầy thuốc dành cho BN ở “cõi điên” này. Với họ, tình yêu thương dành cho BN là sức mạnh để bám trụ với nghề.

Con đường duy nhất vào “cõi điên” là cánh cửa lớn bên cạnh phòng làm việc của các y, BS. Phía bên kia cánh cửa, có một BN “tỉnh” hơn tự đảm nhiệm vai trò gác cửa kiêm giúp việc. Vừa thấy BS Võ Ngọc Hồ (Khoa Tâm thần mãn tính nam) đến, nhiều BN liền vây quanh với những câu hỏi ngây ngô. Có người giật mình, vẫy tay chào rồi miệng gọi tên ai đó một cách vô thức, người thì quay mặt làm ngơ.

Các BN tâm thần thường không biết phản ánh những bất ổn mình gặp phải nên khó phát hiện bệnh khác. Chính vì thế, BS Võ Ngọc Hồ luôn chú ý theo dõi, thăm khám thường xuyên để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Không chỉ bệnh tâm thần phân liệt, các BN điều trị tại khoa còn mắc những bệnh khác như rối loạn tâm thần cấp, hưng cảm, nghiện rượu, “ngáo đá”,... BS Võ Ngọc Hồ cho biết: “Chuyện bị BN uy hiếp, đập phá, chửi bới xảy ra thường xuyên như “cơm bữa”. Những cánh cửa kính cường lực dày bị BN đập bể từng mảnh không còn xa lạ. Tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng hàng ngày, chúng tôi luôn nỗ lực chăm sóc và điều trị cho BN một cách tốt nhất”.

“Mẹ hiền” của những người điên

Do đặc thù chăm sóc và điều trị cho BN nên BV duy trì trực 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ hay lễ, tết. Đội ngũ y, BS phải thay nhau túc trực, chăm sóc BN như những người “mẹ hiền”. Gắn bó với BVTT Long An từ khi mới thành lập đến nay, dù công việc vất vả nhưng anh Dương Phương Lâm - Điều dưỡng trưởng Khoa Phòng khám-Cấp cứu, chưa khi nào nghĩ đến chuyện tìm công việc khác.

Anh Phương Lâm chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, chăm sóc BN thường xảy ra những tình huống nguy hiểm. Nhiều lúc đang khám bệnh, họ bỗng kích động, ẩu đả với các BN khác hoặc tấn công y, BS, điều dưỡng. Khi đó, chúng tôi phải thật sự bình tĩnh tìm cách tiếp xúc, đặt mình vào tâm trí của BN để hiểu và tạo cảm giác an tâm cho họ”.

Theo lời anh Phương Lâm kể, lúc BN “nửa mê, nửa tỉnh”, các thầy thuốc sẵn sàng trở thành người thân, làm bạn hoặc thậm chí là “kẻ thù” để BN giãi bày tâm sự, trút hết uất ức; đồng thời, đề cao cảnh giác để kịp thời xử lý những tình huống BN tự gây nguy hiểm cho bản thân và người khác bởi có những BN lên cơn kích động bất cứ lúc nào. Thế nhưng, đằng sau những lần kích động đó, họ vẫn có những “khoảng lặng” rất đáng thương.

Ngoài phác đồ điều trị, các thầy thuốc luôn lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu tâm lý của bệnh nhân

Ngoài phác đồ điều trị, các thầy thuốc luôn lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu tâm lý của bệnh nhân

Tương tự, chị Hồ Thị Mai Khanh - Điều dưỡng Khoa Tâm thần chuyên khoa, cũng gắn bó với công việc bằng cả tình thương, sự đồng cảm và trách nhiệm của một người thầy thuốc. Với chị, điều hạnh phúc là khi nhìn thấy những BN của mình thoát khỏi căn bệnh tâm thần, trở lại cuộc sống bình thường. “Sau khi trải qua những sang chấn do áp lực cuộc sống, công việc, học hành, những cú sốc tâm lý,... họ thành BN tâm thần. Cũng có những trường hợp do tai nạn giao thông rất đáng thương. Mỗi BN có những đặc điểm, nguyên nhân phát bệnh khác nhau. Vì vậy, ngoài phác đồ điều trị, tôi luôn lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu tâm lý của BN” - chị Mai Khanh nói.

Công tác tại BV đặc thù, các y, BS, điều dưỡng luôn phải choàng gánh công việc cho nhau. Dẫu nhiều khó khăn, áp lực nhưng với y đức và lòng nhiệt huyết, họ luôn hết lòng vì BN. Trân trọng lắm tấm lòng của những người thầy thuốc luôn đồng hành cùng BN, giúp họ thoát khỏi “cõi điên”, vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết