Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông - điểm nhấn đặc biệt trong phim về Bác Hồ
Khi nói đến phim về Bác, nhiều người hay nhắc nhau hãy xem Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông. Thậm chí có người còn nói rằng, diễn viên đóng vai Nguyễn Ái Quốc “giống Bác lắm” mặc dù dung mạo diễn viên Trần Lực được đánh giá là không giống Bác nhiều. Cái giống được nói đến chính là tính cách, chiều sâu của nhân vật được diễn viên Trần Lực lột tả một cách thu hút. Hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại được khắc họa một cách chân thực và sống động.
Tính cách, chiều sâu của nhân vật Nguyễn Ái Quốc được diễn viên Trần Lực lột tả một cách đầy thu hút (ảnh chụp màn hình)
Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông là sản phẩm hợp tác của Hãng phim Châu Giang, Trung Quốc và Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là bộ phim được đánh giá “để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả Trung Quốc về vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh”. Nội dung phim kể về vụ án ở Hồng Kông, thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc để giao Người cho thực dân Pháp tại Đông Dương xét xử. Bộ phim chọn 2 điểm nhấn tập trung khai thác: Phiên tòa xử Nguyễn Ái Quốc và cuộc giải cứu của các chiến sĩ cộng sản.
Sự hợp tác giữa Hãng phim Châu Giang, Trung Quốc và Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam đã thổi một “luồng gió mới” vào phim Việt, góp phần làm cho bộ phim trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn. Bối cảnh chính của phim là ở Trung Quốc. Ngôn ngữ trong phim khá đa dạng gồm cả tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Việt. Điều đó khiến người xem có cảm tưởng đang xem một bộ phim nước ngoài nói về một vĩ nhân của Việt Nam.
Gần 20 năm kể từ ngày phim chính thức ra mắt vào năm 2003, bộ phim vẫn thu hút người xem. Ở nơi đất khách quê người, chúng ta thấy Bác không hề lạc lõng. Người am hiểu ngôn ngữ, văn hóa nước bạn. Người bản lĩnh, khí khái, đĩnh đạc khi đối diện với kẻ thù. Những màn đối đáp cân não, đầy thu hút làm bật thêm điểm nhấn của phim. Chi tiết Bác sử dụng thông thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau, đối đáp linh hoạt, thông minh trong mọi tình huống khiến người xem thích thú và tự hào. Hành trình bôn ba của Bác nơi đất khách quê người được khắc họa chân thật và rõ nét, dù chỉ là một góc rất nhỏ. Đến nay, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông vẫn là một trong những bộ phim về Bác thành công nhất. Bộ phim từng đoạt giải Cánh buồm đặc biệt Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2003 và diễn viên Trần Lực đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2003 với vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong phim này.
Mùi ngò gai - văn hóa Việt trên phim ảnh
Một nét nổi bật thú vị của Mùi ngò gai chính là bộ phim đã mang được phở - món ăn nổi tiếng của Việt Nam vào điện ảnh và trở thành một phần câu chuyện (ảnh chụp màn hình)
Mùi ngò gai cũng là bộ phim hợp tác với nước ngoài được lòng nhiều khán giả phim truyền hình Việt. Phim được công chiếu năm 2006 và tạo được tiếng vang. Bộ phim xoay quanh cuộc đời bất hạnh của Vy từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Thời điểm đó, bộ phim không chỉ nổi tiếng vì cốt truyện mà còn được quan tâm bởi đó là một trong những sản phẩm phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bộ phim được quay ở Việt Nam với những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Bên cạnh đó, phim vẫn có những motip quen thuộc thường thấy trong phim Hàn Quốc khiến Mùi ngò gai mang màu sắc mới lạ so với các phim Việt khác cùng thời điểm đó.
Một nét nổi bật thú vị của Mùi ngò gai chính là bộ phim đã mang được phở - món ăn nổi tiếng của Việt Nam vào điện ảnh và trở thành một phần câu chuyện. Nhờ vậy, bộ phim hợp tác sản xuất mang dấu ấn của Việt Nam chứ không đơn thuần là bộ phim nước ngoài có sự tham gia của diễn viên Việt. Đến thời điểm hiện tại, Mùi ngò gai vẫn để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
Chào cô Thúy - đem thực trạng lấy chồng Hàn Quốc lên phim
Sinh sau đẻ muộn so với Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong và Mùi ngò gai, Chào cô Thúy mang lên màn ảnh rộng một đề tài khá nhức nhối tại một số vùng quê Việt Nam lúc bấy giờ - lấy chồng Hàn Quốc với hy vọng đổi đời. Chào cô Thúy là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Kim Jae-han, được công chiếu năm 2014 tại Việt Nam.
Hình ảnh Thúy mặc bộ áo dài trắng đi trên con đường quê của xứ sở kim chi gợi đến hình ảnh một tương lai tươi sáng sau những nỗ lực không mệt mỏi của cô dâu Việt (ảnh chụp màn hình)
Bộ phim khai thác khía cạnh cuộc sống của cô dâu Việt tại Hàn Quốc sau cuộc hôn nhân “mua bán”. Những cảnh quay thực hiện ở Hàn Quốc cho người xem cái nhìn hoàn toàn khác sự hào nhoáng thường thấy trên phim Hàn được công chiếu tại Việt Nam. Trong phim, cô Thúy (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) lấy phải người chồng nghiện cờ bạc. Cô trải qua không ít thăng trầm khi chồng chết một cách bí ẩn và gia đình chồng xa lánh.
Sự lạc lõng của một cô gái Việt Nam giữa một đất nước xa lạ tạo nên điểm nhấn và phần nào khắc họa sự khắc nghiệt, khó khăn của những cô dâu Việt nơi đất khách quê người. Mọi vất vả, khó khăn, thậm chí bị bạo hành của cô dâu Việt đã thực sự được nhìn thấy qua Chào cô Thúy. Có thể nói, Chào cô Thúy mang tới một lời cảnh tỉnh, một góc nhìn chân thật về nạn “lấy chồng Hàn Quốc” ở nhiều vùng quê Việt Nam.
Tuy nhiên, phim không quá bi đát mà còn mang một thông điệp ý nghĩa về sự mạnh mẽ của người phụ nữ khi quyết tâm nắm giữ cuộc đời mình. Hình ảnh Thúy mặc bộ áo dài trắng đi trên con đường quê của xứ sở kim chi gợi đến hình ảnh một tương lai tươi sáng sau những nỗ lực không mệt mỏi của cô dâu Việt. Chào cô Thúy đã có dịp góp mặt trong Liên hoan phim Quốc tế Busan, Liên hoan phim Quốc tế Dubai và Liên hoan phim Berlin.
Có thể thấy, phim hợp tác sản xuất với nước ngoài đã góp phần mang tới làn gió mới, không khí mới, màu sắc mới cho phim ảnh Việt./.
Thu Lam