Tiếng Việt | English

30/04/2016 - 07:51

Nhớ Nghệ sĩ Bảo Thanh

Mới đó mà đã gần 4 năm rồi (8-2012), kể từ ngày cố Nghệ sĩ (NS) Bảo Thanh (Trưởng đoàn Cải lương Long An) “về” với nghiệp Tổ. Cứ mỗi lần tôi đi qua TP.Tân An hay gặp anh em nào ở Đoàn Cải lương Long An là tôi lại nhớ đến cố NS Bảo Thanh. Một nỗi nhớ không quá da diết mà nó chỉ man mác buồn, dường như nó không len nhẹ vào hồn tôi mà như bất chợt hiện về trước mặt,... Vì lẽ, tôi với anh có nhiều kỷ niệm khó quên về chuyện nghề - chuyện đời trong tình bạn gần 20 năm quen biết.

Tôi và Bảo Thanh quen nhau khá lâu, từ lúc anh còn là kép trẻ, từng hát chánh cho nhiều sân khấu đại bang với sở trường là một kép mùi, đẹp. Bảo Thanh có một vóc dáng tầm thước, khỏe mạnh nên làn hơi chất giọng của anh cũng vậy, khi anh ngẫu hứng có thể cất giọng lên vượt khỏi dây “Xề” tức cao hơn dây “La”. Nhưng anh chỉ may mắn một lần tham dự hội diễn và đoạt Huy chương Bạc.

Những năm sau này, NS Bảo Thanh được bổ nhiệm làm Phó đoàn, rồi Trưởng đoàn với nhiệm vụ chính là quản lý, nên không có cơ hội dự hội diễn nữa; nhưng anh lại có thành tích trong chỉ đạo nghệ thuật, nhiều vở đã thành công như: Nghĩa sĩ Cần Giuộc - Hội diễn SKCNTQ -2009 (2 HCV và 3 HCB cho cá nhân), Hương cau xa xứ, Phố an cư, Một triệu đô la,…

Như đã nói trên, NS Bảo Thanh là một trong những anh kép nổi lên sau giải phóng, anh còn có hơi giọng ca khá cá biệt. Bất cứ ở trường hợp nào, trên sàn diễn hay cuộc chơi đờn ca tài tử, NS Bảo Thanh cất giọng là mọi người im phăng phắt, như muốn ngừng thở để chờ anh xuống,… “Hò” Vọng cổ! Sự chiêm ngưỡng ấy, tất nhiên là có tràn pháo tay tặng thưởng giòn giã.

NS Bảo Thanh (Nguyễn Thái Thanh), sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (1956). Anh bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật từ những ngày đầu mới giải phóng (1975) và sự khởi nghiệp của anh khá suôn sẻ, được hát chánh ngay vai diễn đầu đời, Alikha trong vở Bạo chúa của soạn giả Lê Duy Hạnh (Đoàn Văn công Khu Đông Nam bộ). Anh tạo được ấn tượng đẹp với khán giả ngay từ lúc đó.

Có một thời gian, NS Bảo Thanh về hát chánh cho Đoàn Cải lương Vũng Tàu – Côn Đảo, rồi lại trở về Long An lần thứ hai (1999) và anh xác định nơi đây là quê hương “thứ hai”. Tái ngộ với khán giả Long An lần này, giọng ca của anh vẫn như ngày nào, diễn sâu lắng đĩnh đạc hơn với những nhân vật tầm cỡ. Cuối năm 2005, NS Bảo Thanh phải tạm rời sàn diễn, vì anh nhận nhiệm vụ Quyền Trưởng Đoàn Cải lương Long An, rồi ít lâu sau chính thức Trưởng đoàn cho đến ngày anh mất (8-2012).

