Phải cần cù, am hiểu đặc tính của ong
Nuôi ong là một nghề khá vất vả, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, người nuôi ong còn phải áp dụng đúng kỹ thuật, am hiểu đặc tính con ong. Đặc biệt, người nuôi cần có kinh nghiệm để biết những vùng có các loại cây trái, thời điểm cây ra hoa để kịp thời di chuyển đàn ong đến.
Kinh tế gia đình ông Bo ổn định nhờ nuôi ong
Ông Võ Văn Bo, quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có thâm niên nhiều năm nuôi ong mật, chia sẻ: “Quê tôi có khá nhiều hộ nuôi ong vì có nhiều vườn cây ăn trái, vợ chồng tôi "bén nghề" đã hơn 15 năm. Nghề này đòi hỏi người nuôi phải quen với không gian tĩnh lặng, hạn chế đèn điện, tiếng ồn. Có năm, chúng tôi phải di chuyển thùng ong ra tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc”.
Hiện, vợ chồng ông Bo ít di chuyển theo mùa hoa, chỉ tập trung nuôi ong tại khu vực giáp ranh Khu Công nghệ Môi trường xanh, xã Tân Long, huyện Thủ Thừa vì nơi đây có rừng tràm rộng lớn. Ngoài ra, ông cũng đến vùng trồng thanh long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An và huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Hiện, vợ chồng ông hàng ngày đều có thu nhập từ việc bán mật ong ven ĐT 818, gần khu nuôi ong hơn 200 thùng của gia đình.
Ông Bo nhẩm tính, vào mùa hoa tràm nở rộ (mùa khô), trung bình một tháng mỗi thùng ong quay mật hai lần, mỗi lần hơn 1 lít, với 200 thùng ong, vợ chồng ông có thu nhập khá. Ngoài việc nuôi ong, ông Bo còn cung cấp thùng ong cho một số hộ trồng cây ăn trái, nhất là dưa lưới để hoa thụ phấn với giá 2 triệu đồng/thùng.
Người nuôi còn bán phấn ong, tổ ong và con nhộng để ngâm rượu
Theo bà Nguyễn Thị Ngoan, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, gần đây, mật ong, đặc biệt là mật ong hoa tràm có giá trở lại, được người tiêu dùng tin tưởng vì cây tràm không bị phun thuốc trừ sâu. Theo giá thị trường thời điểm tháng 4/2020, 1 lít ong mật hoa tràm mùa khô giá 300.000 - 500.000 đồng/lít, mùa mưa giá có giảm đôi chút; mật ong hoa nhãn giá từ 200.000 - 400.000 đồng/lít.
Ngoài mật ong, người nuôi còn bán phấn và tổ ong, con nhộng để ngâm rượu. Ngoài ra, một số hộ nuôi ong ký kết hợp đồng với các công ty dược để bán sản phẩm sữa ong chúa và sáp ong. Bà Ngoan cho biết thêm: “Gần đây, nhiều khách hàng tại TP.HCM rất chuộng phấn hoa từ tổ ong, ngoài ra, họ cũng tìm mua cả thùng ong để về nuôi”.
Quản lý chặt và khuyến khích, hỗ trợ nghề nuôi ong
Được biết, người nuôi ong khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh chủ yếu đến từ các tỉnh như Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng,… Số người ở tỉnh Long An nuôi ong, sử dụng ong để thụ phấn cũng tăng dần, nhất là ở huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa và Mộc Hóa.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi thông tin: “Cách đây 10 năm, địa phương cũng khuyến khích nông dân nuôi ong mật. Tuy nhiên, do diện tích rừng tràm tại địa phương ngày càng thu hẹp (chỉ còn hơn 1.000ha tại xã Tân Long). Hiện, ước tính tại huyện Thủ Thừa, số hộ nuôi ong chỉ còn dưới 10 hộ mà đa số từ nơi khác đến, Phòng NN&PTNT cũng khuyến cáo nông dân tăng cường nuôi ong, không xua đuổi người nuôi ong vì ong góp phần thụ phấn cho cây trồng, nhất là tại các khu - trang trại ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”.
Người nuôi ong ven đường giao thông che chắn để hạn chế ong bay ra đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Còn tại huyện Thạnh Hóa - nơi còn gần 9.000ha rừng tràm thì nghề nuôi ong có xu hướng phát triển. Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Nguyễn Kinh Kha cho biết: Theo ước tính sơ bộ, toàn huyện có hơn 50 hộ nuôi ong, trong đó có nhiều hộ dân địa phương. Đặc biệt, có Cơ sở nuôi ong Quang Vinh đã đăng ký sản phẩm tiêu biểu của thị trấn Thạnh Hóa. Đây là cơ sở áp dụng công nghệ hút thủy phân từ khâu sơ chế mật ong nên sản phẩm có giá trị cao. Hiện, cơ sở thu hút khá nhiều lao động.
Phòng NN&PTNT huyện sẵn sàng phối hợp hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, con giống và vật tư trong nuôi ong; khuyến khích người nuôi ong thành lập tổ hợp tác để bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Phòng khuyến cáo người nuôi ong cặp tuyến quốc lộ, đường tỉnh phải có màng che bằng nhựa thưa để hạn chế ong bay ra đường gây mất an toàn giao thông.
Tại huyện Mộc Hóa, nghề nuôi ong cũng đang phát triển do điều kiện tự nhiên thuận lợi, một số nông dân cũng biết tận dụng thời gian để nuôi ong. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam, ven Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười tại thị trấn Bình Phong Thạnh và Làng nổi Tân Lập, cặp kênh 79 có 4 - 5 hộ nuôi ong mật, đa số là dân địa phương đang học tập nuôi ong. Ngoài ra, có khá nhiều hộ nuôi ong từ nơi khác đến vào mùa hoa tràm nở. Toàn huyện có gần 2.000ha rừng tràm, thích hợp phát triển nghề nuôi ong. Hướng tới, Phòng tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nghề nuôi ong để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An - Nguyễn Chí Thiện, qua theo dõi tình hình nuôi ong tại khu vực Đồng Tháp Mười, sắp tới, Sở phối hợp các hội nghề nghiệp quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong; khuyến khích nuôi ong an toàn và ứng dụng công nghệ cao nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời bảo tồn hệ sinh thái đa dạng trong nông nghiệp./.
Đỗ Lâm