Ảnh minh họa
Một lần về thăm nhà, trong câu chuyện hội ngộ, tôi nhẩm tính đến nay, mẹ đã kinh qua 9 nghề. Thế nên, dường như câu thành ngữ “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” không dành cho mẹ tôi. Mà thực ra những việc mẹ từng làm đâu được gọi là nghề. Nói đúng hơn, đó là sự bươn chải kiếm sống giữa cái thời thiếu trước hụt sau, một nách lo cho ba đứa con ăn học.
Thuở ấy, nhà nghèo, ba mẹ tôi bám trụ với nghề chài lưới trên sông nên vô cùng vất vả, thu nhập bấp bênh. Rồi mẹ theo những người hàng xóm rong ruổi cùng những vòng quay của chiếc xe đạp để tập tành bán buôn. Khi là những bó củi mua với giá rẻ mang về bán lại kiếm lời. Khi là những kiện hàng khô, bỏ mối cho các quán xá. Lúc khác lại là những mặt hàng tiêu dùng. Mẹ làm tất cả những việc có thể làm, miễn sao kiếm được tiền. Và sau mỗi chuyến buôn bán ấy, mẹ lần lượt mang về cho anh em chúng tôi những tấm áo, đôi dép, cái cặp. Những đồng tiền ít ỏi được mẹ dành dụm, chắt chiu khéo léo giữa năm tháng tảo tần để anh em chúng tôi học hành đến nơi, đến chốn.
Những tưởng khi chúng tôi trưởng thành, mẹ sẽ bớt vất vả hơn, dành thời gian nghỉ ngơi bên con cháu. Vậy mà, mẹ vẫn quảy thúng mẹt ra chợ bởi mẹ không muốn phụ thuộc vào con và hơn hết là không muốn chúng tôi phải lo lắng, an tâm tập trung cho công việc. Nghị lực phi thường, đức hy sinh của mẹ là một biểu tượng đẹp mà chúng tôi mãi tôn thờ và tự hào.
Giấc mơ của anh em chúng tôi đã thành hình, kết trái ngọt từ thúng mẹt của mẹ trên muôn nẻo gian nan. Từ trong tâm khảm của những người con với lòng biết ơn vô hạn, mẹ luôn là lẽ sống, động lực để các con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống./.
Ngô Thế Lâm