Tiếng Việt | English

27/01/2020 - 08:09

Người trẻ làm giàu trên quê hương

Từ hai bàn tay trắng, nhiều thanh niên mạnh dạn làm nên cơ nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Tuy con đường khởi nghiệp khác nhau, người chọn cây trồng, người chọn vật nuôi hay kinh doanh nhưng tất cả đều có chung tính cần cù, chịu khó, quyết tâm và còn có cả sự táo bạo.

Khởi nghiệp bằng 30 cặp bồ câu

Từ sự giới thiệu của Tỉnh đoàn Long An, chúng tôi tìm đến trang trại nuôi bồ câu Pháp của anh Lê Hoài Hận (34 tuổi), ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, mà không hẹn trước. Dù đã gần trưa nhưng anh Hận vẫn đang loay hoay ngoài khu vực lán trại để cho bầy chim bồ câu ăn và vệ sinh chuồng. “Dãy chuồng bên phải với đàn chim béo núc này chỉ vài ngày nữa là bán ra thị trường. Còn bên trái là đàn chim mới nở được 1 tuần” - anh Hận nhiệt tình giới thiệu.

Anh Lê Hoài Hận hiện có trang trại nuôi chim bồ câu Pháp

Anh Lê Hoài Hận hiện có trang trại nuôi chim bồ câu Pháp

Công việc chăm sóc đàn chim bồ câu Pháp giờ đây trở nên quen thuộc với anh Lê Hoài Hận. Nhờ hăng say lao động, bước đầu, anh gặt hái những thành công nhất định với mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp. Theo Huyện đoàn Cần Giuộc, đây là mô hình kinh tế mới tại địa phương đang mang lại giá trị kinh tế cao nên có nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu, học tập. 

Hiện nay, anh Hận là chủ một trang trại nuôi chim bồ câu Pháp nhưng ít ai biết được, vài năm về trước, anh là người “tay trắng”. Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Hận kể: “Năm 2013, tình cờ nhìn thấy những chú chim bồ câu Pháp nên tôi hình thành ý tưởng nuôi bán”. Thế là, chàng thanh niên trẻ quyết tâm tìm hiểu. Hy vọng thắp lên khi anh biết rằng, thịt chim bồ câu Pháp trên thị trường đang được ưa chuộng. 

Sau khi tìm hiểu qua Internet, đi thực tế tại một số trang trại chăn nuôi, năm 2013, anh quyết định khởi nghiệp nuôi bồ câu Pháp. Với tổng số tiền ít ỏi 10 triệu đồng, anh làm chuồng gỗ, mua 30 cặp bồ câu về nuôi thử. Nhận thấy loài chim này dễ nuôi, phát triển nhanh, ít dịch bệnh, anh tìm đến tổ chức Đoàn nhờ làm cầu nối vay vốn của ngân hàng với số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, gia đình đồng ý cho anh thế chấp sổ đỏ vay thêm 100 triệu đồng. Số tiền này anh tiếp tục đầu tư hệ thống chuồng trại. Cứ thế, anh nhân đàn lên dần dần.

Cùng với mở rộng quy mô chăn nuôi, anh vẫn thường xuyên đi TP.HCM, tìm đến các quán ăn tiếp thị bồ câu để tìm đầu ra. Cứ thế, dần dần anh có thêm nhiều mối quen tiêu thụ sản phẩm. Theo thời gian, trang trại của anh trở thành địa chỉ cung cấp con giống có uy tín cho nhiều người. “Đầu ra ổn định nên bầy chim có bao nhiêu, mình đều bán hết” - anh Hận cho biết.

Cứ có lợi nhuận, anh lại tiếp tục đầu tư hệ thống chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, anh xây dựng được hệ thống trang trại kiên cố với nhiều dãy chuồng làm bằng sắt để nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp sinh sản. Bồ câu Pháp có khả năng sinh sản đều và cao. Sau 4-5 tháng tuổi, con mái bắt đầu đẻ lứa đầu. Bồ câu con được khoảng 3 tuần tuổi là có thể xuất bán. Thời gian qua, bình quân mỗi tháng, anh xuất bán với giá 55.000-65.000 đồng/con (nặng từ 0,5-0,8kg). “Từ 2018 đến nay, mỗi năm, tôi thu về lợi nhuận 400- 500 triệu đồng” - anh Hận cho biết. 

Từ thành công bước đầu, anh Hận dự định tiếp tục phát triển thêm quy mô từ 4.000-5.000 cặp bồ câu sinh sản. “Nhu cầu của thị trường rất lớn, trong khi mình đã có đầu ra ổn định nên phải tận dụng cơ hội làm giàu” - anh Hận hồ hởi bày tỏ.

Từ hai bàn tay trắng…

Nhiều năm qua, sự thành công của anh Cao Phú Khánh (33 tuổi), ngụ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa không chỉ nổi tiếng trong địa phương mà còn ở nhiều địa phương khác. Anh là tấm gương thanh niên nông dân vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2012, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lúc đó, anh Khánh mới 26 tuổi, cũng như bao thanh niên ở vùng quê nghèo khác luôn đứng trước sự lựa chọn “lên thành phố lập nghiệp hay ở lại quê hương làm ruộng, chăn nuôi?”. Thế rồi, sau nhiều lần suy nghĩ, chàng thanh niên này quyết định ở lại quê hương lập nghiệp. 

Còn trẻ tuổi nhưng khi đó, anh Khánh đã suy nghĩ “phải quyết tâm làm giàu bằng nghề nông”. Nghe anh nói, có người bảo “mơ ước viển vông”. “Điều đó cũng dễ hiểu, bởi với tôi, vào thời điểm đó, ruộng đất gia đình ít, vốn và kỹ thuật chăn nuôi hạn chế nên việc sản xuất là con số không tròn trĩnh” - anh Khánh chia sẻ. 

Nhưng anh Khánh suy nghĩ, kiến thức sản xuất có thể học được. Điều quan trọng là bản thân có quyết tâm, nghị lực và dám thực hiện mơ ước hay không. Với chút “vốn liếng” của tuổi trẻ là sự năng động, mạnh dạn, sức khỏe, anh quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương. 

Những chuyến đi xa đến các tỉnh miền Tây, miền Đông để tham quan các mô hình, học hỏi kỹ thuật sản xuất bắt đầu thường xuyên hơn với chàng thanh niên. Với đặc thù của vùng đất quê hương, anh chủ yếu tìm hiểu các mô hình, kỹ thuật nuôi cá, ếch. Ý thức được tầm quan trọng của đầu ra sản phẩm, anh chủ động tìm hiểu thị trường. Năm 2012, anh Khánh bắt đầu khởi nghiệp nuôi ếch. Với 20 triệu đồng vay mượn của người thân, anh đầu tư nuôi 1.000 con ếch trong vèo trên phần đất của gia đình. Sau thời gian gần 3 tháng nuôi, anh thu hoạch, trừ chi phí còn lãi hơn 8 triệu đồng. “Số tiền lời nho nhỏ đó đã mở ra cho tôi một kế hoạch phát triển lớn như hôm nay” - anh Khánh thổ lộ.

Từ đợt nuôi đầu tiên này, anh giữ lại 100 con ếch sinh sản để tiếp tục nhân giống, mở rộng quy mô nuôi. Thời điểm đó, ở vùng đất này, hầu như chưa có ai nuôi ếch mà chủ yếu trồng lúa. 

Để tránh tình trạng bị ép giá, anh Khánh nhiều lần lặn lội, chạy xe máy lên chợ đầu mối ở TP.HCM tìm kiếm nguồn tiêu thụ. Mỗi lần đi, anh đều chở theo vài chục ký ếch để tiếp thị. Cứ thế, dần dà diện tích, quy mô nuôi ếch ngày càng được anh mở rộng thêm.

Khi có đầu ra ổn định và lợi nhuận, anh mua xe ba gác để chở sản phẩm đi bán trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2013, anh tiếp tục đầu tư xe tải để đi giao hàng ở nhiều tỉnh, thành khác. Ngoài nuôi ếch, năm 2013, anh Khánh còn mạnh dạn mở nuôi, lai tạo giống cá rô, cá trê. Cứ thế, những năm qua, anh duy trì nuôi, ươm ếch, cá rô, cá trê trên diện tích 3ha và mang lại lợi nhuận cao cả tỉ đồng mỗi năm. 

Anh Cao Phú Khánh làm giàu trên chính quê hương mình

Anh Cao Phú Khánh làm giàu trên chính quê hương mình

Hiện nay, mô hình nuôi cá, ếch của anh thường xuyên có nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. “Ếch, cá rô, cá trê là loài rất dễ nuôi, quan trọng nhất là nguồn nước phải bảo đảm vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh” - anh Khánh vẫn thường chia sẻ với mọi người như thế. 
Năm 2017, anh Khánh đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi thủy sản Long Thạnh. Đây là HTX thủy sản đầu tiên của huyện, có 7 thành viên với diện tích gần 20ha. HTX còn liên kết được 80 hộ trên địa bàn xã và địa phương lân cận nuôi cá, ếch. Tất cả hộ đều được anh Khánh cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, giá rẻ hơn thị trường và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Khi thu hoạch, HTX sẽ thu mua cá, ếch cho các hộ và cung ứng ra thị trường. Mỗi tháng, HTX thu mua và bán ra thị trường khoảng 80 tấn ếch, cá rô, cá trê của các thành viên trong HTX và 80 hộ.

Từ một người chẳng vốn liếng, đất đai ít, “non” kinh nghiệm sản xuất, hiện anh Khánh đã trở thành tỉ phú. Khi có “của ăn, của để”, anh tích cực tham gia, đóng góp cho các hoạt động xã hội, vận động các cơ sở chăn nuôi tặng quà những người còn khó khăn, hộ nghèo tại địa phương. Ngoài ra, anh cũng hỗ trợ nhiều người vay vốn để phát triển sản xuất, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Người trẻ - bằng sự tự tin, mạnh dạn và chịu khó học hỏi, con đường khởi nghiệp cuối cùng cũng chạm đến thành công./.

Các cấp bộ Đoàn thường xuyên phối hợp, làm cầu nối giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, còn tích cực tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên tiếp cận kỹ thuật sản xuất...”.

Trưởng ban Công tác thanh niên Tỉnh đoàn Long An - Phạm Văn Hậu

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết