Tiếng Việt | English

29/07/2015 - 09:21

Thu phí sử dụng đường bộ xe máy khó thực thi, hiệu quả thấp

Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy tại nhiều địa phương sau hơn 2 năm triển khai thu được kết quả không như mong muốn.

Tại kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân TP HCM khóa VIII diễn ra ngày 28/7, vấn đề thu phí sử dụng đường bộ trên đầu xe máy tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị, HĐND thành phố cần có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Tập trung các ý kiến của đại biểu cho rằng, nên dừng khoản thu này vì quá trình triển khai thu phí quá tốn kém, kết quả thu được không đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Mặt khác, việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu xe máy ở thời điểm hiện tại chưa hợp với lòng dân, gây sự bất bình đẳng. Các đại biểu kiến nghị cần dừng ngay việc thu phí, tiếp tục nghiên cứu thêm để quá trình triển khai đạt hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của các cử tri.

Nhiều địa phương chung quan điểm dừng thu phí

Trong khi đó, ý kiến của các cử tri tại TP Hà Nội cũng cho thấy, qua gần 2 năm triển khai thu phí sử dụng đường bộ với xe máy gặp nhiều khó khăn, sụt giảm về chỉ tiêu, cán bộ đi thu phí đến đâu cũng bị người dân phản ứng. Nguyên nhân được các cử tri đưa ra là do việc thu phí không công bằng, cách thu bất hợp lý. Trong khi người dân đã chịu quá nhiều loại thuế, phí khi mua xe máy, xăng dầu. Thậm chí nhiều người vẫn đi trên các tuyến đường xuống cấp, nhiều gia đình tuy có xe máy nhưng vẫn đi bằng xe buýt, nhiều người có xe máy nhưng đi lại không nhiều.

Sau kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, ngày 14/7 khi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, nguyện vọng bỏ thu phí bảo trì đường bộ với xe máy của cử tri là chính đáng. Từ đó, ông Thảo cho rằng, cần phải nghiên cứu những đề xuất bỏ loại phí này. Về phía HĐND TP Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ bỏ thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, tạo sự ủng hộ của mọi người dân. 

Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy tại nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn, đạt hiệu quả thấp. (Ảnh: Internet)

Thấy rõ những bất cập của việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu xe máy, tại kỳ họp HĐND lần thứ 14 TP Đà Nẵng khóa VIII, sau khi nghe nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm “thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy là không hợp lòng dân”, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - Trần Thọ cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu xe máy đang có một số bất cập. Bất cập lớn nhất ở việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu xe máy là rất khó thu. Bên cạnh đó, chủ trương này không hợp lòng dân, không được người dân ủng hộ và cần phải tạm dừng.

Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, kết quả thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy tại nhiều địa phương khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Dương, Khánh Hòa... cũng đạt rất thấp, số thu sụt giảm nghiêm trọng đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2015.

Đơn cử như ở tỉnh Quảng Ngãi, từ khi triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đến nay, hiệu quả rất thấp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi chỉ thu được 1 tỷ đồng. Tại Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2015 thu được dưới 1 tỉ đồng. Toàn tỉnh Ninh Thuận trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng chỉ thu được 195 triệu đồng, tỉnh Phú Yên cũng xác nhận 6 tháng đầu năm nay thu vỏn vẹn 260 triệu đồng…

Người dân không tự giác đóng phí

Giữa tháng 7 vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ đánh giá về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT đã thừa nhận: Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy đang gặp một số khó khăn, bất cập, số thu giảm dần qua các năm.

Chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng công nhận việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy đang gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Thăng cho rằng, nếu thực hiện chính sách mà không có chế tài xử lý thì sẽ rất khó, không đạt hiệu quả.

Trước những khó khăn và bất cập trong công tác thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã có Tờ trình kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy từ ngày 1/1/2016, trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách thu phí này.

Theo Tờ trình của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, số thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe máy còn rất thấp, biện pháp tổ chức thu không hiệu quả, chế tài xử phạt khó thực hiện nên việc kiểm soát phương tiện chấp hành đóng phí chưa nghiêm, nên việc thu phí mang lại hiệu quả thấp, người dân chưa tự giác đóng phí mặc dù mức thu rất thấp (trung bình 70.000 đồng/xe/năm).

“Sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy có thể thấy rõ công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp. Năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm”, tờ trình chỉ rõ.

Mặc dù mới chỉ là kiến nghị và chưa có quyết định chính thức về việc dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy từ phía Chính phủ, song qua đánh giá về quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, nhiều chuyên gia khẳng định, đây là một chính sách đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, nếu chính sách đó chưa đi vào cuộc sống, chưa tạo được đồng thuận của người dân thì cần nghiên cứu, điều chỉnh lại theo hướng giảm tối đa chi phí của người dân.

Về phía người dân, các cử tri đều có chung nguyện vọng, không nên thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy theo kiểu bổ đầu xe như hiện nay, nên thu theo hình thức khác, có thể thu qua giá xăng dầu. Hơn nữa, việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ giảm bớt khó khăn cho người dân, đặc biệt là người dân nông thôn với mức thu nhập còn thấp, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là công cụ lao động.

Mặt khác, nhiều người dân không hài lòng khi thực tế triển khai công tác thu phí tại nhiều địa phương nhưng có người nộp, có người không nộp; địa phương này thu, địa phương khác không thu…đây là điều bất công bằng.

Bên cạnh đó, việc trích tỷ lệ phần trăm phí thu được cho chính quyền các cấp khiến nhiều người có suy nghĩ, đây là một hình thức tận thu trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Do vậy, như điều mà nhiều người dân mong đợi là nhà nước nên bãi bỏ việc thu phí này, không phải chỉ là việc đề xuất tạm dừng như hiện nay./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích