Tiếng Việt | English

17/06/2022 - 15:55

Rộn ràng nhạc kịch cho thiếu nhi

Trong mùa hè này, vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi Ông lão đánh cá và con cá mập ra mắt khán giả tại Hà Nội. Cùng với đó, tại TP.HCM, vở nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký bản hoàn chỉnh dự kiến được công diễn vào mùa thu đông năm nay.

Ông lão đánh cá và con cá mập công diễn lần đầu tiên vào tối 1.6 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội). Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng nhưng được phát triển với nội dung mới, vở nhạc kịch chuyển tải thông điệp ý nghĩa theo cách nhẹ nhàng, dí dỏm, đã hấp dẫn cả khán giả nhí lẫn người lớn.

Hình ảnh trong vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập

NSX

Sau 2 đêm diễn đầu tháng 6, Ông lão đánh cá và con cá mập tiếp tục đến với khán giả vào cuối tháng 6 và trong tháng 7. “Âm nhạc của vở diễn được sáng tác mới hoàn toàn”, bà Hồng Nhung, nhà sản xuất vở nhạc kịch, cho biết. Theo ông Đinh Tiến Dũng, tác giả kịch bản và cũng là người tham gia vào phần âm nhạc của vở diễn, mỗi nhân vật có tính cách khác nhau, bởi vậy từng nốt nhạc, lời hát phải được chăm chút cho phù hợp.

Sau khi ra mắt phiên bản hòa nhạc vào cuối năm 2018 và tái diễn giữa năm 2019, nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký (âm nhạc và lời hát: Việt Anh, kịch bản văn học: Việt Anh - Trần Nhật Minh) của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) dự kiến sẽ công diễn bản hoàn chỉnh vào mùa thu đông năm nay.

Với bản hoàn chỉnh, có thể nói, Dế mèn phiêu lưu ký là vở nhạc kịch VN được dàn dựng đúng nghĩa broadway (loại hình sân khấu kết hợp kỹ xảo, nghệ thuật thị giác của sân khấu hiện đại với nghệ thuật nhạc kịch được phổ thông hóa). Tác phẩm là sự kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian VN và cả nhạc cổ điển. Đây cũng là vở nhạc kịch hiếm hoi hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi tại TP.HCM.

Cần đầu tư dài hơi

Mặc dù nhà sản xuất vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập không tiết lộ kinh phí đầu tư, nhưng dễ thấy việc thực hiện một vở nhạc kịch tốn kém hơn so với vở diễn thuộc loại hình khác cũng dành cho thiếu nhi. Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc khó hơn là một ê kíp người lớn phải làm sao tạo ra tác phẩm hấp dẫn khán giả nhí. “Ngay như từng câu chữ trong vở diễn, chúng tôi cũng phải lựa chọn cho dễ hiểu và phù hợp trẻ con”, ông Dũng nói.

NSƯT Trần Ly Ly từng tham gia thực hiện vở nhạc kịch cho thiếu nhi Peter và chó sói, đảm nhận vị trí cố vấn nghệ thuật cho Ông lão đánh cá và con cá mập, thừa nhận: “Làm cho trẻ em không dễ”, nhưng không thể không làm vì “chúng ta luôn khát khao sân chơi nghệ thuật cho trẻ em”.

“Tôi phải đối diện với vấn đề của chính con mình, hay của chính con của những người bạn tôi. Các con bị thiếu nhiều chương trình mang tính văn hóa, giải trí. Chẳng hạn, con tôi thích ca hát, nhảy múa, nhưng lại phải xem những cái không hợp tuổi. Bởi vậy, tôi nghĩ đến lúc phải làm và phải làm luôn”, bà Hồng Nhung lý giải. Nhà sản xuất đang thực hiện vở diễn tiếp theo dành cho học sinh cấp 2.

Anh Nguyễn Tân, đại diện truyền thông của HBSO, cho rằng có 2 vấn đề khó khăn dẫn đến việc rất ít có tác phẩm thuộc loại hình giải trí này. Một là kịch bản; hai là việc triển khai phần âm nhạc cũng rất kỳ công. Ngoài ra, khâu dàn dựng, kinh phí cho nhạc kịch không hề nhỏ. Thế nên ngay cả một vở nhạc kịch đúng nghĩa đã là hiếm rồi chứ khoan nói đến chuyện dành riêng cho thiếu nhi, bởi nó là tác phẩm lớn nhất trong mọi thể loại.

Với góc nhìn khác, nhạc sĩ Đức Trí cho biết: “Lớp trẻ được xem nhạc kịch của Anh, Mỹ rất thích vì hấp dẫn, và các bạn nóng lòng muốn có một nhạc kịch nội địa. Nhưng chúng ta cần hiểu một điều, giống như khi ta ra nước ngoài có tàu điện ngầm, chúng ta cũng mơ mình sẽ có; nhưng để có tàu điện chúng ta phải mơ gần 20 năm. Đó là những cái ta sờ, thấy được, chưa nói đến văn hóa - lĩnh vực càng khó khăn hơn nhiều”.

Theo anh: “Nhà quản lý, người làm trong lĩnh vực nào cũng sẽ phải luôn hướng đến những nơi phát triển để học tập và xây dựng nền tảng cho VN, chứ không phải tự dưng muốn có thì đem về là được”. Anh ví dụ: “Chúng ta ước mơ có dàn nhạc giao hưởng thì đâu thể cứ thuê nhạc công ở nước ngoài về diễn là được, vì khi họ về nước thì sẽ thế nào? Muốn có dàn nhạc, sinh viên ở các nhạc viện phải tốt từ cốt lõi. Vậy thì, nhạc kịch hay bất cứ ngành nghề nào, cũng sẽ phải đi theo sự phát triển tự nhiên của xã hội để tới lúc tự nhiên nó có thể thì sẽ có, chứ không phải nhìn các nước phát triển lâu đời rồi mơ. Mơ thì vẫn cứ mơ nhưng nếu chúng ta không làm gì thì sao có thể thành hiện thực”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận, sản xuất nhạc kịch dành cho thiếu nhi là việc cần có trong đời sống nghệ thuật. “Nhạc kịch là loại hình nghệ thuật tổng hợp kết hợp từ sân khấu, âm nhạc, nhảy múa,… Những vở diễn góp phần tạo thế giới quan về nghệ thuật, nhận thức thẩm mỹ nghệ thuật cho các em tốt hơn”, ông Long nói và cho rằng, việc thưởng thức nghệ thuật, trong đó có nhạc kịch, trong tương lai cần được nằm trong số những hoạt động chính quy của trường học./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích