Tiếng Việt | English

15/07/2016 - 05:31

Nhiều tỉnh tự ý chi tiền mua xe công sai quy định

Trong kế hoạch kiểm toán năm 2017, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sẽ thực hiện kiểm toán chuyên đề về quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, trong đó có việc mua sắm, quản lý và sử dụng xe công.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước, sáng 14/7 cho hay, sang năm, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán việc sử dụng tài chính công, tài sản công, như mua sắm, sử dụng xe ô tô hoặc mua máy móc thiết bị y tế rồi không sử dụng, gây lãng phí; đồng thời, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm toán việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản; kiểm toán liên quan đến sử dụng đất đai ở đô thị, đất đai của Nhà nước trong quá trình các doanh nghiệp CPH,...

Theo kết quả kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước, nhiều địa phương chưa quán triệt, thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm trong mua sắm tài sản.

Tính đến hết 2015, tổng số xe công hiện là hơn 37.700 chiếc, số tiền ngân sách bỏ ra mua tổng cộng gần 23 nghìn tỷ (tương đương hơn 1 tỷ USD).

Cụ thể, TP. Đà Nẵng đã tự ý bổ sung kinh phí mua sắm ô tô phục vụ công tác gần 3,6 tỷ đồng; Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau không tạm dừng thanh toán đối với các khoản mua sắm, sửa chữa, tổ chức lễ hội, đi công tác nước ngoài, còn nhiều khoản mua sắm, sửa chữa chưa triển khai thực hiện nhưng không được địa phương rà soát cắt giảm theo quy định; Khánh Hòa bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao đầu năm cho 4 đơn vị là hơn 3,3 tỷ đồng để mua ô tô; Trà Vinh mua mới 21 xe ôtô phục vụ công tác cho các sở, ban ngành; Quảng Nam cấp kinh phí mua xe mới cho một số đơn vị; Phú Yên mua 3 xe ô tô với giá trị 3 tỷ đồng và tạm ứng 4 tỷ đồng để xây dựng trụ sở làm việc,...

Ngoài ra, một số đơn vị mua sắm, sửa chữa tài sản cố định chưa tuân thủ các quy định hiện hành, một số địa phương còn xảy ra tình trạng mua xe ô tô vượt tiêu chuẩn như Lào Cai và Trà Vinh,... hoặc trang bị xe ô tô vượt mức quy định như TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam,...

Các địa phương chưa ban hành quy chế quản lý và sử dụng tài sản công theo quy định; chưa hạch toán, theo dõi đầy đủ tài sản cố định; sử dụng tài sản không đúng mục đích, chưa hiệu quả; quản lý tài sản chưa chặt chẽ.

Tuy nhiên, việc kiểm toán việc mua sắm, sử dụng tài sản công là nằm trong chương trình kiểm toán chung về sử dụng tiền ngân sách, năm nay, nhận thấy việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công “có vấn đề” nên Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm toán thành chuyên đề riêng.

Cũng trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán các tập đoàn nhà nước, tập trung vào kiểm toán việc tái cơ cấu và việc đầu tư phát triển. Ông Phớc lý giải, vừa rồi có nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư dự án hàng chục nghìn tỷ không có hiệu quả, gây lãng phí và thất thoát vốn nhà nước.

Chẳng hạn như Đạm Ninh Bình, từ 1.300 công nhân nay chỉ còn 300 công nhân làm việc, thua lỗ tới 2.400 tỷ,... Một số dự án đầu tư như xăng sinh học, thép,... cũng chưa hiệu quả.

Theo Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước được mở rộng phạm vi kiểm toán tới các DNNN mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn.

Trả lời PV.VietNamNet, ông Phớc cho biết, hiện cơ quan này mới kiểm toán các DNNN trên 51% vốn Nhà nước vì Luật Kiểm toán mới có hiệu lực từ 1/1/2016.

Theo ông, việc kiểm toán các doanh nghiệp mà vốn Nhà nước dưới 51% sẽ khó khăn hơn vì chủ của DN cũng là tư nhân. Khi đó, kết quả hoạt động của DN không chỉ dựa trên vốn nhà nước nữa mà là cả vốn tư nhân nên việc kiểm toán toàn diện hoạt động của DN sẽ phức tạp.

“Tuy nhiên, qua quá trình kiểm toán cũng khẳng định nguồn vốn của Nhà nước trong các DN đó có bị thất thoát không, sử dụng có hiệu quả không và cơ bản là DN đó có thực hiện đúng luật pháp hay không, đặc biệt là vấn đề thuế, chuyển giá thì cần phải làm rõ”, ông Phớc nói./.

Ngọc Hà/Vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết