Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Thầy giáo trẻ áo xanh

Những năm gần đây, một số hộ dân sinh sống nhiều năm ở Campuchia đã trở về cư trú trên khu vực biên giới. Cuộc sống họ khó khăn, vất vả, con cái không có điều kiện đến trường. Ở xã tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có 1 xóm việt kiều như thế. Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tuyên Bình đã tổ chức lớp học tình thương để xóa mù chữ cho các em.

Cuối giờ chiều, khi các đồng đội chơi thể thao và nghỉ ngơi thì 2 chiến sĩ Đoàn Thanh Bình, Ngô Trọng Thắng lại quân phục nghiêm chỉnh làm… thầy giáo. Hai “anh giáo trẻ áo xanh” chở nhau trên xe đạp đến trường khi trời sụp tối.

Thầy và trò trong lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Tuyên Bình tổ chức

Những người thầy không chuyên

Thanh Bình sinh ra và lớn lên ở huyện Thủ Thừa, tốt nghiệp lớp 12, anh nhập ngũ, mang theo mơ ước làm thầy giáo. Chính vì vậy, khi đơn vị chọn người dạy lớp học tình thương, Bình là người đầu tiên tình nguyện tham gia với tấm lòng yêu trẻ sẵn có của mình.

Còn với Thắng, anh bắt đầu công việc bằng sự tự nguyện phục vụ của một người lính. Thắng chia sẻ: “Mình thích làm bộ đội từ khi còn là học sinh tiểu học. Giờ là bộ đội, mình muốn được làm tất cả những gì có thể bằng nhiệt huyết tuổi trẻ”. Mỗi người một lý tưởng, một ước mơ, Bình và Thắng đã gặp nhau nơi lớp học tình thương dành cho con em Việt kiều Campuchia.

Trong câu chuyện của những học sinh lớp học tình thương trước giờ vào lớp, chúng tôi nghe được: “Hôm nay bán được nhiều vé số không, cắt được nhiều lục bình không,…?”. Nụ cười vẫn hồn nhiên, mặc dù các em đã phải từng ngày cùng cha mẹ “vật lộn” với cơm áo gạo tiền. Chắc đó cũng là lý do khiến Bình và Thắng, 2 chiến sĩ được đơn vị phân công phụ trách lớp, chưa một lần tới trễ hay bỏ lớp. Khi chúng tôi ghé thăm lớp, “thầy” Thắng sốt nhẹ, Thắng bảo cảm thấy “muốn bệnh” từ buổi trưa, nhưng chiều khỏe hơn nên tới lớp.

Đêm biên giới không trăng, cây cối rậm rạp bên đường lại khiến cho bóng tối thêm đặc quạnh, ánh sáng hắt ra từ hai phòng học lẻ loi ở Trường Tiểu học Tuyên Bình là những điểm sáng nhỏ trên vùng biên. Muỗi nhiều, thầy trò vừa dạy, vừa học, vừa khua chân đuổi muỗi. Vậy nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng động nào ngoài tiếng đánh vần và tiếng phấn miết trên mặt bảng.

Lớp học yêu thương

Khi các đồng đội đang chơi thể thao, đang nghỉ ngơi, đang tập trung xem thời sự thì Bình và Thắng chăm chú với từng cái chữ, con số cho những đứa học trò đặc biệt của mình. Trường học có 2 thầy giáo trẻ, 3 lớp với tổng số 23 học sinh. Em nhỏ nhất gần 10 tuổi, em lớn nhất 16 tuổi, tất cả ngồi với nhau học đánh vần, học tính cộng. Lớp 1 đông nhất có 13 học sinh, riêng lớp 2 có 2 học sinh.

Trình độ, tuổi tác và khả năng tiếp thu của các em khác nhau. Thầy dạy chữ, dạy cách dạ thưa, dạy cách đi đứng, nói năng,… Thầy vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là người thân của các em. Cả Bình, Thắng và những người thầy trước đó đều còn rất trẻ, họ tận tâm với những đứa em không ruột thịt, họ nhẹ nhàng giảng giải, trò chuyện để những đứa học trò của mình không còn cứng đầu, không còn mặc cảm, tiếp tục đến với cái chữ. Bình cho biết: “Các em dù mỗi đứa một cá tính, vào đời sớm nhưng khi đến lớp đều rất sợ thầy, ngồi im nghe giảng”. Bước vào lớp của Bình, chúng tôi khá bất ngờ khi các em đứng lên đồng thanh “Kính chào!” như một lớp học chính quy đầy nguyên tắc và kỷ luật. Chúng tôi hiểu, Bình, Thắng và cả những chiến sĩ trẻ khác từng làm “thầy giáo” ở lớp học tình thương này đã thành công.

Nói sao cho hết vất vả của những người thầy không chuyên nơi lớp học đặc biệt ở vùng biên giới này. Một bài, thầy phải dạy đi, dạy lại không biết bao nhiêu lần để trò nhớ, vì ngoài giờ lên lớp, các em không còn thời gian nào khác dành cho việc học. Trong câu chuyện, chúng tôi nghe Thắng nhắc tới một học sinh đã rời lớp theo cha mẹ về Tây Ninh: “Nếu em ấy có cơ hội được học hành đàng hoàng thì sẽ là một học sinảnh h xuất sắc. Em ấy rất thông minh, tiếp thu nhanh, hầu như bài mới em chỉ cần nhìn vào sách giáo khoa tìm hiểu, không cần hướng dẫn”.

Có lẽ, chính những tình cảm đó đã khiến các chiến sĩ trẻ gắn bó với lớp học tình thương. Thiếu tá Đỗ Văn Long - Chính trị viên Đồn Tuyên Bình cho biết: “Lớp học tình thương được mở cách đây hơn 2 năm, hiện đang giao cho Đoàn Thanh niên tại đồn phụ trách. Tất cả chi phí sách vở đều do đồn vận động mạnh thường quân cho các em. Ngoài ra, đồn còn vận động hỗ trợ quà cho gia đình các em lúc cần thiết”.

Cứ thế, mỗi tối ở một góc biên giới, có những chiến sĩ trẻ âm thầm gieo chữ, gieo niềm tin, gieo hy vọng vào một tương lai mới cho những đứa trẻ chưa có giấy khai sinh, quốc tịch.

Phương Phương
 

Chia sẻ bài viết