Tôi cầm cây chổi bông cỏ quét tro trên nền gạch men. Quét đầu này nó lại bay qua đầu kia. Tôi bực mình rửa tay, gác chổi. Ra gốc mận đung đưa võng, chợt nghĩ phải chi ở nhà lá như xưa. Mùa nắng ở nhà lá mát trời ông địa. Nhà lá, nền đất, tro bay vô bao nhiêu cũng kệ. Chỉ cần đậy đệm đồ ăn cho kín là được.
Nắng len vô đọt dừa làm con đuôn trốn chui trốn nhủi. Nắng luồn qua bờ ruộng làm đám cỏ gà trụi lủi trụi lơ. Bà con nông dân xứ tôi tranh thủ đốt rạ để xới đất kịp mùa mưa. Rạ đốt tới đâu, tro bay tới đó. Hễ thấy đám ruộng nào đốt mà nhà mình dưới gió thì tranh thủ kiếm chỗ núp, nếu không thế nào mặt mày cũng như cái bánh ít trần rắc mè đen.
Bây giờ lớn, có việc làm khác nên thấy ruộng là bày đặt chê ỏng chê eo chứ hồi xưa, ngày nào mà tôi không ra ruộng, nhất là vào mùa khô này. Mùa của đá banh, mùa của thả diều, mùa của đào hang chuột. Đất ruộng tháng tư nứt nẻ như có bàn tay vĩ đại nào đó cầm thật chặt rồi bẻ làm đôi. Trong cái sự nứt nẻ của đất không có những toan tính thiệt hơn, không có những ganh ghét tỵ hiềm. Tôi học theo hạnh của đất. Dù tôi có đổ vào đất những thứ tanh hôi uế trược thì đất cũng không vì thế mà buồn lòng. Dù tôi có tưới tẩm cho đất những hương sắc thơm tho nhất của đời thì đất cũng không vì thế mà hân hoan trìu mến.
Tuổi thơ của đám con nít chúng tôi đã in vào đất không biết bao nhiêu dấu chân rồi. Đó là những buổi tan học đá banh trên đám ruộng tro làm mặt đứa nào cũng như táo lò. Đó là những lần rượt theo chốt hốt, chân lọt xuống vết nứt trặc giò rồi đổ thừa ma cắn. Màu tro rạ như màu than. Mùi tro rạ là sự pha trộn của nắm gạo thơm còn nguyên cám, của hương bùn chưa kịp bị nắng làm bốc hơi đi. Nhìn sâu vào mớ tro còn tươi mới, tôi thấy ba má đang lom khom cấy mạ ngoài đồng, thấy cái máy phóng rơm cành cạch, thấy hạt gạo dẻo thơm trắng ngọc trắng ngà, thấy bữa cơm gia đình cười cười, nói nói.
Nhà tôi xưa làm nghề nuôi vịt. Tôi đi học một buổi, còn một buổi làm bạn với bầy vịt, với cánh đồng. Mùa khô chăn vịt có cái cực là phải đi gánh nước cho tụi nó uống. Hồi xưa người ta trồng lúa Nàng Thơm, cây lúa cao nhồng, cắt bông rồi mà vẫn còn lênh khênh. Trời nắng quá, tôi hốt nắm rơm quăng lên đọt rạ rồi chui vô đó mà nằm. Đồng liêu xiêu gió, nắng vàng răng rắc rạ thơm. Niềm vui ngày nhỏ be bé vậy mà nhìn cứ như một cao nhân hiểu thế sự nên xa lánh cuộc đời, tình tang qua ngày đoạn tháng. Rồi người ta cũng đốt rạ dần dần. Lửa gặp gió đi quá nhanh làm những hạt lúa nằm trên đất chưa kịp nổ thành cốm nên bầy vịt vẫn có thể ăn được. Bầy vịt trắng phủ trên nền ruộng đen. Vịt hết đi chỗ này rồi đi chỗ nọ, tro cũng chẳng chịu nằm im mà theo gió tung trời. Tôi chợt nghĩ cuộc đời cũng như vịt và tro, trắng đen lưu chuyển. Tôi không thể bắt con vịt đứng tại chỗ, cũng chẳng thể làm cho tro bất động. Đôi khi quá minh bạch, rạch ròi thì lại chẳng hay. Đôi khi nhìn đời bằng cặp mắt đúng sai chỉ làm ta thêm sầu thêm khổ.
Tôi nhớ đợt cúm gia cầm năm đó cũng vào mùa tro rạ. Lúc ấy, bầy vịt nhà tôi sắp xuất chuồng. Vịt nhà tuy mạnh nhưng ngặt nỗi, bầy gà ông hàng xóm mỗi ngày lăn ra chết mấy con. Ba má tôi tiếc lắm nhưng vẫn phải làm theo quy định. Đêm ấy, ba tôi trằn trọc không ngủ, ông ngồi vấn thuốc rê hết điếu này tới điếu khác. Buồn lắm chớ, hồi đó toàn mua thức ăn thiếu, đợi bán vịt mới trả. Nhà nước có hỗ trợ mỗi con vịt chết mười lăm ngàn đồng nhưng đường nào cũng lỗ. Tiêu hủy bầy vịt làm ảnh hưởng cả gia tài.
Sáng sớm, bầy vịt vẫn được cho ăn, ba tôi nói: “Lỡ lỗ rồi, tiếc chi vài giạ lúa, cho tụi nó ăn bữa cuối rồi đi”. Vịt lên bờ, cửa chuồng đóng lại để tránh vịt xuống mương. Người ta bắt từng con bỏ vô bao, khi đầy thì lấy lạt dừa cột lại. Từng bao vịt chất thành đống ngoài ruộng, giữa cái nắng hè hăng hắc vị chua cay. Rồi tưới xăng lên, rồi châm lửa đốt. Những con vịt chạy loạn xạ làm cháy đám rạ khô, tro rạ bay ngợp trời vì cơn gió của những cái đập cánh cuối cùng dũng mãnh.
Mùa tro năm ấy khác những mùa tro xưa. Từ mùa tro năm ấy, tôi cũng ít khi ra ruộng. Chiều nay, tôi để chân trần lang thang trên bờ ruộng. Bứt một ống rạ làm kèn thổi, ngồi bệt lên đám rau đắng đất mọc hoang. Tôi nhận ra dù tro tàn nhưng chẳng điêu tàn. Bởi trong sự hoại diệt của rạ đã mang sự hồi sinh của hạt giống sắp đâm chồi. Tôi chợt cảm thấy hạnh phúc của mình chính là ở nơi đây, cớ sao lại đi đâu tìm kiếm./.
Huỳnh Thông