Tiếng Việt | English

18/05/2021 - 10:43

Tham gia bảo hiểm xã hội - Đừng vội “hái trái non”

Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cá nhân nghĩ đến việc nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để trang trải khó khăn. Tuy nhiên, người tham gia BHXH nên nghĩ đến việc được hưởng lương hưu khi về già mà tiếp tục tham gia.

Người tham gia bảo hiểm xã hội đến lúc hưởng lương hưu được nhận nhiều quyền lợi và chính lương hưu là sự cam kết chắc chắn cho tuổi già an yên, không làm phiền đến con cháu và xã hội (Trong ảnh: Người tham gia BHXH nhận lương hưu/ trợ cấp tuất tại điểm chi trả)

Người tham gia bảo hiểm xã hội đến lúc hưởng lương hưu được nhận nhiều quyền lợi và chính lương hưu là sự cam kết chắc chắn cho tuổi già an yên, không làm phiền đến con cháu và xã hội (Trong ảnh: Người tham gia BHXH nhận lương hưu/ trợ cấp tuất tại điểm chi trả)

Chịu thiệt khi nhận Bảo hiểm xã hội  một lần 

Trong giai đoạn hiện nay, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân rơi vào tình trạng khó khăn. Tỷ lệ người nhận BHXH một lần có dấu hiệu tăng lên. Điều đó khiến người lao động (NLĐ) bị mất đi quyền lợi trong tương lai, tạo thành gánh nặng cho xã hội khi về già vì không có lương hưu.

Nếu nhận BHXH một lần, người tham gia BHXH sẽ mất rất nhiều quyền lợi. Sau khi hưởng BHXH một lần, NLĐ sẽ không còn trong hệ thống BHXH do Nhà nước tổ chức, thực hiện và bảo hộ và tất nhiên không còn cơ hội hưởng lương hưu, một nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Bên cạnh đó, số tiền BHXH mà NLĐ được nhận khi hưởng BHXH một lần sẽ ít hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Hưởng BHXH một lần nghĩa là NLĐ tự đánh mất cơ hội nhận bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí từ khi hết tuổi lao động đến cuối đời và người thân của NLĐ cũng mất cơ hội nhận trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất.

Trong khi đó, nếu duy trì tham gia BHXH đến khi được hưởng lương hưu thì NLĐ sẽ được bảo đảm về kinh tế, chăm sóc sức khỏe và các chế độ khác.

Người lao động có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại:

- Trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, huyện, thị xã, thành phố;

- Đại lý thu BHXH, BHYT của UBND xã, phường, thị trấn; bưu điện hoặc các hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,...);

- Gọi số điện thoại hotline: 1900 9068;

- Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bé (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) là cán bộ hưu trí, được nhận lương hưu đã nhiều năm và cảm thấy rất yên tâm, hài lòng về cuộc sống hiện tại của mình nhờ có BHXH. Bà Bé chia sẻ: “Có lương hưu, tôi thấy cuộc sống của mình thoải mái hơn. Tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí nên không phải lo lắng nhiều. BHXH bây giờ có nhiều chính sách hỗ trợ người nhận lương hưu nên tôi cũng yên tâm”.

Có thể thấy, với chế độ hưu trí (được hưởng lương hưu, cấp thẻ BHYT miễn phí), người tham gia BHXH được chăm sóc chu đáo từ sức khỏe đến kinh tế. Họ có thể chủ động hơn trong việc chi tiêu, luôn an tâm, không sợ thiếu thốn và lo lắng mình sẽ trở thành gánh nặng của con, cháu.

Bên cạnh chế độ hưu trí, người tham gia BHXH còn được hưởng nhiều chế độ khác: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tử tuất. Điều đó giúp gia đình, thân nhân phần nào vượt qua khó khăn. Đối với những NLĐ là “trụ cột gia đình”, có nghĩa vụ nuôi dưỡng thành viên khác (theo đúng quy định) thì chế độ tử tuất được xem như “chiếc phao cứu sinh” giúp người thân trong gia đình vơi bớt khó khăn khi NLĐ chẳng may qua đời. Mức trợ cấp tuất được quy định nhận hàng tháng hoặc một lần, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Có thể thấy, người tham gia BHXH đến lúc hưởng lương hưu được nhận rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu là sự cam kết chắc chắn cho tuổi già an yên, không làm gánh nặng con, cháu và xã hội.

Nếu duy trì tham gia bảo hiểm xã hội đủ thời gian quy định thì người lao động sẽ được hưởng lương hưu, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và các chế độ khác (Trong ảnh: Bệnh nhân khám bệnh và nhận thuốc bằng thẻ bảo hiểm y tế tại bệnh viện)

Nếu duy trì tham gia bảo hiểm xã hội đủ thời gian quy định thì người lao động sẽ được hưởng lương hưu, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và các chế độ khác (Trong ảnh: Bệnh nhân khám bệnh và nhận thuốc bằng thẻ bảo hiểm y tế tại bệnh viện)

Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Ai cũng có thể có lương hưu 

Trong suy nghĩ của nhiều người, chỉ có người làm việc trong các cơ quan nhà nước mới có điều kiện hưởng lương hưu. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả lao động từ người bốc vác, chạy xe ôm đến tiểu thương mua bán ở các chợ,… đều có thể được hưởng lương hưu khi tham gia BHXH đủ thời gian quy định.

Đối với người tham gia BHXH bắt buộc khi thay đổi nơi làm việc có thể xác nhận thời gian đóng BHXH tại đơn vị cũ, tiếp tục đóng tại đơn vị mới hoặc đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ thời gian hưởng lương hưu theo quy định. Đối với những người từ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng hưởng BHXH bắt buộc có thể tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu sau này.

Khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi: Hưởng lương hưu khi về già, được cấp thẻ BHYT trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng từ 10-30%. Lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng. Nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu, người tham gia có thể nhận BHXH một lần. Và người thân người tham gia BHXH tự nguyện (không nhận BHXH một lần) còn được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất khi người thân qua đời. Đặc biệt, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để thụ hưởng những lợi ích mà chính sách này mang lại.

Có thể thấy, BHXH là một chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Bất cứ ai cũng có thể tham gia BHXH (bắt buộc/tự nguyện) và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể duy trì tham gia đến khi đủ thời gian nhận lương hưu. Khi về già, không còn sức lao động, lương hưu và BHYT miễn phí chính là chỗ dựa vững chắc cho người tham gia BHXH./.

Căn cứ khoản 2, Điều 67 Luật BHXH 2014, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm:

- Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, 55 tuổi trở lên đối với nữ;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, thành viên khác trong gia đình mà người lao động đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thúy Phương

Chia sẻ bài viết