Tiếng Việt | English

08/11/2024 - 19:58

Phát hiện ngỡ ngàng: Ăn phân giúp nhiều loài động vật phát triển khỏe mạnh hơn

Hành vi ăn phân được coi là một chiến lược sinh tồn tự nhiên mà một số loài động vật hoang dã tận dụng để làm nguồn bổ sung dinh dưỡng và giúp tăng cường hệ tiêu hóa.

Một con kền kền ăn phân chó hoang châu Phi ở Công viên quốc gia South Luangwa của Zambia (Nguồn: Nature Picture Library)

Mặc dù phân được coi là thứ không sạch sẽ nhưng đây lại là thức ăn bình thường của nhiều loài động vật.

Các nhà khoa học đã quan sát thấy loài hươu ăn phân voi, chó và vượn cáo ăn phân người và kỳ nhông ăn phân dơi. Ở dãy núi Sierra de Guara của Tây Ban Nha, dê cái ăn phân chim, trong khi ở Brazil, chuột và chồn túi tìm ăn phân của rái cá.

Trong một nghiên cứu ở Tanzania, các nhà khoa học phát hiện kền kền thích phân sư tử giàu protein hơn là xác chết mới. Theo quan sát của các nhà tự nhiên học, sư tử chưa đi quá 10 mét từ bãi phân thì một số kền kền đã lao xuống đất và tranh nhau nuốt phân.

Vậy tại sao hành vi ăn phân lại phổ biến trong thế giới động vật? Phân không phải là chất thải vô dụng, mà thường chứa calo và chất dinh dưỡng có giá trị mà vật chủ không hấp thụ.

Phân có thể giúp động vật hấp thụ thêm calo khi nguồn thức ăn thông thường của chúng bị hạn chế hoặc hấp thụ các chất dinh dưỡng khó có được trong chế độ ăn thông thường của chúng. Phân cũng có thể chứa vi khuẩn đường ruột giúp tăng cường hệ tiêu hóa, giống như một loại men vi sinh hoang dã.

Nhà sinh thái học Hannah Rempel tại Đại học Texas cho biết phân có thể có “nhiều vai trò đa dạng" đối với động vật hoang dã.

Một nguồn dinh dưỡng bổ sung từ phân

Nhiều loài thỏ ăn phân của chính chúng để tiêu hóa lại thức ăn, chiết xuất thêm các chất dinh dưỡng còn sót lại trong quá trình tiêu hóa nhanh lần đầu.

Một con thỏ núi ở Công viên quốc gia Cairngorms của Scotland ăn phân của chính mình, một nguồn dinh dưỡng quan trọng trong mùa Đông (Nguồn: National Geographic)

Khi thức ăn khan hiếm, một số loài, như tuần lộc ở Na Uy, ăn phân ngỗng trong mùa Hè ngắn ngủi ở Bắc Cực. Vào mùa Đông, loài pika cao nguyên ở Tây Tạng ăn phân của bò Tây Tạng.

Nhà sinh thái học Xavier Lambin tại Đại học Aberdeen ở Anh cho biết có thể vì những lý do tương tự mà loài cáo đỏ ở Công viên quốc gia Cairngorms của Scotland thường ăn phân của những con chó đi dạo trong khu vực này, bằng chứng là sự hiện diện của DNA chó trong phân cáo.

Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp cho thấy phân cáo đặc biệt có nhiều DNA chó vào những năm mà con mồi thường xuyên của loài cáo - chuột đồng - khan hiếm.

Phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy phân chó rất bổ dưỡng, có hàm lượng calo tương tự như đậu gà nấu chín.

Vitamin biển

Trong khi lặn qua các rạn san hô xung quanh Bonaire, nhà sinh thái học Rempel quan sát thấy những con cá bác sỹ và cá vẹt lao về phía những viên phân mà cá mú nâu thải ra.

Cô và các đồng nghiệp đã đếm được rằng gần 85 phần trăm phân cá mú nâu đã trở thành thức ăn cho các loài cá khác, phần lớn là cá vẹt và cá bác sỹ.

Phân của loài cá mú trở thành nguồn thức ăn bổ sung cho cá bác sỹ và cá vẹt (Nguồn: Nature Picture Library)

Cá bác sỹ và cá vẹt thường ăn tảo, loại thức ăn tương đối nghèo các chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết cho sự sống, chẳng hạn như canxi, phốt pho và kẽm. Tảo cũng ít protein, mặc dù cá cũng tiêu thụ một số vi khuẩn lam chứa protein và mùn bám trên tảo.

Nhưng cá mú nâu, loài ăn sinh vật phù du, thải ra phân chứa đầy protein cũng như các chất dinh dưỡng vi lượng. Do đó, những viên phân này như một loại chất bổ sung dinh dưỡng hoặc "vitamin biển" cho cá.

Ăn phân giúp đường ruột khỏe mạnh

Barbara Drigo, một nhà sinh thái học vi sinh vật tại Đại học Nam Australia, nhận định đối với nhiều loài chim, việc ăn phân cũng cung cấp vi khuẩn đường ruột có lợi.

Logic này tương tự như việc cấy ghép phân ở người, trong đó chiết xuất phân chứa vi khuẩn từ những người khỏe mạnh giúp cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột ở những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định.

Drigo tin rằng khi đến một khu vực mới, một số loài chim di cư có thể ăn phân của các loài chim địa phương để có được vi khuẩn đường ruột giúp chúng tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn từ môi trường mới.

Những con chim non thường ăn phân của bố mẹ nhằm cung cấp cho chúng vi khuẩn cần thiết để xử lý các nguồn thức ăn địa phương.

Những con đà điểu con phát triển khỏe mạnh và có đường ruột khỏe mạnh hơn nhờ ăn phân từ đà điểu bố mẹ (Nguồn: National Geographic)

Trong một thí nghiệm với những chú đà điểu con nuôi nhốt tại một cơ sở nghiên cứu ở Nam Phi, những chú đà điểu được cho ăn phân của bố mẹ có hệ vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn và trưởng thành nhanh hơn so với những con đà điểu được nuôi mà không ăn phân.

Ở độ tuổi tám tuần, những con đà điểu được cho ăn phân nặng hơn gần 10% và ít gặp nguy cơ tử vong vì bệnh đường ruột hơn. Điều này cho thấy việc cho hệ thống miễn dịch tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn đường ruột có lợi cho sức khỏe.

Lợi ích và nguy cơ của hành vi ăn phân

Tuy nhiên, ăn phân cũng đi kèm với rủi ro. Ví dụ, phân chim có thể chứa các hóa chất nguy hiểm từ nước thải, thuốc trừ sâu hoặc các hợp chất có hại khác do con người tạo ra.

Ăn phân cũng có thể khiến động vật mắc bệnh, ký sinh trùng đường ruột hoặc vi khuẩn có hại.

Nhưng ít nhất trong môi trường tự nhiên, lợi ích của việc ăn phân có thể lớn hơn rủi ro đối với nhiều loài động vật.

Hệ tiêu hóa của động vật có khả năng chống chọi và phục hồi tốt hơn nhiều so với hệ tiêu hóa của con người trước bệnh tật, ký sinh trùng và vi khuẩn có hại.

Trong khi đó, nhà khoa học Lambin cho rằng có lẽ con người đã tiến hóa để thấy phân vốn đã ghê tởm nên chúng ta sẽ không ăn phân và bị bệnh./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-ngo-ngang-an-phan-giup-nhieu-loai-dong-vat-phat-trien-khoe-manh-hon-post992062.vnp

Chia sẻ bài viết


Tổng kho tủ hấp cơm Quang Huy Plaza