Tôi nhớ Hòa Bình năm 1997, lần đầu tiên tôi đặt chân lên miền đất sơn cước với bao phong cảnh hữu tình và hang động kỳ bí này. Khi ấy, thành phố Hòa Bình còn là thị xã nằm trong thung giữa bốn bề rừng núi uy nghi phủ bóng xanh xuống các bản Mường, bản Dao,.. quây vòng ngoại ô. Đêm hôm đó, tôi và nhà báo Đặng Niềm dạo chơi quanh thị xã, chợt thấy một tòa nhà 5 tầng có bảng “Tòa soạn Báo Hòa Bình”. Thấy chúng tôi dừng lại ngắm nghía, anh bảo vệ liền bước ra chào hỏi. Biết chúng tôi đến từ Long An, anh vội điện thoại cho ai đó rồi mời chúng tôi vào tòa soạn để có lãnh đạo tiếp. Lạ chưa? Mình còn xa lạ, đâu dám yêu cầu gì...
Một mảng đập Thủy điện Hòa Bình
Chưa đầy 10 phút sau, có một người ăn mặc lịch sự, đi xe máy đến. Sau cái bắt tay thân thiện, người ấy trao danh thiếp “Tiến sĩ Bùi Ỉnh, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình”. Người miền núi tự nhiên và chân thật đến bất ngờ. Rồi cuộc trà đầm ấm. Thêm vài đồng nghiệp nữa đến. Rồi rượu Shan Lùng - thứ rượu do người Dao Đỏ ở Lào Cai nấu từ nếp nương với men lá rừng bí truyền và nước suối ở lưng chừng núi bày ra có vị thơm và nồng độ khá cao, làm cho tình đồng nghiệp dậy lên không khí thân mật và ấm áp dù ngoài trời đầy sương lạnh. Qua trao đổi, nghề báo các anh nhiều khi phải lội suối, băng rừng vào các thôn, bản xa xôi. Những trận mưa nguồn ngộp thở phủ lên đỉnh đèo. Những trận lũ xô lở núi non ào xuống thôn, bản. Bước chân nhà báo vẫn băng qua đại ngàn đến từng rẻo xa heo hút để phản ánh kịp thời tình hình dân sinh bị thiên tai, lũ lụt,... Sau lần gặp đó, mỗi lần đi Hà Nội họp Hội Nhà báo, anh Đặng Niềm trở về đều có nói Tiến sĩ Bùi Ỉnh gởi lời thăm tôi, khiến tôi xiết bao cảm động!
Thưa anh Bùi Ỉnh, mấy hôm rày đọc báo, xem đài phản ánh tình hình thiên tai liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Hòa Bình là một trong những nơi bị thiệt hại về người và của nặng nhất. Ngày 15/10, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, lũ lụt. Ôi, thương sao phố núi Hòa Bình hiền hòa, bản Mường, bản Dao khép mình trong những thung sâu và triền núi cao với những rẻo ruộng bậc thang... Và nhớ sao đêm xòe bên vò rượu cần, bên ống cơm lam réo rắt điệu ví đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi.
Cơm lam của người dân tộc miền núi
Chúng tôi đã đi Thủy điện Hòa Bình (TĐHB) viếng tượng đài Bác Hồ lồng lộng gió núi mây ngàn. Phía dưới tượng đài là đập thủy điện hùng vĩ mang tên Hòa Bình sinh ra cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo số liệu, TĐHB gồm 8 tổ máy với tổng công suất 1.920MW - là nguồn cung cấp chính của lưới điện quốc gia. Dung tích hồ chứa nước gần 9,5 tỉ mét khối. Công trình xây dựng ngầm trong lòng núi, lớn nhất vùng Đông Nam Á và nước ta thời bấy giờ (1979). Ròng rã suốt 8 năm khảo sát, xây dựng cơ sở ban đầu,... và 15 năm “vật lộn” với thủy thần sông Đà khi thi công công trình chính.
Để xây đập đất đá cao 128m, dài 660m hùng vĩ như trái núi, hàng vạn con người và hàng chục loại cơ giới đêm ngày “xẻ núi, lấp sông” với khối lượng gần 23 triệu mét khối. Kế đó là xây đập tràn rộng 110m, cao 67m và tổ hợp công trình ngầm với tổng chiều dài các tuynel là 18km. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho TĐHB dù có bất cứ tác động nào, Liên Xô lúc đó gởi sang nước ta một đội ngũ chuyên gia hùng hậu hàng đầu để cùng các chuyên gia Việt Nam thực hiện từng quy trình kỹ thuật với hơn 550 thiết bị quan trắc các loại hiện đại nhất mà Liên Xô có được.
Chỉ riêng việc kiểm tra chất lượng, có đến 38.100 mẫu thí nghiệm vật liệu trong quá trình xây dựng. TĐHB không chỉ cung cấp năng lượng điện mà còn là công trình chống lũ và cung cấp nước tưới cho cả Đồng bằng sông Hồng. Tính từ tháng 12/1988 khởi động tổ máy số 1 đến tháng 4/1994 hoàn thành, vận hành tổ máy số 8, đưa tổng số 8 tổ máy của công trình cùng phát điện lên đường dây 500kV Bắc - Nam cung cấp cho đất nước hàng vạn tỉ kWh điện. Hồ chứa nước cho TĐHB dài hơn 200km về phía thượng lưu còn tạo điều kiện cho giao thông đường thủy giữa Đồng bằng Bắc bộ với miền Tây Bắc của Tổ quốc. Tôi ngắm nhìn mặt hồ bao la như mặt biển mà liên tưởng gần 570 năm trước, năm 1431, vua Lê Lợi thân chinh cùng đoàn quân vượt sông Đà lên mạn ngược Mường Mỗi đánh dẹp phiến quân Đèo Cát Hãn.
Trên đường về, vua làm một bài thơ khắc lên đá núi Pú Huồi Chỏ bên tả sông Đà (nay thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Điện Biên) và khi thuyền rồng về gần đến chợ Bờ, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, vua làm bài thơ thứ 2 khắc lên vách đá núi Hào Tráng, nhan đề “Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đề” (Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về qua đường đê Long Thủy). Thơ chữ Hán, được dịch nghĩa như sau: “Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn/ Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá/ Nghĩa khí quét sạch ngàn lớp mây mù/ Tráng tâm dời hết vạn trùng núi non/ Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu/ Lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co, rất nguy hiểm đã thành hư không/ Ngày nay chỉ coi như nước thuận dòng chảy xuôi”. Khẩu khí của bậc quân vương anh hùng là thế! “Lời truyền ba trăm ngọn thác” lấy từ câu ca dao “Đường lên Mường Lễ bao xa/ Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” cho thấy, sông Đà không chỉ lượn theo sườn núi quanh co mà còn đầy những thác ghềnh hiểm trở.
Vậy mà, sau khi dẹp giặc xong rồi thì bao hiểm nguy cũng trở thành hư không; bao thác ghềnh hiểm trở coi như nước thuận dòng chảy xuôi! Bây giờ, nước sông Đà chảy vào lòng hồ, tuôn đổ ầm ào qua các cửa hầm ngầm để quay tuốc-bin 8 tổ máy. Tôi đánh bạo đi vào đường hầm bêtông trong lòng núi đặt 8 tổ máy đang vận hành. Gió vụt vù qua hai tai tê buốt khiến tôi phải quay trở ra. Tôi đến đền tưởng niệm 168 cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô ngã xuống để cho công trình hùng vĩ trở thành một tượng đài bất hủ. Anh bạn nhà báo ở Hòa Bình cho biết, công trình TĐHB có hơn 30.000 người ngày đêm lăn xả vào góp công sức, mồ hôi, tim óc và cả máu, trong đó có 750 lượt chuyên gia Liên Xô, có Binh đoàn 12 bộ đội Trường Sơn và Sư đoàn 565 vừa xong chiến trận về đây chung tay làm nên “công trình thế kỷ” này. Công trình ra đời ngay sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và đất nước đang trải qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Cán bộ, công nhân cùng ăn cơm độn bắp, độn khoai, ngày đêm lăn xả vào công việc “xẻ núi, lấp sông”,...
Tác giả bên tháp bêtông có đặt lá thư chỉ được mở vào ngày đầu tháng đầu của năm 2100
Chỉ vào khối tháp bêtông, nói: Trong đó, có bức thư chỉ được mở vào ngày 01/01/2100. Bất giác, tôi nghĩ đến 100 năm sau, đất nước phát triển giàu mạnh và hiện đại gấp mấy lần bây giờ, con cháu chúng ta có tưởng tượng nổi quá trình làm nên công trình kỳ vĩ của cha ông mình vào những thập niên nửa cuối thế kỷ XX thế nào không? Một kỳ công ở buổi đầu xây dựng hòa bình và đưa đất nước tiến dần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa!
Tôi nhớ TĐHB và nhớ Hòa Bình - một vùng đất cổ có bảy sắc tộc người miền núi cùng chung sống với bảy bản sắc văn hóa đặc thù luôn được giữ gìn và phát huy. Thiên nhiên Hòa Bình còn cất giấu nhiều hệ sinh thái động, thực vật và hang động kỳ bí trong những đại ngàn bách thảo và những dãy núi hùng vĩ,... Hòa Bình, một miền đất - như tên gọi của nó - với sơn thủy hữu tình và con người giàu lòng hiếu khách đã biết thế nào là sức mạnh của thiên nhiên và cần sống thế nào để hài hòa với thiên nhiên.../.
* Ghi chú: Trong bài có sử dụng tư liệu của Báo Hòa Bình Xuân Mậu Dần 1998
Bút ký của Quang Hảo
(Kính tặng nhà báo, TS.Bùi Ỉnh)