Sáng 05/7, tại Hà Nội, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 1996-2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Uỷ ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài gồm các thành viên là các Bộ, ban ngành có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân và công tác quản lý với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Nhiệm vụ của Ủy ban là phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương trong việc triển khai toàn diện từ việc vận động, quản lý, đến tranh thủ mời gọi các tổ chức vào hoạt động với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống nhân dân Việt Nam.
Theo báo cáo của Ủy ban, hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại.
Hoạt động của các tổ chức được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước xác định công tác đối với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và công tác đối ngoại nói chung, được gắn kết chặt chẽ với đối ngoại an ninh, đối ngoại kinh tế. Đánh giá cao kết quả huy động nguồn lực trong 20 năm qua, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn thì nguồn lực đó là rất đáng quý.
Thủ tướng cũng đánh giá, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đóng vai trò tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thành tựu của Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, nhận thức về công tác phi Chính phủ còn chưa đồng đều. Một số nơi còn thiên lệch khi quá coi trọng khía cạnh kinh tế hoặc quá lo lắng về vấn đề an ninh. Bên cạnh đó, các văn bản pháp quy liên quan còn thiếu quy định về quản lý tài chính của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, thiếu các chế tài để xử lý vi phạm. Việc vận dụng và thực hiện các văn bản còn chưa thống nhất. Thủ tướng cho rằng cần sửa Nghị định 12/2012 của Chính phủ để tạo môi trường pháp lý thông thoáng và chặt chẽ hơn.
Thủ tướng cũng cho rằng việc xử lý thủ tục hành chính còn chậm, công tác quản lý còn nặng tính hành chính và đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề quản lý còn yếu. Công tác vận động viện trợ chưa đổi mới, phù hợp, chủ động. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban và các địa phương cần thống nhất và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phi Chính phủ nước ngoài.
Theo đó các Bộ, ngành và địa phương cần xác định công tác này là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, không phải là nhiệm vụ của riêng Ủy ban mà là của tất cả các cấp chính quyền. Công tác phi Chính phủ nước ngoài là một bộ phận đối ngoại nhân dân, góp phần vào nhiệm vụ đối ngoại của đất nước. Vì vậy trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, các Bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng, xem xét xử lý hài hòa trên cả ba khía cạnh về kinh tế, an ninh và đối ngoại.
“Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt để xảy ra sai phạm thì lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng cũng yêu cầu cần có cơ chế liên ngành đủ mạnh để phối hợp quản lý, phát huy vai trò và trách nhiệm của từng ủy viên ủy ban, các cơ quan giúp việc, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và kịp thời trong công việc thường xuyên và các vấn đề đột xuất, phức tạp, nhạy cảm.
Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và các bộ phận giúp việc cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc đảm bảo phù hợp với yêu cầu mới là vừa phát triển vừa bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Cùng với đó là chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để tham mưu tích cực, có hiệu quả hơn nữa cho Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, trong đó, cần chú ý các hoạt động lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban và các Bộ, ngành, các địa phương cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Một mặt cắt giảm thủ tục hành chính, mặt khác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đăng ký tiếp nhận thông tin, báo cáo xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam khoa học hơn, nhưng chặt chẽ hơn. Phải phối hợp tốt hơn nữa để chủ động hơn nữa, đừng để “nước đến chân mới nhảy” hay “mất bò mới lo làm chuồng”, nhất là vùng nhạy cảm, phức tạp.
Nhấn mạnh giao lưu nhân dân là rất quan trọng trong nguyên tắc đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cần nhiều nguồn lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phi Chính phủ nước ngoài, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với các nước.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban tăng cường vận động hợp tác đối với tổ chức phi Chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động đề xuất đổi mới phương pháp và hình thức hợp tác đối với tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Quốc gia hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài giai đoạn tới./.
Vũ Dũng/VOV.VN