Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền thờ Lê Văn Hưu tại Di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Sáng 21/4, tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu (1322 - 2022) và khánh thành đền thờ tại Di tích Lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm và các hoạt động nhân 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu là dịp để các cơ quan, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến của ông cho lịch sử dân tộc. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội.
Sự kiện kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thanh Hóa - quê hương của ông mà còn trên phạm vi cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Từ truyền thống học hành khoa cử và cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức ở Thanh Hóa và cả nước hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới.
Tấm gương của danh nhân Lê Văn Hưu trong học tập, làm việc khoa học, trách nhiệm cần được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa, qua đó khơi dậy niềm tự hào, góp phần làm cho quê hương Thanh Hóa nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung sẽ ngày càng có nhiều bậc hiền tài, "nguyên khí" của nước nhà sẽ ngày một hưng thịnh.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, cũng trong sáng 21/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá phối hợp UBND huyện Thiệu Hóa tổ chức lễ khánh thành và dâng hương tại Đền thờ Lê Văn Hưu ở Di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa).
Đền thờ Lê Văn Hưu đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990, qua thời gian di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu, gồm 9 hạng mục, được chia làm 3 giai đoạn (từ năm 2018 - 2022) với tổng mức đầu tư trên 29 tỉ đồng.
Việc tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu để nơi này trở thành một địa chỉ văn hóa - lịch sử, đặc biệt là niềm tự hào của người dân Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là điểm đến linh thiêng, là địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí, tinh thần vượt khó của ông cha ta, lan toả tinh thần đoàn kết thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên với lòng thành kính và biết ơn Nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam.
Hiện nay, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của Nhà sử học Lê Văn Hưu vẫn còn trên đất Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
Danh nhân Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, từ thuở nhỏ, ông đã sớm thể hiện tư chất thông minh và có chí hướng lập công danh, làm rạng rỡ quê hương, đất nước.
Năm 18 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng Nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần. Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sỹ kiêm Quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Ông tinh thông võ nghệ, giỏi thư thi, trở thành Thượng tướng quân vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
Không chỉ là bảng nhãn đầu tiên, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII - XIV, Lê Văn Hưu còn là nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước. Ông là tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký,” bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1244).
Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được Ngô Sĩ Liên, sử thần thời Hậu Lê căn cứ để biên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư.”
Ngô Sĩ Liên đã đánh giá Lê Văn Hưu là "Đại thủ bút đời Trần.” Bộ quốc sử Đại Việt sử ký ngay từ khi mới ra đời đã có những đóng góp xứng tầm trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa Vương triều Trần phát triển đến đỉnh cao huy hoàng. Ông đã để lại cho đời sau những di sản quý báu, đóng góp to lớn vào kho tàng lịch sử của dân tộc, làm rạng rỡ nền văn hiến nước nhà. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã kế thừa những thành tựu lớn lao của ông để phát huy, phát triển.
Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có tư tưởng thấm nhuần đạo lý của Nho giáo. Tư tưởng thân dân, ý thức dân tộc của Nhà sử học Lê Văn Hưu là nền tảng tinh thần to lớn, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình làm quan, ông luôn yêu thương dân chúng, chăm lo cho đời sống của nhân dân và cống hiến, phụng sự triều đình với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất vào năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông vẫn còn trên đất Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa./.
Theo TTXVN