Tiếng Việt | English

02/09/2018 - 14:00

Người anh hùng nơi bưng biền Đồng Tháp Mười

Nhắc đến cái tên Trương Văn Rật hay Trương Văn Tâm, 91 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An chắc không nhiều người ở vùng Đồng Tháp Mười biết đến, nhưng chỉ cần nghe đến ông Mười Tâm hay Má Mười thì hầu như ai cũng biết bởi tên tuổi ông gắn liền với những trận đánh nổi tiếng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mười Tâm

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mười Tâm

Những trận đánh đi cùng tên tuổi Mười Tâm

Sinh ra và lớn lên trên vùng Đồng Tháp Mười giữa lúc cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ mạnh mẽ, ngay từ nhỏ, ông Mười Tâm sớm giác ngộ và tình nguyện tham gia đội du kích xã. Đến năm 1958, ông chính thức tham gia trận đánh lớn đầu tiên tại Gò Kiến Vàng, ấp Đìa Kiện, xã Vĩnh Lợi, cùng đơn vị diệt 7 tên lính của đại đội lính ngụy thuộc Sư đoàn Dương Văn Minh. 

Năm 1960, trên địa bàn tỉnh Kiến Tường cũ, 4 đại đội vũ trang được thành lập, trong đó, tại thị xã Mộc Hóa có Đại đội 402, Vùng 4 (Kiến Bình) có Đại đội 404, Vùng 6 (Tuyên Nhơn) có Đại đội 406 và Vùng 8 (thuộc khu vực Vĩnh Hưng ngày nay) có Đại đội 408. Ông Mười Tâm được giao phụ trách Đại đội 408 trên cương vị Đại đội trưởng. Cũng trong năm 1960, Đại đội 408 được giao nhiệm vụ đánh đồn Long Khốt. Mặc dù quân số chỉ khoảng 60 người, vũ khí trang bị thô sơ nhưng với sự mưu trí, ông tổ chức phục kích, tiêu diệt hoàn toàn 2 trung đội lính ngụy, thu 40 súng cùng nhiều đạn dược. Số súng, đạn này được trang bị cho đơn vị và đưa về các xã, trang bị cho lực lượng du kích, còn một phần hỗ trợ Đại đội 402. Sau trận đánh này, lực lượng vũ trang tại tỉnh Kiến Tường ngày càng lớn mạnh, đủ sức chiến đấu chống lại những cuộc bố ráp, càn quét của Mỹ - ngụy trên Vùng 8, Kiến Tường cũ. Ông Mười Tâm trở thành một trong những người chỉ huy tài tình, trực tiếp tham gia các trận đánh lớn như trận phục kích tàu chiến tại Bò Sất, Bến Phố (năm 1966) và là người trực tiếp tiếp quản căn cứ quân sự Măng Đa (năm 1975)…

Ngoài 90 tuổi, những sự việc có khi vừa mới xảy ra ông lại quên nhưng mỗi khi nhắc đến trận đánh Gò Ông Lẹt năm nào, đôi mắt ông sáng hẳn lên, mọi ký ức của trận đánh năm xưa lại ùa về. Năm 1965, Mỹ - ngụy lập 3 trại huấn luyện biệt kích do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện, đồng thời tăng cường lực lượng pháo binh, tàu chiến và máy bay. Sau thời gian huấn luyện, tháng 9/1965, địch điều Đại đội biệt kích ở Măng Đa về đóng tại Gò Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận ngày nay. Việc xây dựng căn cứ Gò Ông Lẹt nhằm tạo sức mạnh liên hoàn với căn cứ Măng Đa vừa để bảo vệ quận lỵ Tuyên Bình, đào tạo gián điệp, khống chế hành lang chiến lược của ta. Hoạt động biệt kích ở Gò Ông Lẹt đã gây cho ta rất nhiều khó khăn.

“Nếu để căn cứ Gò Ông Lẹt tồn tại, chắc chắn lực lượng bộ đội ta, du kích địa phương sẽ không thể phát triển, địch bố ráp mạnh mẽ hơn để mở rộng vùng chiếm đóng. Chính vì vậy, chúng tôi được lệnh phải tiêu diệt bằng được căn cứ Gò Ông Lẹt” - ông Mười Tâm nhớ lại. Tuy nhiên, nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Gò Ông Lẹt không dễ dàng khi tại đây, địch luôn thường trực khoảng 80 quân do 4 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Điểm trú quân Gò Ông Lẹt được xây dựng khá kiên cố với công sự và hàng rào bảo vệ. Ngoài ra, khi có biến động, pháo binh ở căn cứ Măng Đa gần đó sẵn sàng chi viện. Trước tình thế đó, ông Mười Tâm xin với chỉ huy (khi ấy là đồng chí Hồ Ngọc Dẫn (Tư Dẫn)) cho phép được tổ chức thăm dò, trinh sát xung quanh căn cứ Gò Ông Lẹt để bảo đảm đánh là thắng. “Được sự đồng ý, khi màn đêm buông xuống, tôi cùng một số đồng chí khác lặng lẽ bơi xuồng về phía căn cứ. Sau hơn 1 tháng nghiên cứu địch và 3 đêm tiếp cận sát căn cứ, những phương án tác chiến được đưa ra: Đánh từ hướng Bắc sau lưng địch, vì tuyến này địch không bố trí phòng thủ cố định, bảo đảm yếu tố tốc chiến, tốc thắng” - ông Mười Tâm nhớ lại.

Đúng 18 giờ, ngày 16/11/1965, toàn bộ lực lượng gồm Đại đội 1 cơ động tỉnh Kiến Tường kết hợp bộ đội địa phương là Đại đội 408 Vùng 8 đồng loạt dùng xuồng xuất phát từ hướng Đông vòng sang hướng Bắc. Ngẫu nhiên, địch cũng tung ra một trung đoàn đóng ngay hướng này. Ban Chỉ huy lập tức cắt một tổ gồm 7 đồng chí trong đội dự bị kiềm chân lực lượng khi ta tấn công Gò Ông Lẹt.

0 giờ 30 phút, ngày 17/11/1965, ta đồng loạt nổ súng. Các mũi tấn công tiêu diệt ngay các mục tiêu của địch. Lực lượng đặc công của ta thọc sâu đánh vào sở chỉ huy và truyền tin của địch, đánh chiếm các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch rối loạn hàng ngũ, tháo chạy về hướng Nam phía sông Vàm Cỏ Tây, còn quân địch ở hướng Bắc nghe tiếng súng bao vây của ta ở Gò Ông Lẹt cũng bỏ chạy tán loạn.

Trận ấy, ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên, bắt sống 10 tên, thu 51 súng các loại. Sau trận đánh, quân, dân Kiến Tường được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất...

Người con của bưng biền Đồng Tháp Mười

Ai từng tiếp xúc cùng ông đều thấy được đằng sau đôi mắt sáng, hàng lông mày dữ dằn của một người chỉ huy là một người rất dễ gần, đôn hậu và là một cán bộ rất giỏi trong công tác dân vận, địch vận. 

Năm 1970, khi phụ trách Ban Cán sự quân sự Vùng 8, ông cùng các đồng chí trong đơn vị và cán bộ xã vận động, thuyết phục làm chuyển biến tư tưởng nhiều sĩ quan, binh lính ngụy đồng ý trở thành cơ sở cách mạng của ta. Đặc biệt, khi chuẩn bị đánh đồn Măng Đa, đồng chí Mười Tâm vận động thành công một sĩ quan nguyên là Đại đội phó của Tiểu đoàn 86 ngụy và được chính người này vẽ lại toàn bộ sơ đồ chi tiết cách bố trí, phòng thủ trong đồn. 

Không chỉ mưu lược, anh dũng trong chiến đấu, ngoài đời, ông luôn được người dân, cán bộ quý mến. Cũng vì thế, từ năm 1960, đồng chí Mười Tâm được người dân, đồng đội tin yêu gọi bằng cái tên Má Mười. Và cái tên Má Mười hay Mười Tâm đã đi cùng lịch sử kháng chiến của người dân vùng Đồng Tháp Mười.

Có lẽ cả cuộc đời ông đã gắn bó mật thiết với những cánh đồng nơi bưng biền Đồng Tháp Mười. Ông nhớ lại: “Chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, cả khu vực Vĩnh Hưng bây giờ đều thuộc Vùng 8, Kiến Tường cũ. Ngoài những khu vực đồn bót, căn cứ của Mỹ - ngụy như Gò Măng Đa, Gò Ông Lẹt và các khu vực quận Tuyên Bình, quận Kiến Bình, xung quanh hầu như chỉ là cỏ dại, lau sậy cao quá đầu người, người dân sinh sống thưa thớt. Hầu như những cánh đồng của Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường ngày nay đều ghi dấu chân của những cán bộ, chiến sĩ cách mạng năm xưa. Gian khổ là thế nhưng những người con trên quê hương Đồng Tháp Mười luôn dũng cảm chiến đấu, bám trụ, góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến của quân và dân Long An”. 

Di tích lịch sử Gò Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, nơi từng diễn ra trận đánh Gò Ông Lẹt năm 1965, có sự tham gia chỉ huy của ông Mười Tâm

Di tích lịch sử Gò Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, nơi từng diễn ra trận đánh Gò Ông Lẹt năm 1965, có sự tham gia chỉ huy của ông Mười Tâm

43 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất bưng biền Đồng Tháp Mười ngày nào đầy bom đạn giờ hồi sinh, trở thành vựa lúa lớn nhất của tỉnh. “Không ai ngờ mảnh đất này có thể phát triển nhanh như thế! Bao máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã đổ xuống để đổi lấy màu xanh thanh bình cho quê hương. Cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, phát triển minh chứng cho sự cần cù, chịu khó của những người dân Đồng Tháp Mười cũng như khát vọng vươn lên” - ông Mười Tâm cho biết.

Giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn gắn bó với vùng đất năm nào. Ông Mười Tâm nói: “Cũng có khi, bạn bè, đồng đội, đồng chí và cả những người trước đây vốn là thuộc cấp của mình mong muốn tôi lên thành phố hoặc có ý đưa tôi về những khu nghỉ dưỡng theo chế độ nhưng tôi đều từ chối. Gần trọn cuộc đời, bản thân tôi sống, chiến đấu và lao động trên mảnh đất này, không dễ gì từ bỏ được”. Ngôi nhà ông ở vẫn thế, ngôi nhà nhỏ, đơn sơ gắn bó với ông chừng ấy năm cuộc đời. Cũng có khi ông lui về khu đất của người cháu ở thị trấn Vĩnh Hưng để vui vầy, khuây khỏa lúc tuổi già./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết