Tiếng Việt | English

15/01/2024 - 09:46

Người đi ‘gieo chữ’

Sống cùng mẹ tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nhưng anh Vương Kiến Nguyên ít khi nào có mặt ở nhà bởi ngoài thời gian làm việc tại phòng tranh ở TP.HCM, anh thường xuyên di chuyển giữa tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có 2 lớp học tình thương mà anh gắn bó trong nhiều năm nay.

Anh Vương Kiến Nguyên luôn tâm niệm dùng tình yêu thương để hướng dẫn, giáo dục học sinh ở các lớp học tình thương

Anh Vương Kiến Nguyên luôn tâm niệm dùng tình yêu thương để hướng dẫn, giáo dục học sinh ở các lớp học tình thương

Trong chuyến về thăm lớp học tình thương Cô Thiện (xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) những ngày đầu năm mới, anh Vương Kiến Nguyên mang theo rất nhiều bánh, sữa, tập,... để tổ chức buổi đổi quà cho học sinh (HS) trong lớp. Từ đầu năm trước, lớp học tình thương Cô Thiện có quy định mỗi ngày HS tới lớp sẽ được nhận 1 đồng xu, sau một thời gian tích lũy, các em có thể dùng xu đổi quà theo sở thích.

“Cứ 3 đồng xu sẽ được nhận 1 bịch bim bim, 5 đồng xu đổi 1 hộp sữa và 7 đồng đổi được 1 quyển tập,... Quy định đó nhằm động viên các em chăm chỉ tới lớp. Ngày đổi quà, em nào cũng vui. Các em nhỏ thì đổi sữa, bánh; anh chị lớn hơn thì đổi tập. Nhìn các em vui, tôi cũng hạnh phúc theo!” - anh Nguyên nói.

Trước đây, được bạn bè giới thiệu, anh Nguyên biết đến mái ấm tình thương Cô Thiện, nơi nhận giữ trẻ miễn phí cho các gia đình đặc biệt khó khăn trong vùng để ba mẹ các em yên tâm đi làm. Anh đề xuất mở lớp học tình thương, dạy chữ cho các em tại mái ấm và được ủng hộ. Thời gian đầu, anh Nguyên trực tiếp đứng lớp cho đến khi lớp học có thêm người hỗ trợ.

Hiện tại, ngoài lớp học tình thương Cô Thiện, anh Nguyên còn dành thời gian cho lớp học tình thương tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số lớp học tình thương khác tại TP.HCM. Ngoài dạy chữ, anh Nguyên còn dạy nghề cho một số HS lớn với hy vọng các em có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.

“Ngoài thời gian dành cho các lớp học tình thương, tôi còn làm việc để có kinh phí hỗ trợ phần nào việc chăm lo cho các em. Trước đây, tôi nghĩ nếu muốn giúp đỡ người khác, chỉ cần hỗ trợ về kinh tế là đủ nhưng sau này, tôi nhận ra “cái chữ” quan trọng hơn và mang đến lợi ích cho các em nhiều hơn. Các lớp học tình thương do tôi tổ chức hoặc tham gia, hầu hết giúp các em biết đọc, biết viết để thuận tiện hơn trong việc học hỏi, tìm hiểu thông tin,... Chỉ mong các em có cuộc sống tốt hơn trong tương lai” - anh Nguyên nói.

Anh Vương Kiến Nguyên gắn bó với các lớp học tình thương từ năm 2009 đến nay (Ảnh: nvcc)

Anh Vương Kiến Nguyên gắn bó với các lớp học tình thương từ năm 2009 đến nay (Ảnh: nvcc)

Không chỉ tham gia dạy tại các lớp học tình thương, anh Nguyên sẵn sàng giúp đỡ, dạy học cho trẻ lang thang, cơ nhỡ. Một góc công viên nhỏ hay hành lang khu trọ ọp ẹp đều có thể trở thành lớp học của thầy Nguyên. Và dù chỉ có 1 HS, thầy cũng sẵn sàng đến dạy. Năm 2018, mạng xã hội lan truyền hình ảnh cậu bé ăn xin Trần Văn Cường cùng ước mơ được học của em. Biết Cường khát khao đến lớp, mỗi chiều, thầy Nguyên đến tận khu trọ của em dạy chữ. Hành lang chật hẹp của khu trọ trở thành lớp học và cậu học trò nhỏ tiến bộ rất nhanh.

Ngoài dạy chữ, anh Nguyên còn chú trọng hướng dẫn, uốn nắn cách hành xử của HS với kỳ vọng các em trở thành người tốt. HS của các lớp học tình thương đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nên thường có nhiều sai sót trong lời nói, hành động,... Bao dung trước những lỗi lầm, sai sót và dùng tình thương để định hướng, giúp đỡ là điều anh Nguyên hướng tới trong suốt hơn 10 năm qua.

Sinh ra trong gia đình khó khăn về kinh tế, anh Nguyên có sự thấu hiểu sâu sắc với những HS đặc biệt của mình. Ngày ba mất do bạo bệnh, anh tự hứa với lòng sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng kỳ vọng của ba. Cuộc sống không quá khá giả nhưng anh Nguyên luôn tìm thấy niềm vui trong hành trình “gieo chữ” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Với anh Nguyên, nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ chính là bình an và hạnh phúc./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết