Tiếng Việt | English

23/07/2021 - 13:54

TP.HCM tôi thương rồi sẽ “khỏe”!

TP.HCM bây giờ không khỏe. Nhưng trong “cơn bạo bệnh”, TP.HCM không lẻ loi, đơn độc, không một mình loay hoay chống chọi. Hàng triệu trái tim khắp 3 miền đất nước đang hướng về TP.HCM thân thương.

Ảnh internet

Tôi thương TP.HCM! Thương vì nơi ấy từng gắn bó cả thời tuổi trẻ, thương vì những góc phố, con đường TP.HCM cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp mà đến giờ vẫn nhớ. TP.HCM tôi thương có cả những người rời quê lên phố, cùng trọ học, cùng buồn, vui dưới giảng đường,… Chúng tôi bây giờ, có đứa rời TP.HCM trở lại quê nhà, đứa còn bám trụ. Dù đi hay ở thì những ngày này, khi TP.HCM không “khỏe”,  tôi và các bạn đều chạnh lòng “đau” .

TP.HCM nay vắng lặng! Con đường Trường Sa men theo dòng kênh Nhiêu Lộc vắng người mỗi chiều dạo bộ, ngồi lại tán gẫu cùng nhau trong quán cà phê ven phố. Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Võ Thị Sáu,… không còn những ngày kẹt xe, thưa người qua lại mỗi sáng đi làm, mỗi chiều tan ca. Chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn,… nằm đìu hiu nhớ những chuyến xe xuôi ngược chở hàng. Chợ truyền thống cũng cửa đóng then cài, không còn tấp nập người mua kẻ bán như thường ngày. Đâu rồi một TP.HCM tấp nập, nhộn nhịp, sôi động vốn có! Nhớ lắm cảnh người, xe hối hả, nhớ lắm TP.HCM những ngày còn “mạnh khỏe”!

TP.HCM bây giờ không khỏe. Nhưng trong “cơn bạo bệnh”, TP.HCM không lẻ loi, đơn độc, không một mình loay hoay chống chọi. Hàng triệu trái tim khắp 3 miền đất nước đang hướng về TP.HCM thân thương. Bạn tôi rời TP.HCM về quê tận miền Trung ngót nghét cũng 10 năm. Cuộc sống mưu sinh tất bật, bạn chưa một lần trở lại thăm mảnh đất phồn hoa từng chắt chiu yêu thương suốt quãng đời sinh viên.

Vậy mà, những ngày này, nghe thành phố “bệnh nặng”, bạn tạm gác việc riêng, cùng cô, chú trong Hội Nông dân, phụ nữ và các bạn đoàn thanh niên rim từng nồi cá, gửi vào TP.HCM với tất cả tình yêu thương, mong cho TP.HCM mau khỏi “bệnh”.

Còn tôi, cũng rời TP.HCM “chạm ngõ” 10 năm như bạn. Quê tôi nằm cạnh thành phố mang tên Bác. Những ngày TP.HCM đau nặng vì SARS-CoV-2, quê tôi cũng gồng mình chống dịch vì Covid-19 hoành hành. Số ca liên tục tăng, cả TP.HCM và quê tôi đều đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhưng trong hoạn nạn, gian khó, nghĩa đồng bào, tình xóm giềng càng tỏa sáng.

Nông dân miền hạ quê tôi gom góp từng bó rau, gói ghém yêu thương gửi đến TP.HCM. Những chuyến xe ấm áp nghĩa tình nối đuôi nhau đưa nông sản Long An đến với TP.HCM, phần nào san sẻ khó khăn với người dân thành phố trong những ngày giãn cách xã hội. “Luồng xanh đường thủy, đường bộ” được mở ra để hàng hóa, nông sản thông thương qua lại, để người dân TP.HCM – Long An bớt nhọc nhằn.

Thật ấm lòng biết mấy trước những việc làm tử tế, hành động nghĩa tình đó. Ai có gì góp nấy, tùy theo khả năng, điều kiện mỗi người. Người TP.HCM cũng không câu nệ món quà muôn phương gửi đến, dù chỉ là những bó rau, vài thùng mì, ít thùng sữa,… cũng đều đáng quý, đáng trân trọng.

Người có của góp của, ai không có của thì góp bằng tinh thần, ý thức để “cuộc chiến” chống dịch của TP.HCM nói riêng, cả miền Nam nói chung thêm phần sức mạnh. Chỉ cần thực hiện nghiêm việc không đi ra ngoài trong những ngày thành phố thực hiện lệnh giãn cách xã hội là người TP.HCM đã góp cho công tác phòng, chống dịch một “liều vắc-xin” từ ý thức.

Ý thức ấy đến từ mọi thành phần xã hội, từ người giàu, đội ngũ trí thức, đến những lao động tự do. Hình ảnh vợ chồng anh Q. tạm gác việc mưu sinh, quyết tâm ở nhà để cùng thành phố phòng, chống dịch thật đáng ngợi khen. Anh Q. tật nguyền, vợ anh đôi chân cũng không lành lặn. Trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4, vợ anh bán vé số, còn anh làm shipper kiếm tiền nuôi con trai nhỏ.

Những ngày thành phố “căng mình” chống dịch, đội ngũ shipper kiếm tiền khá hơn khi mọi người, nhiều nhà chọn mua hàng trực tuyến, giao tận nơi. Vậy mà, trước giờ thành phố quyết định siết chặt hơn lệnh giãn cách, anh cũng quyết định tạm ngừng công việc giao hàng, ở nhà phòng dịch.

Vét sạch túi, anh chạy vội ra cửa hàng tiện ích, mua 1kg thịt heo để dành kho mặn cho con trai ăn dần trong mùa dịch. Anh không quên mua thêm 10kg gạo cho cả nhà vì anh nghĩ “không đói là được”. Luống rau cải, mồng tơi, rau muống mọc trên khoảng sân nhỏ trước dãy phòng trọ thường ngày bị bỏ bê, nay được anh vun gốc, tưới nước hàng ngày cho tốt tươi, để đổi món trong những bữa cơm mùa dịch.

Khổ thế nào, khó khăn ra sao, anh cùng vợ đều chịu được, chỉ mong TP.HCM và miền Nam mau chống "bình phục" để anh cùng vợ và những lao động tự do khác trở lại những ngày mưu sinh bình thường như trước. Đọc tờ báo hàng ngày tôi thường đọc, thấy hình ảnh anh Q. nâng niu từng cọng rau mọc dại mà thương quá đỗi, nhưng trên hết, tôi vẫn rất nể phục trước ý thức phòng dịch của anh. Và trong lúc này, tất cả mọi người đều nêu cao ý thức như vậy!

TP.HCM đang gặp khó nhưng tình yêu thương, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm của mọi người, khắp mọi miền sẽ xoa dịu nỗi đau cho thành phố.

Mau khỏe nhé, TP.HCM tôi thương!

Lê Vy

Chia sẻ bài viết