Tiếng Việt | English

11/12/2018 - 18:57

Những vùng quê “đáng sống”

Không còn những bỡ ngỡ của giai đoạn đầu phát động, chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ngày càng được người dân nhiệt tình hưởng ứng, hình thành nên môi trường “đáng sống” tại các vùng quê.

Giao thông nông thôn xã Hòa Phú được nhựa hóa, trồng cây xanh dọc hai bên đường

Giao thông nông thôn xã Hòa Phú được nhựa hóa, trồng cây xanh dọc hai bên đường

Vùng quê no ấm

Làng quê Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hôm nay đẹp tựa bức tranh quyến rũ lòng người. Đó là những cung đường nhựa phẳng phiu, hai bên đường, hoa mười giờ, chuông vàng khoe sắc. Xen lẫn những ruộng thanh long bạt ngàn là những ngôi nhà mới khang trang, minh chứng cho sự trù phú của một vùng quê. Ở đó, người dân không chỉ chăm lo cuộc sống gia đình mà còn chăm chút cho diện mạo nông thôn, chung sức xây dựng làng quê giàu, đẹp. 

Quệt những giọt mồ hôi vương trên gương mặt, ông Đinh Văn Út - nông dân ấp 4, xã Hòa Phú, cười hiền: “Hòa Phú bây giờ phát triển lắm! Đường sá được nâng cấp, mở rộng. Cuộc sống người dân khấm khá nhờ trồng thanh long, nhờ đó có điều kiện đóng góp XDNTM, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng,... Một số người xa quê nhiều năm, nay trở về Hòa Phú, ai cũng bất ngờ trước sự thay đổi của quê hương”. 

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành - Trương Văn Biết, kết quả từ XDNTM giúp bộ mặt nông thôn khởi sắc. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng nên kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Hầu hết các tuyến đường chính, liên ấp, liên xã đều được nhựa hóa, bêtông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tất cả hộ dân đều có điện, nước hợp vệ sinh để sử dụng, trong đó, trên 70% hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 50 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm còn 1,9%. Gần 6 năm XDNTM, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện hơn 1.500 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 459 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh 432 tỉ đồng; vốn ngân sách huyện 27 tỉ đồng; vốn ngân sách xã 5 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp 200 tỉ đồng; đặc biệt, người dân đóng góp gần 30% tổng số vốn với số tiền 430 tỉ đồng.

Vùng quê trù phú nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý

Vùng quê trù phú nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý

Trong XDNTM, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình khu vườn kiểu mẫu tại xã Thanh Phú là cách làm sáng tạo của huyện Bến Lức trong XDNTM. Chỉ hơn 100m2 đất vườn, gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩ, ngụ ấp Thanh Hiệp, cải tạo để thực hiện khu vườn kiểu mẫu. Lợi ích từ khu vườn chính là trồng các loại rau, vừa có thu nhập, vừa tạo cảnh quan môi trường. Việc làm của gia đình bà dù nhỏ thôi nhưng góp phần giúp địa phương đạt xã NTM nâng cao vào năm 2020.

Miền quê thay “áo mới”

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường khẳng định, từ chương trình XDNTM làm cho làng quê như khoác lên chiếc “áo mới”. Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Các đơn vị tập trung sản xuất, đời sống vật chất, văn hóa trong cộng đồng dân cư ngày càng nâng lên. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng nông thôn: Điện, đường, trường, trạm,... được các địa phương đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn. Các thiết chế văn hóa nâng cao hiệu quả hoạt động, trường học đạt chuẩn, công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở được quan tâm,...

Không chỉ phát triển sản xuất nông hộ, những mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được hình thành. Đặc biệt, tại Cần Đước, huyện đang chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất cộng đồng dân cư. Theo đó, mỗi địa phương tùy vào điều kiện phù hợp có thể chọn một sản phẩm chủ lực, một mô hình đặc trưng riêng. Đó có thể là lạp xưởng, bánh in, các làng nghề truyền thống, ngành đóng tàu, các ngành mộc,... hoặc đó là mô hình sáng, xanh, sạch, đẹp; thu gom, xử lý rác thải;... hình thành nên những khu dân cư kiểu mẫu trong tương lai.

Người dân nông thôn vui với cuộc sống thường ngày

Người dân nông thôn vui với cuộc sống thường ngày

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm cho biết, qua XDNTM, hạ tầng KT-XH của các xã trên địa bàn tỉnh được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây mới khá đồng bộ. Bộ mặt nông thôn ngày càng sạch, đẹp, văn minh. Điều kiện sống, đi lại, học tập, sinh hoạt của người dân nông thôn thuận lợi, hiệu quả hơn. Các nhu cầu về điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển, người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, áp dụng trong học tập, lao động, sản xuất,...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong XDNTM, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, trọng tâm là thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và các hình thức tổ chức phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường giải quyết đầu ra cho nông sản, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh cho XDNTM; huy động vốn tín dụng để phát triển sản xuất, dịch vụ, đời sống, đẩy mạnh vận động đóng góp tài trợ của tổ chức, cá nhân,...

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết