Từ Nghị quyết Quang Trung...
Giữa bối cảnh đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 17/7/1966, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng đến đồng bào cả nước: “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”; và Người nêu chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Phát huy truyền thống, sáng tạo không ngừng để xây dựng quê hương, mang đến cho người dân những mùa xuân hạnh phúc. Ảnh: Hữu Tuấn
Ngày 20/01/1968, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (khóa III) thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, nhận định xu thế tình hình cả năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự bị động, hạ quyết tâm chiến lược, xác định hướng tiến công và mục tiêu chiến lược là “đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”. Hội nghị cụ thể hóa 3 mục tiêu chiến lược: Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy...; Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mỹ; Trên cơ sở đó đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ chịu thua ở miền Nam, chấm dứt hành động chiến tranh với miền Bắc. Hội nghị cũng dự kiến 3 khả năng: Ta thắng, địch thua, kết thúc chiến tranh; Ta thắng ở nhiều nơi, địch củng cố lực lượng, chiến tranh tiếp tục; Mỹ sẽ tăng lực lượng, mở rộng chiến tranh cả miền Bắc, Lào, Campuchia. Hội nghị kết luận: Dù thế nào, cũng tiến công cho đến thắng lợi hoàn toàn. “Hội nghị Trung ương 14” được xem là hội nghị hạ quyết tâm chiến lược, khẳng định phương pháp, hướng tiến công, mục tiêu chiến lược, dự kiến các khả năng. Nghị quyết Hội nghị còn được gọi theo mật danh là Nghị quyết Quang Trung.
Đến trận Mậu Thân oai hùng
Sự chuẩn bị và đòn nghi binh
Phía địch, cuối năm 1967, Mỹ cố gắng can thiệp quân sự ở mức cao nhất, tập trung ở miền Nam: 40% sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu của nước Mỹ, 30% lực lượng không quân chiến thuật, gần 50% máy bay ném bom chiến lược B52 (196/400 chiếc), 1/3 lực lượng hải quân; tổng số quân Mỹ - ngụy và chư hầu: 1.089.000, gồm 22 sư đoàn, 17 trung đoàn, 278 tiểu đoàn.
Phía ta, thực hiện quyết tâm chiến lược “đánh cho Mỹ cút” theo chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy miền, các chiến trường gấp rút bắt tay chuẩn bị cho Tổng công kích - tổng khởi nghĩa (chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến, phương án phát động quần chúng, tổ chức hậu cần, tiếp tế, thông tin liên lạc, cơ sở ém quân, bàn đạp vùng ven ở khắp các đô thị. Tại Sài Gòn - Gia Định, trước đó, các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh trực tiếp về chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch). Trung ương điều đồng chí Hoàng Văn Thái vào làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền. Đồng chí Phạm Hùng (Bí thư Trung ương cục), sau Hội nghị 14, gặp riêng từng bí thư tỉnh ủy giao nhiệm vụ. Mỗi tỉnh chỉ một người biết rõ “Giờ G, ngày N” - thời điểm nổ súng đồng loạt tấn công. Đến trước ngày nổ súng, phía ta có 7 sư đoàn quân giải phóng, 15 trung đoàn, 50 đại đội và 55 tiểu đoàn địa phương. Từ thế đứng chân ở rừng núi, lực lượng chủ lực cơ động áp sát đô thị. Đến tháng 10/1967, Sài Gòn và vùng xung quanh đã tổ chức thành 6 phân khu; nội thành Sài Gòn đã bí mật xây dựng Đoàn biệt động F100, lập được 19 lõm căn cứ sát mục tiêu địch, 325 gia đình cơ sở, 400 điểm ém quân, 12 kho vũ khí ở sát nội đô. Long An trong tổ chức đội hình Phân khu 2 và Phân khu 3 làm nhiệm vụ vận tải 200 tấn hàng từ Ba Thu về phân khu và sẽ là bàn đạp của 2 trong 5 mũi tiến công vào Sài Gòn, lúc này đang bổ sung hơn 5.000 thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang.
Để tạo bí mật bất ngờ làm địch phân tán lực lượng, Bộ Chỉ huy miền cho duy trì “chiến sự” ở Bình Long, Phước Long, mở chiến dịch Đắc Tô 1 ở Bắc Tây Nguyên (từ ngày 03 - 22/11/1967); đưa 4 sư đoàn bộ binh, 5 trung đoàn pháo, 3 trung đoàn phòng không, 2 tiểu đoàn xe tăng hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên khiến địch nhận định “nhiều khả năng cộng sản tập trung lực lượng để tạo ra một cái giống như Điện Biên Phủ ở Khe Sanh và chiếm lấy 2 tỉnh ở phía Bắc”. Để củng cố thêm nhận định sai lầm trên của địch, ngày 20 đến 27/01/1968, ta nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ đường số 9; trước đó, ngày 12/01/1968, bộ đội ta phối hợp Lào mở chiến dịch Nậm Bạc ở Thượng Lào. Chiến dịch Khe Sanh làm Mỹ hoảng hốt, Jonhson phải lệnh cho Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá: 40% tiểu đoàn chiến đấu Mỹ gần như lập tức dồn về khu vực Trị Thiên.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến chiến trường và cân nhắc thận trọng, ngày 21/01/1968(1), Bộ Chính trị chính thức quyết định thời gian bắt đầu cuộc tiến công vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân.
Diễn biến chính của cuộc tổng tiến công
Trước tết, Nha Khí tượng Thủy văn miền Bắc công bố lịch mới, theo đó, Tết Nguyên đán Mậu Thân sớm hơn 1 ngày so với lịch cũ. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị lui cuộc Tổng tiến công lại 1 ngày để thống nhất hành động “Giờ G” trên toàn chiến trường. Tuy nhiên, ở Tây Nguyên và Khu 5, quân ta đã ém sẵn, không thể rút ra hoặc giấu quân tại chỗ an toàn được nên đề nghị cho nổ súng vào đêm 28 rạng 29-01-1968 (tức đêm 29 tháng Chạp, Đinh Mùi) trước Tết Giao thừa (theo lịch miền Nam) 1 ngày. Do vậy, chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Nha Trang, Quy Nhơn, Huế nổ súng trước 1 ngày so với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Khánh Hòa là tỉnh nổ súng sớm nhất: 23 giờ, ngày 28/01/1968, pháo ta bắn vào Trung tâm Huấn luyện hải quân ngụy ở Nha Trang; 0 giờ, ngày 29/01/1968, ta tiến công Tuy Hòa (Phú Yên). Tiếp đó, đồng loạt miền Trung nổ súng - gồm các tỉnh: Kon Tum, Đăk Lăk, Pleiku (Gia Lai), Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam,...
Đêm 30 rạng 31/01/1968, quân - dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn chiến trường miền Nam, gồm 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay, gần 100 cơ sở hậu cần của địch - trong đó có các trận tấn công gây chấn động lớn: đánh Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn, Tòa đại sứ Mỹ, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trại thiết giáp Phù Đổng,... Ở Huế, quân - dân ta tấn công 40 mục tiêu và làm chủ 25 ngày đêm (tại đây, có 11 nữ chiến sĩ dùng lựu đạn, tiểu liên chống chọi với 1 tiểu đoàn Mỹ, diệt 120 tên).
Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, tại trung tâm các tỉnh: Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Tân An, Kiến Tường,... các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn đều bị tấn công.
Ở mặt trận Trị Thiên, ta tấn công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Tòa Tỉnh trưởng, cơ quan Bình định, trụ sở MACV, Thành cổ, La Vang, điểm cao 49, bao vây các quận lỵ, cắt đứt Quốc lộ 1, đánh trúng nhiều cơ quan đầu não địch.
Cuộc tổng tiến công diễn ra trong 3 đợt (đợt 1, từ đêm 30 rạng 31/01 đến 28/02; đợt 2, từ 0 giờ 30 ngày 05/5 đến 18/6; đợt 3, từ 17/8 đến 30/9/1968) nhưng nhìn chung, đợt 1 được xem là đỉnh cao: Chỉ trong 24 giờ, toàn bộ đô thị an toàn nhất của địch bị tấn công, hậu phương địch bỗng chốc trở thành tiền tuyến nóng bỏng nhất.
Mũi thọc sâu và gây tiếng vang nhất là trận đánh Tòa đại sứ Mỹ (số 19 đường Thống Nhất, quận Nhất) của Đội Biệt động 11, do đồng chí Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy, 16 chiến sĩ hy sinh, 1 đội trưởng bị thương nặng và bị bắt sau khi gây cho địch tổn thất. Trận đánh Dinh Độc Lập kéo dài 24 giờ của Đội 5 Biệt động, do đồng chí Ba Thanh chỉ huy diệt 2 xe Jeep và hàng chục tên địch; đội 15 đồng chí, hy sinh hơn một nửa, có Chín Nghĩa bị đạn bắn lủng bụng vẫn tự nhét ruột vào, quấn vải tiếp tục chiến đấu; có Hai Thanh trước đó tự đâm mù mắt để làm nhiệm vụ và hy sinh anh dũng (cả đội sau đều được phong Anh hùng),...