Sở dĩ, Bảo Thanh mới bước vào sân khấu là hát chánh cho đến ngày làm lãnh đạo đoàn hát; với anh có khá nhiều ưu thế, nhờ tạo hóa ban tặng chất giọng làn hơi tốt, cha mẹ sinh cho anh vóc dáng cao to nhưng gọn đẹp và gương mặt chữ điền rất lý tưởng với tiêu chuẩn hình thể của anh kép mùi. Thêm vào đó, là hành trang vào nghề anh chuẩn bị khá chu đáo, 5 năm học ca với danh cầm Văn Vĩ, Bảy Hàm và học diễn ở cô Ngọc Thạch (trước 1975). Nhưng có lẽ, thế mạnh của Bảo Thanh thu phục tình cảm khán giả vẫn là giọng ca. Vì khi vào nghề là giọng ca của anh đã đủ độ “chín tới”, nếu không muốn nói là điêu luyện. Bởi làn hơi có thể nói là thừa âm lượng, vút cao, cung bậc (loại dây) nào anh cũng ca tới và đặc biệt bằng lối ca cấn (chồng hơi), không bao giờ lòn hơi (tức sợ đuối hơi).

Vốn chất giọng “Đồng pha kim” vừa rổn rảng, vừa thanh thoát, mà sở trường của loại giọng này ca Vọng cổ là tuyệt vời: Mùi mẫn, mượt mà, bay bổng,… dễ gây thiện cảm với người nghe, cho dù người khó tính nhất. Đã có sẵn những tố chất về cơ thể sinh học, Bảo Thanh lại có kỹ thuật riêng, làn hơi đầy đặn nhưng không khi nào anh sử dụng hết âm lượng, khi ngân anh buông hơi nhẹ, rung giọng khéo léo ca trong lòng câu rất êm và ngọt. Khi lên Vọng cổ, anh ém hơi (ca hơi bụng), dù văn dài cả trăm chữ nhưng vẫn phát âm tròn vành rõ chữ và tươi mượt. Các thanh dấu, không chỉ nhấn trọng âm dấu sắc và hỏi, mà còn vừa ngân vừa lướt nhẹ dấu nặng và dồn hơi cho “Hò – Xề”.

Bên thanh nhạc gọi là kỹ thuật thanh đới, ở cải lương gọi là nghệ thuật lạng lách, đây chính là kỹ thuật cá nhân để cuốn hút người nghe hay còn gọi là phong cách riêng. Bảo Thanh còn ca nhiều bài bản lớn (Nhạc Tài tử) khá điệu nghệ, là lối sắp văn chẻ nhịp, bỏ nhỏ không tốn nhiều sức lực, mà người trong giới gọi là “ca nghề”. Cố NS Bảo Thanh vẫn còn có nét riêng, hơi giọng càng phong độ hơn khi có tiệc tùng nhâm nhi chút rượu, giọng ca của anh càng hưng phấn và bay bổng hơn,...

Dường như tôi gặp anh lần sau cùng, trước khi anh mất khoảng một tháng. Tôi còn nhớ, NS Bảo Thanh tâm sự, từ khi nhận chức, anh rất lo lắng và trăn trở cùng ban lãnh đạo đoàn hát làm thế nào để phát huy truyền thống của đơn vị xứng đáng với lòng mong đợi của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà, cũng như kế tục những gì mà các đàn anh đi trước để lại.

Trong tình hình cải lương khó khăn nhiều thập niên rồi, vai trò trưởng đoàn không đơn giản chút nào, trọng trách phải nặng hơn các thành viên khác trong đoàn, lại phải vừa quản lý, củng cố đoàn và vừa chỉ đạo nghệ thuật nữa. Vì lẽ đó, khi xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân khá nhiều nghệ sĩ chịu thiệt thòi là không đủ “huy chương” nhưng lại dư thâm niên cống hiến; và nếu đem xét một trưởng đoàn ngang với một diễn viên thuần tuý thì quả là một cách so sánh khập khểnh về sự cống hiến,… trong đó có cố NS Bảo Thanh. Nhưng theo tôi thiết nghĩ, đối với khán giả Long An, cố NS Bảo Thanh rất xứng đáng là một Nghệ sĩ ưu tú,.../.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết