Hệ thống chính trị nước ta được chia ra 4 cấp. Cơ sở là cấp thấp nhất, gần dân nhất, trực tiếp tổ chức, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư,... Dù là cấp thấp nhất nhưng cấp cơ sở lãnh đạo, quản lý và tổ chức toàn diện hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại,...
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ (CB), trong đó có CB cấp cơ sở. Hiện nay, đội ngũ CB cấp cơ sở hầu hết “đạt chuẩn” về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Nhiều đồng chí rất năng động, sáng tạo, khơi dậy được ý chí, khát vọng, nguồn lực của nhân dân; quan tâm nâng cao trình độ dân trí, dân chủ ở cơ sở, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội ở cơ sở. Có nhiều đồng chí trưởng thành từ cơ sở được đề bạt làm lãnh đạo, quản lý ở các cấp trên, được nhân dân tín nhiệm, yêu mến, kính trọng,...
Tuy nhiên, vẫn còn một số CB nắm chưa vững chức năng, nhiệm vụ của mình, năng lực yếu, làm việc thiếu kế hoạch, nặng về hành chính, không sâu sát cơ sở, năng lực thuyết trình hạn chế,... Ở một vài địa phương, vẫn có hiện tượng CB gây phiền hà cho dân, nói không đi đôi với làm, chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình. Cá biệt còn có những người lợi dụng chức quyền để thu vén cá nhân, làm mất lòng tin của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra: “Một bộ phận không nhỏ CB, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số CB cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc,...”.
Để nâng cao chất lượng CB, quản lý cấp cơ sở, có thể rút ra một số yêu cầu cơ bản, cần được tập trung quan tâm xây dựng:
Thứ nhất, CB phải luôn trau dồi đạo đức, nhân cách. Nếu đạo đức là tiêu chuẩn đầu tiên của CB thì CB lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đòi hỏi càng cao vì họ sống gần dân, chịu sự giám sát trực tiếp của nhân dân. CB phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tận tụy trong công việc; có khả năng tập hợp, xây dựng khối đoàn kết, nhất trí trong Đảng và hệ thống chính trị, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân.
Thứ hai, nâng cao năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của các cấp trên vào địa bàn của mình. Người lãnh đạo, quản lý giỏi là phải biết vận dụng xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương mình, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, phải rèn luyện năng lực bao quát, tổng hợp tình hình của địa phương, của từng lĩnh vực, đặt nó so với cái chung của huyện, của tỉnh, với các địa phương khác; thấy được tiềm năng, lợi thế, hạn chế của địa phương mình. Người lãnh đạo, quản lý có bao quát, tổng hợp thì mới xác định được và có kế hoạch hợp lý đối với những việc lớn, việc nhỏ một cách cân đối, tránh tình trạng “đến đâu hay đó”, “nhớ việc nhỏ, bỏ việc lớn”.
Thứ tư, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, nhất là những cái mới và những bức xúc, kiến nghị của nhân dân. CB lãnh đạo, quản lý phải nhạy bén phát hiện và chủ động tìm giải pháp giải quyết dứt điểm, kịp thời, không để dây dưa, tồn đọng, “cái sảy nảy cái ung”.
Cùng với đó, CB cơ sở phải rèn kỹ năng thuyết trình, “nói cho dân hiểu”; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của bản thân và gia đình. Sự tự giác, gương mẫu của CB có giá trị lan tỏa, thuyết phục với quần chúng hơn cả những lời tuyên truyền, vận động.
Nhân dân rất công bằng và sáng suốt. Ai giỏi, ai kém, ai biết tôn trọng dân,... thì dân tôn trọng, yêu mến, tin tưởng. Ai xa dân, tham lam, dối trá, “nói một đằng làm một nẻo”,... dân đều biết cả!./.
Huyền Linh