Ở Long An, Kiến Tường trong Mậu Thân, hơn 1.100.000 đảng viên và quần chúng ưu tú trực tiếp tham gia chiến dịch. Trước đó, 500 đảng viên của Long An được điều vào nội thành Sài Gòn; 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Hậu Nghĩa) đã huy động 1.200 dân công hoàn thành vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí phục vụ các mũi tiến công của Phân khu 2 và Phân khu 3. Đợt 1, các cánh quân của ta tiếp cận được tất cả các mục tiêu, thọc sâu tới Tòa đại sứ Mỹ, Sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Bàn Cờ, Chợ Thiếc; đặc biệt đợt 2, Tiểu đoàn 1 Long An do Trương Công Xưởng chỉ huy đánh chiếm đầu cầu Chữ Y, chống chọi ác liệt 7 ngày đêm liền với 1 lữ đoàn và 1 tiểu đoàn quân Mỹ, diệt 1 đại đội Mỹ ở cầu Mật; ngày 10/5/1968, Tiểu đoàn 1 đánh bại cuộc phản kích lớn của quân Mỹ, diệt hơn 200 tên, bắn cháy 4 xe M113, 1 máy bay lên thẳng,... Ở Kiến Tường, ngay trong đêm 30 rạng 01 Tết Mậu Thân, quân - dân ta tiến công tỉnh lỵ, đánh vào Dinh Tỉnh trưởng, diệt khoảng 100 tên địch; tại đây, đồng chí Tám Vân (tức Đinh Viết Cừu - Trưởng ban Chính trị Tỉnh đội) chỉ huy chiến đấu ngoan cường và cùng 86 cán bộ, chiến sĩ, dân công hy sinh anh dũng tại cửa Đông, thị xã Mộc Hóa. Ngày 10/3/1968, Tiểu đoàn 504 Kiến Tường tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn biệt kích “Trâu Điên” bên kinh Nguyễn Văn Trỗi (ngọn Sông Trăng, xã Hưng Điền). Trong đợt 2 ở nội đô Sài Gòn, Phân khu 2 và 3 góp phần loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 cảnh sát dã chiến (trên tổng số 22.000 tên); có Tiểu đoàn 6 Bình Tân - Trung đoàn 31 Phân khu 2 do Trung đoàn trưởng - Võ Văn Hoàng (Nguyễn Văn Điều) chỉ huy chiến đấu liên tục 12 ngày đêm và hy sinh đến người cuối cùng vào ngày 07/6/1968; có nữ trinh sát Võ Thị Tâm trụ lại ở 128 đường Ngô Nhân Tĩnh, quận 5 - noi gương Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, vượt vòng vây ác hiểm của địch trở về, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,...
Ở chiến trường Long An - Kiến Tường, cùng với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và hy sinh anh dũng, còn có chiến sĩ - nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh ngày 24/5/1968 ở Phước Lợi, khi mới 28 tuổi, được đồng đội - nhà văn Lê Văn Thảo - đưa từ hầm lên, anh kịp để lại cho lịch sử Mậu Thân bài thơ bất tử “Dáng đứng Việt Nam” tạc vào thế kỷ - một hình ảnh thật từ nguyên mẫu người chiến sĩ Phân khu 2 trên đường băng Tân Sơn Nhất trong đợt 1 Mậu Thân,...
Kết quả sau các đợt tổng tiến công, quân - dân ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch (hơn 4 vạn Mỹ), phá tan 600 ấp chiến lược, bức rút, bức hàng trên 700 đồn, bót, giải phóng 100 xã và 1,6 triệu dân. Phía ta, hơn 11 vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng vạn quần chúng cách mạng ngã xuống. Địch sau đó phản kích dữ dội và chuyển sang “quét giữ”. Tuy nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đạt hiệu quả lớn là tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh, làm đào rã ngũ hơn 20.000 ngụy quân - ngụy quyền ở nhiều vùng nông thôn, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ - ngụy trên quy mô toàn miền; và quan trọng nhất, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh.
Tổng tiến công Tết Mậu Thân làm bộc lộ một sự thật: Sức mạnh kinh tế - quân sự của Mỹ là có giới hạn, làm cho chính giới Mỹ phân hóa sâu sắc. Trận Mậu Thân giáng một đòn chí mạng vào đế quốc Mỹ và tay sai, tạo chấn động dư luận cả nước Mỹ và thế giới, mở ra cục diện mới về đấu tranh ngoại giao.
Ngày 28/02/1968, Tổng Chỉ huy viễn chinh - Oét-mo-len xin Oa-sinh-ton 206.750 quân nhưng chỉ được “phê duyệt” 22.000 quân.
Ngày 01/3/1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Mácnamara từ chức.
Ngày 22/3/1968, Oét-mo-len bị cách chức Tổng tư lệnh. Abram lên thay.
Ngày 25/3/1968, Tổng thống Mỹ - Giôn-xơn và Bộ trưởng Quốc phòng mới - Clip-phớt triệu tập họp 14 quan chức cao cấp “am hiểu và khôn ngoan nhất” thì có tới 10/14 người tán đồng chấm dứt leo thang chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày 31/3/1968, Tổng thống Giôn-xơn đơn phương tuyên bố ngưng ném bom miền Bắc, chấp nhận cử đại biểu đến đàm phán ở Pa-ri; đồng thời, tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 1968-1972 (lần đầu tiên, một sự kiện ở nước ngoài chi phối số phận của tổng thống Hoa Kỳ); Mỹ chuyển sang chính sách “phi Mỹ hóa chiến tranh” ở Việt Nam.
Ngày 12/4/1968, Mặt trận Liên minh Dân tộc dân chủ và hòa bình ra đời ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 03/4/1968, Chính phủ ta tuyên bố “xác định việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Ngày 13/5/1968, bắt đầu cuộc nói chuyện “tay đôi” giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ tại Pa-ri (kéo dài 6 tháng, đến 31/10/1968); đến ngày 01/11/1968, Mỹ cam kết chấm dứt ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán “bốn bên” - sự kiện mở đường đi đến ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết: “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Ngay trong “thời điểm Mậu Thân”, tại Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh diễn ra rầm rộ ở 120 thành phố, lôi cuốn trên 2.000 trường học và hơn 200 tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ tham gia biểu tình. Nhà báo Mỹ nổi tiếng - Oantơ Lipman bình luận: “Lương tâm người Mỹ nổi giận... chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không được lòng dân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Vang mãi bản hùng ca
Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh dấu bước ngoặt quyết định để tiến tới ngày toàn thắng. Ngay từ tháng 8-1968, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta khẳng định, cuộc tổng tiến công Mậu Thân “đã mở ra cục diện mới của chiến tranh, tạo ra thế chiến lược mới, mặt trận mới, lực lượng mới, khả năng mới”(2). Bằng trận Mậu Thân, quân - dân cả nước đã giáng một đòn chí mạng vào lực lượng quân sự và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, vào hệ thống công cụ tay sai của Mỹ, đưa sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam lan khắp thế giới, làm đảo lộn thế chiến lược của địch và phá sản “Chiến tranh cục bộ”, buộc giới cầm quyền Mỹ xuống thang chiến tranh, ngưng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, mở ra khả năng cho cả nước thực hiện chiến lược “Đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Nó khẳng định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đúng đắn, sáng tạo: Đó là đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ, biết kéo Mỹ “xuống thang”, biết chủ động, gây tiếng vang, tranh thủ sự đoàn kết cả nước và sự ủng hộ của bầu bạn, quốc tế; khẳng định ý chí sắt đá của cả dân tộc ta: Quyếtgiải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng thắng lợi oanh liệt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, quân - dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, mở lối thoát cho quân Mỹ rút dần ra khỏi cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng lưu ý nhiều kinh nghiệm sâu sắc, đúng như Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta sau này nhận định: “Tết Mậu Thân (ta) thắng rất lớn, lớn nhất là đánh bại được ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh. Nhưng sau đó ta chuyển chậm, chủ trương tiếp tục các đợt tiến công vào đô thị khi không còn điều kiện là sai lầm về chỉ đạo chiến lược, để địch gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất”(3). Bài học sau Mậu Thân chỉ rõ: Cán bộ, bộ đội, nhất là lãnh đạo, chỉ huy phải luôn linh hoạt, sáng tạo, phải bám dân, gần dân, bảo vệ dân trong mọi hoàn cảnh để chống mưu sâu khốc liệt của “Việt Nam hóa chiến tranh” (nói như Đại tướng Lê Đức Anh “chưa thấy hết cái độc ác của đế quốc Mỹ - cái độc ác chưa từng có trong lịch sử” diễn ra sau Mậu Thân, để “địch gây cho dân và cơ sở nhiều tổn thất... là bài học xương máu”(4)).
50 năm nhìn lại, có biết bao công trình tổng kết, phân tích với nhiều góc độ khác nhau nhưng đều khẳng định: Ý nghĩa và bài học lịch sử của “Mậu Thân” vẫn giữ nguyên giá trị. Với mỗi người Việt Nam yêu nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi được ghi tạc vào lịch sử dân tộc ta như một tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, nó nhắc nhở truyền thống bất khuất, Uống nước nhớ nguồn, tinh thần cách mạng sáng tạo và tiến công, biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại theo chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN!
Long Thái
1. Theo báo Nhân Dân, số tháng 01/1998, bài của Trịnh Ngọc Nghi – Viện Lịch sử Quân sự.
2. Những sự kiện Lịch sử Đảng, tập III,1976, tr.424.
3. Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 215 BBK/BCT “Về dự thảo tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ”, H, 06/5/1994.
4. Báo Nhân Dân, số 19140, ngày 11/01/2008, tr.4; bài của Đại tướng Lê Đức Anh – Suy nghĩ về chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968.