Tiếng Việt | English

06/10/2017 - 03:30

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Những mảng ghép Đồng Tháp Mười mùa lũ: Những điều trông thấy ở Hưng Điền B và Bình Phong Thạnh

Hưng Điền B - Thị tứ trên đồng bưng - Chạy xe trên Đường tỉnh 819 từ thị trấn Tân Hưng về đến trung tâm xã Hưng Điền B mất chừng một tiếng đồng hồ. Nhìn ra ruộng lúa sau mùa thu hoạch, anh bạn nhà báo kêu “chưa thấy lũ!”. Đến khu chợ xã Hưng Điền B như một thị tứ sầm uất trên sông nước, anh lại kêu: “30 năm trước, đây là cánh đồng hoang!”.

Vâng, 30 năm trước, tôi cũng đến nơi này khi người dân đi kinh tế mới vừa mới đến khai hoang, phục hóa trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Rồi những đợt lũ liên tiếp. Trên kênh 79 có từng dây xuồng cột vào nhau được chiếc xuồng máy đi đầu kéo từ miền Tây lên các gò đất cao trên vùng này với đồng nước ngập sâu như cái biển để dựng lều ở và đánh bắt thủy sản.

Hồi đó chưa nghe nói đến đập thủy điện trên sông Mêkông, mỗi năm, cứ đến kỳ, lũ lại dâng lên với lượng nước đủ lớn, phù sa và các loại thủy sản được gọi là “lộc trời” của sông Mêkông tràn xuống thật dồi dào.

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B - Nguyễn Vũ Linh vui vẻ tiếp chúng tôi. Ông cho biết, diện tích đất canh tác toàn xã có 8.100ha làm lúa 2 vụ ăn chắc, năng suất bình quân 5-6 tấn/ha/vụ. Số hộ khá và giàu chiếm trên 40%; số hộ trung bình chiếm 50%, còn lại chưa đến 10% là hộ nghèo. Số hộ có từ 10ha đất trở lên chiếm 15-20%. Những hộ có từ 50-100ha đất do họ tạo ra hồi còn trẻ khỏe: Trần Hùng Tráng, Lý Văn Hai,... nay về già, họ đem chia phần lớn cho con cháu. Xã có khoảng 40 hộ sản xuất cá tra giống với tổng diện tích hơn 120ha mặt nước. Hưng Điền B phấn đấu cuối năm 2017 đạt chuẩn xã văn hóa, năm 2018 đạt xã nông thôn mới và trở thành đô thị loại 5 vào năm 2020.

Nhà ở của nông dân Nguyễn Văn Thành 

Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Thành (Tư Thành) - cựu chiến binh đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi mà tôi quen biết từ lúc anh mới khởi nghiệp trên khu đất hoang cỏ ngập lút đầu ở chỗ rốn phèn cày lên… trái nổ ấy.

Với ý chí kiên cường của anh Bộ đội Cụ Hồ từng xông pha trận mạc, Tư Thành kiên trì cải tạo đất từ 10, 20, 30 rồi đến 50, 60ha,...

Đất cho lúa, lúa cho tiền, tiền mua sắm máy móc phục vụ lại sản xuất. Chẳng bao lâu, anh có trong tay từ máy làm đất đến máy thu hoạch, máy xay xát lúa gạo,...

Năm 2014, anh xây một tòa “biệt phủ” mà anh gọi “biệt thự vườn” tại ấp Kinh Cũ trên bờ kênh mới 79 qua trung tâm xã Hưng Điền B. Ở TP.Tân An, tôi chưa thấy có biệt thự nào đẹp lộng lẫy và sang trọng đến thế! Làm ruộng mà được như anh Tư Thành thật đáng ước mơ!

Bình Phong Thạnh - nông dân làm du lịch vườn - Đó là vợ chồng nông dân Trần Hoàng Anh (38 tuổi), đang sở hữu một trang trại gia đình 7ha đất qua nhiều năm làm lúa, trồng tràm mà không khá nổi. Năm 2013, anh chị quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ra sức đào đất đắp bờ bao khu đất, tổng diện tích mặt bờ 2ha rồi đi Tam Quan (Bình Định) mua 1.000 cây dừa giống về trồng trên bờ đất vừa làm cảnh, vừa chống sạt lở lại vừa có trái bán quanh năm.

Nông dân Trần Hoàng Anh với sản phẩm cá lóc nuôi 

Ngoài dừa, anh còn trồng hàng trăm bụi chuối sứ, hàng trăm bụi chuối già lùn và gần 1.000 gốc mai vàng. Nơi đào đất đắp bờ, anh biến thành ao sen với diện tích 1,5ha. Anh còn thuê máy đào tiếp một khu ao diện tích 1,5ha chia làm ao nuôi cá vồ đém, ao nuôi cá dứa, ao nuôi cá sặt bổi, ao nuôi cá tai tượng, cá rô,... Riêng ao ươm nuôi cá lóc đồng thì thông ra ao sen. Diện tích đất còn lại 2ha ở lõm giữa, anh dành trồng lúa. Khi cá lóc nuôi thành cá thương phẩm (bình quân 2-3kg/con) anh cho cá ra ruộng lúa sống với môi trường tự nhiên.

Thoạt đầu, anh đón một đoàn “câu thủ” ở TP.HCM đến câu. Cần câu máy chỉ rê một đường là dính cá ngay. Cá lóc to vùng vẫy thiệt dữ càng tạo cảm giác khoái trá, khiến câu thủ ai cũng mê. Cá câu được, đem cân, trả cho chủ 70.000 đồng/kg rồi ai muốn ăn món gì, chủ cá nấu món ấy cho ăn tại chỗ. Khách thích cá lóc nướng trui cuốn lá lộc vừng, lá tai tượng và lá sen non sẵn có, hoặc nấu cháo với nấm rơm. Cá lóc lớn, thịt dai, chấm muối tiêu chanh hay nước mắm nhĩ nguyên chất. Có người sau một buổi câu được mấy chục kilôgam.

Những ngày nghỉ lễ, có nhiều xe du lịch đưa khách đến cầu Bình Phong Thạnh, sẽ có người lái tắc ráng ra đón vào tận nơi câu cá. Dù vậy, khách vẫn chưa hài lòng vì cái nhà đón khách thật lớn, lót ván, mái lợp tole còn xập xệ. Hỏi sao không lợp lá dừa nước cho đẹp? chủ nhà nói do ở giữa đồng thường hay bị giông gió dễ làm tốc mái lá. Tôi góp ý, nên nhờ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng để họ có cách thiết kế; không gì là không thể!

Theo chủ nhà, năm 2017, với trang trại 7ha trên đây, không tính 2ha lúa, chỉ tính 5ha “chuyển đổi cơ cấu”, thu nhập từ cá 100 triệu đồng/ha; từ các loại trái cây 60 triệu đồng, nhân với 5ha là 800 triệu đồng/năm. Riêng gương sen mỗi tuần thu 2 triệu đồng cũng đủ tiền chợ. Chỉ ra khu trồng mai vàng, Trần Hoàng Anh nói: Mỗi cây mai hiện thời có giá bình quân 200.000 đồng; 1.000 cây ít gì cũng được 200 triệu đồng. Bài toán kinh tế do nông dân suy tính ngay trên mảnh đất của mình vào thời biến đổi khí hậu, thú vị đến thế!

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết