Tiếng Việt | English

22/09/2018 - 08:08

Nhớ “mùa thu rồi, ngày hăm ba...”

Trong một bài báo nhan đề Máu rơi trong ngày độc lập của ký giả Trần Tấn Quốc tường thuật khá chi tiết và đầy đủ diễn biến Lễ Độc lập 2/9/1945, tại quảng trường nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, có chi tiết: “... Thình lình súng nổ. Nổ trước nhà thờ Đức Bà, nổ trước hãng Jean Comte và chặp sau, tiếng nổ đều trong vùng trung tâm thành phố...”.

Trong bài hồi ký Nhớ ngày Nam bộ kháng chiến, nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng viết: “...Trong Lễ Độc lập tại quảng trường nhà thờ Đức Bà ngày 2/9/1945, giữa lúc Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ - Trần Văn Giàu đọc diễn văn chào mừng thì có mấy loạt súng nổ của bọn Pháp kiều hèn nhát, ngoan cố ẩn núp và bắn lén để gây án rồi đổ cho phía cách mạng; báo hiệu mây đen vần vũ bao phủ ở chân trời...”.

Sau đó là ta khẩn trương đối phó, dời các công binh xưởng ở thành phố lên chiến khu An Phú Đông; dời kho tài liệu của chính quyền Nam bộ về Mỹ Tho; dời nhà máy ấn loát tự động của Sở Ardien...; di tản bớt những khu đông dân. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cũng chỉ thị các tỉnh Nam bộ khẩn cấp chuẩn bị kháng chiến...

Đến 11/9/1945, một sự kiện nữa xảy ra càng làm tình thế thêm khẩn trương: Tướng Gracey đại diện cho Bộ Tư lệnh Đồng minh từ Miến Điện bay sang Sài Gòn với 2 tiểu đoàn lính Ấn Độ, nhân danh Đồng minh ra lệnh chính quyền cách mạng phải giao trụ sở cho Đồng minh.

Rồi sáng 22/9/1945, đại diện của chính quyền Pháp là Sainteny khẩn khoản mời đại diện chính quyền ta đến dự tiệc để giảm bớt không khí căng thẳng. Nhưng Xứ ủy, đứng đầu là Bí thư Trần Văn Giàu đã đoán được âm mưu của Pháp muốn tái diễn kiểu tiệc Hồng Môn Hội Yến mà chúng đã dựng ra ở Phnom Penh để bắt sống nhà ái quốc Sơn Ngọc Thành, lãnh tụ của nhân dân Campuchia, nên ta giả vờ hồi âm cảm ơn và sẽ đến dự tiệc. Thực ra, ngay lập tức, ta dời trụ sở làm việc của chính quyền vào Chợ Lớn, chỉ để lại một lực lượng nhỏ canh gác trụ sở cũ. Đó là một thất bại đầu tiên của địch.... Không khí trước giờ nổ ra cuộc Nam bộ kháng chiến 23/9 như thế!

Kỷ vật thời kỳ đầu Nam bộ kháng chiến: “Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền” với hình ảnh Vệ quốc đoàn “nóp với giáo mang ngang vai” (nóp bó gọn như ba-lô mang sau lưng); gậy tầm vông vạt nhọn cùng các loại vũ khí thô sơ khác, đánh hạ từng đồn Tây để lấy vũ khí hiện đại của giặc mà đánh giặc cho đến ngày toàn thắng (Ảnh tác giả chụp tại phòng lưu niệm trong nhà của thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất ở TP.HCM)

Mùa thu rồi ngày hăm ba

Năm đó là buổi đầu tiến quân vào khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười. Ở xóm tôi có 2 trung tá cựu chiến binh bất chợt giao nhà cửa cho vợ con ở lại sống êm ấm nơi thị xã Tân An (nay là TP.Tân An, tỉnh Long An), còn mình thì đi kinh tế mới lên xã Tân Hiệp mới thành lập để khẩn đất làm ruộng.

Hôm đó, tôi ghé thăm 2 chú đang ở trong một cái chòi trên bờ kênh Maren. Sau bữa cơm “dã chiến” ngoài trời muỗi bay như sáo thổi, 2 ông già cựu chiến binh đi huơ vỏ, nhánh tràm khô về chất giữa nền chòi và đốt cháy để xua muỗi. Tôi ngồi chầu rìa uống trà, nghe 2 “người lính già kể mãi chuyện Nguyên Phong” (nguyên văn chữ Hán: Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (thơ Trần Nhân Tông làm sau khi thắng quân Nguyên)).

Bắt đầu là chuyện “Mùa thu rồi, ngày hăm ba...”. Mở đầu, chú Tư Ngôi kể: “Làng tui hồi đó có Cai tổng Vinh giàu lắm, sắm nhà máy gạo lớn nhất huyện Đức Hòa, nhưng vì ổng ủng hộ Việt Minh nên tụi Tây nó phóng hỏa đốt cháy rụi nhà máy gạo. Tui nhớ bữa đó, Thầy Cai thuê cả đám thanh niên đến xay lúa, giã gạo, đóng bao tạ chất như bờ thành. 2 con trai Thầy Cai chừng mười mấy, 20 tuổi, đang học trường Tây ở Sài Gòn bỏ về dạy võ cho đám thanh niên trong làng. Khi Nam bộ kháng chiến nổ ra, Thầy Cai kiếm ghe, xuồng rất nhiều đậu đầy dưới kênh. Rồi gạo, muối, mắm, cá khô từ nhà Thầy Cai được đám thanh niên chuyển xuống ghe, xuồng. Hai con trai Thầy Cai dẫn đầu đoàn ghe, xuồng nhắm hướng chiến khu Đồng Tháp Mười ở vùng Nhơn Hòa Lập bên kinh Dương Văn Dương chèo tới”.

Thấy chú Tư Ngôi dừng lại, chú Năm Hơn liền nói: “Hồi đó, ghe, xuồng ít lắm. Tui đi bộ đội sau ngày Nam bộ kháng chiến, cứ phải lội bưng, lội biền ngập nước mà đi. Ở mấy gò đất cao, dân kháng chiến đủ thành phần, mỗi người một chiếc nóp. Đêm sáng trăng, tui nhìn đâu cũng thấy nóp màu trắng bạc”.

Chú Tư Ngôi như sực nhớ ra: “Ờ, nóp làm bằng tấm đệm. Hồi đó, bà con mình ra bưng cắt bàng về đan đệm. Từ tấm đệm cuốn lại làm nóp. Khi trời mưa thì tháo nóp làm tấm bạt che mưa. Khi đi xuồng thì căng nóp ra làm buồm. Tiện lắm!”.

Chú Năm Hơn tiếp lời: “Trời nóng mà nằm nóp nực không chịu được. Để bớt ngột ngạt, phải khoét mấy lỗ nhỏ, kê cái mũi vào đó mới hít được không khí mát ngoài trời”.

Chú Tư Ngôi ngẫu hứng vỗ tay và hát, để rồi chú Năm Hơn cùng hát hòa theo bài hát Nam bộ kháng chiến: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước/ Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng/ Cờ thắm tung bay ngang trời sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền...”.

Về nơi máu mình đổ xuống để hoa đời nở bừng lên

Khi đống lửa tràm đã đỏ than, chú Năm Hơn ra mương đổ lọp và thăm câu. Tôi hỏi chú Tư Ngôi, sao nghỉ hưu chú chưa chịu nghỉ mà còn lên đây khai hoang phục hóa đất cho cực nhọc vậy? Chú chậm rãi nói: “Tui với ông Năm Hơn là bạn chiến đấu lâu năm”. Bất chợt chú lẩy Kiều:

“Trời còn dễ có hôm nay 

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.

Chiến đấu, đổ máu xương bao nhiêu lần, ngày hòa bình, mình đã già mà còn sống, còn sức khỏe, gặp nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi. Cho nên, tui với Năm Hơn lên đây mở đất cắm dùi là về với chiến trường cũ để góp phần cho xương máu của mình và đồng đội nở hoa”. Dừng lại một chút, giọng chú trở nên bùi ngùi: “Tui nhớ hoài ngày đó, hai con trai Thầy Cai nối nhau ngã xuống. Anh lớn hy sinh trước. Anh nhỏ hy sinh sau trong trận đánh giặc Pháp ở Phú Lâm mà lấy xác không được. Mấy ngày sau, Thầy Cai mang mo cau cơm, băng đồng ngập nước đi tìm xác con. Thương lắm!”./.

Bút ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết