Tiếng Việt | English

23/01/2021 - 08:55

Ngày cũ từng thương

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Nghi về nhà khi cơn bão đã suy yếu thành áp thấp. Mưa văng vào cửa kính sắc lạnh như những vết cắt xếp chồng lên nhau. Xe di chuyển chừng mươi cây số, Nghi cảm thấy uể oải, lý trí cố kềm ngăn cơn nhộn nhoạn đang cuộn lên trong gan ruột. Tùng từng bảo Nghi mệnh hỏa, hợp với sự phóng khoáng và thuộc về ánh sáng. Đi đâu sống chứ đừng về lại xứ sông ngòi chim trũng, quanh năm lụt lội này chi nữa. Mỗi lần về là nằm bẹp cả buổi, khổ sở vì cơn đau đầu làm trũng sâu hai hố mắt. Những lúc như thế, Nghi lại làm bộ xắc xéo, rằng sao Tùng biết vậy mà không dời đi. Mỗi lần nghe vậy, anh chỉ cười. Giọng cười sảng khoái cứ nấc lên từng cục, Tùng cộc đầu Nghi trìu mến: Ngốc ạ, anh ở đây, vì anh thuộc về sông!

Tiếng cười của Tùng như lay động cả những bông lúa đang cúi đầu. Nằm rạp trên cỏ mỡ màng, dưới tán cây ngô đồng đang nảy chồi non, cái mùi đồng quê như có ma lực quấn quýt lấy thân thể. Nghi bâng quơ hỏi Tùng:

- Đàn ông các anh thường khóc thế nào nhỉ? Là do em vô ý không nhận ra, hay đúng là nước mắt đàn ông chảy ngược vào tim thật?

- Khóc chứ, trước những nỗi buồn đau, tuyệt vọng nhưng không ồn ào như tụi em - Tùng cười nhẹ bẫng.

Mỗi lần ngồi xe gần hai trăm cây số về nhà, Nghi cứ nghĩ đến khoảng thời gian hạnh ngộ với Tùng, nhớ về những tháng năm tươi đẹp thuở ấu thơ mà quên đi cơn say xe hành hạ. Nhưng lần này về, Tùng sẽ không còn đón cô ở bến nữa. Khoảng cách xa xôi không phải bởi ngàn vạn thiên lý mà bởi có những điều đã được cất xếp gọn ghẽ trong tim Tùng rồi. Nghĩ đến đó, bất giác ùa đến trong lòng Nghi cảm giác trống vắng, hoang hoải tột cùng.

*

Tùng và Nghi đã sớm quen với việc theo cha mẹ ngủ trên thuyền. Nghề chài lưới vận vào thân, cha mẹ họ nhìn trăng đoán biết được thủy triều, nhìn màu nước biết sẽ có loài cá nào thu rộ khi nhổ cọc đăng. Hồi Nghi còn nhỏ xíu, đã thấy lòng sông trồi lên một khu đất rộng. Người làng gọi nó là bãi bồi, là phù sa sông xanh dồn tụ sau bao mùa nước đổ mà thành. Cha Tùng là người tiên phong khai phá vùng đất ấy. Ông đã gieo xuống đấy những hạt đậu, những mầm khoai đầu tiên. Sau này, khu đất ấy nhộn nhịp tiếng người, tiếng thuyền khua mái mỗi ngày. Người làng sang bãi bồi ngày càng nhiều, cắt cỏ chăn gia súc, đổi công giúp nhau làm đất, bón phân, thu hoạch. Cuối buổi “hưởng sái” bằng những củ khoai sót lại.

Trẻ con háo hức ngồi trên lưng trâu bơi qua sông thả diều, đá banh. Tuổi thơ của Nghi trôi trong những cái cúi gập người của cha, chiếc sào chạm xuống đáy sông, lướt đi trong dáng bộ khoan thai của ông.

Gia đình Tùng ngụ trong căn nhà gỗ cũ kỹ nằm nép bên mé sông. Căn nhà thông thốc gió, chênh vênh, cô độc mỗi mùa bão qua. Cha anh đã lên kế hoạch “thay áo” cho căn nhà, nhưng rồi bất ngờ, ông đã mang theo ý định ấy chìm xuống lòng sông. Lúc đó, ông lạc quan tin rằng cơn bão vừa đi qua đã suy yếu, nó chẳng còn sức làm hại thêm gì nữa. Ông đưa thuyền sang bãi bồi, cố vớt những gốc đậu ngậm nước mấy ngày qua, hy vọng dù hạt nảy mầm rồi thì vẫn còn có thể đem cho gà ăn. Chiếc thuyền đụng phải một khúc gỗ lớn, chênh chao lật úp giữa sông. Ai cũng bất ngờ bởi cái chết có phần tức tưởi và vô lý. Cha anh bơi giỏi là thế, sao lại không thể vùng vẫy mà về bờ… Tùng ôm di ảnh cha trước ngực, hai mắt đỏ ối nhưng khô khốc, đôi môi bấm chặt vào nhau quỳ trước huyệt mộ. Anh chấp nhận mất mát, đơn thuần tin đó là số phận, là định mệnh nghiệt ngã của người thuộc về sông nước.

Năm cuối cấp ba, ai nấy háo hức chọn trường đại học nhưng Tùng chẳng mảy may. Anh bảo, tốt nghiệp xong sẽ đi học nghề hoặc xin vào khu công nghiệp. Anh muốn có một căn nhà để mẹ không nơm nớp lo sợ mỗi khi giông gió, lở bồi nữa.

Tùng thương Nghi bằng thứ tình cảm ngọt ngào như dành cho một cô em gái. Nghi thì mộng mơ và liều lĩnh. Tỉ như việc cô hào hứng khi chọn lựa học đại học rồi sống và làm việc ở một nơi xa lạ, không người thân, không bạn bè, cách nhà mấy trăm cây số. Là một cây viết trẻ tiềm năng. Nghi mơ mộng với cuộc đời nhưng lại lý trí trong tình yêu. Với Nghi, tình yêu quan trọng nhất là tin tưởng và cảm giác hạnh phúc, nếu thiếu một trong hai điều đó thì cô sẽ dừng lại. Có lẽ vì mối thâm tình thanh mai trúc mã, Nghi mặc nhiên trân trọng Tùng, mặc nhiên định vị anh sẽ là điểm tựa một đời một kiếp. Nhưng sự mặc định ấy không đồng nghĩa với những xúc cảm thuộc phạm trù của yêu đương, hạnh phúc. Nhiều lúc Nghi thấy sự hiện diện của Tùng trong cuộc sống của cô chỉ như một thói quen. Thương thì thương mà yêu thì dường như không phải. Tùng từng quả quyết, rằng Nghi có thể bay nhảy, phiêu diêu bao lâu cũng được. Dù thế nào thì Tùng vẫn luôn ở đây đợi cô. Nhưng không ít lần, trái tim Nghi xao lòng rẽ hướng, muốn buông tay Tùng để tự do định nghĩa lại tình yêu. Dù phải nhận về những xót đắng, chua chát vì bị người ta tính toan, dối gạt nhưng Nghi vẫn hiếu thắng muốn thách thức chính mình. Nghi ơ thờ để Tùng chờ đợi, hy vọng, nhẫn chịu trước những lần cô cố bật ra khỏi vòng tay anh, rời xa anh một lần, rồi lại thêm một lần nữa...

*

Nhiều lần, trong cái khẽ khàng cựa mình mỗi sáng, Nghi ngỡ ngàng thấy Tùng bên cạnh. Cái cảm giác vừa thực lại vừa hư, Nghi chấp nhận vòng ôm ấm áp ấy cũng như một thói quen. Tùng đặt một nụ hôn lên trán, ghì đầu Nghi vào ngực mình hít hà hương tóc. Lâu lắm Nghi mới nằm nghe mưa mà thấy bình an đến vậy.

Nhiều năm qua đi, Tùng mơ hồ nhận ra anh chẳng thể giữ Nghi ở lại chốn này. Cha mất rồi, mẹ anh vì những tháng ngày tằn tiện, kham khổ của quá khứ mà mắc kẹt trong bệnh tật. Tùng không theo đuổi giấc mơ nơi giảng đường đại học, không dám xa căn nhà liêu xiêu bên bờ sông chực lở, anh không thể sống chỉ một cuộc đời của riêng bản thân. Khi những chiếc tàu sắt to lớn sục vòi hút xuống lòng sông, bãi bồi dần biến mất, Tùng vẫn giữ thói quen rong ruổi trên chiếc thuyền gỗ cũ. Cảm giác không được vẫy vùng với sóng nước làm anh thấy mình buồn tẻ biết bao. Làng quê cũng đã thay khác nhiều, giấc mơ đô thị hóa cuốn sạch những lứa thanh niên rời làng ra phố.

Nghi dường như đã nghe một thanh âm vỡ vụn đâu đó trong tim mình, khi đưa tay chạm lên vết thương còn chưa khô máu trên vai anh, nghe nhịp đập trong lồng ngực anh yếu ớt. Vết chém của những kẻ tham lam đã khiến anh hụt hơi chạm vào cửa tử. Người làng gọi nhau đi tiếp máu cho anh, họ nói máu anh nhuộm đỏ một góc sông, chắc thân thể kiệt khô mất rồi. Nói đến đấy, ai cũng nghẹn ngào chực khóc.

Cuộc sống của Nghi có vẻ trật tự hơn kể từ ngày Tùng chọn cách buông bỏ chuyện thế tục, sau lần suýt chết ấy. Trật tự nhưng nhạt nhẽo. Ba năm qua, từ trạng thái bất ngờ, hoang mang, điên cuồng níu giữ, thì cuối cùng cô chọn chấp nhận. Yêu thương ngày cũ, là gia tài ký ức mà cả anh và Nghi sẽ mãi cất sâu. Sông của làng nay không còn ầm ào thanh âm nạo vét, dòng chảy yên ả trở lại nhưng sâu hoắm và rộng toác, chẳng ai còn dám bơi lội như xưa nữa.

Chiều nay, gió hanh hao thổi giữa cánh đồng khô rạ. Nghi ngồi tựa lưng vào gốc cây ngô đồng, nghe tiếng chuông chùa vọng lại mảnh mai từng nhịp. Ngô đồng đã đến kỳ thay lá…

Mai Đình

Chia sẻ bài viết


đồ cũ miền bắc đồ cũ ngọc hưng