Tiếng Việt | English

09/02/2022 - 11:14

Trang phục sân khấu có cần cách điệu?

Gần đây, một số người lên tiếng về trang phục của Hai Bà Trưng khi poster vở Tiếng trống Mê Linh (Nhà hát Trần Hữu Trang) vừa được đưa lên mạng.

Các nhận xét cho rằng trang phục không đúng với thời đại, và ngay cả trang phục của Tiếng trống Mê Linh do NSƯT Thanh Nga đóng cũng không đúng. Câu hỏi đặt ra là trang phục sân khấu có cần giống như thật hay phải cách điệu hoặc thích ứng với tình hình sân khấu hiện tại?

Poster Tiếng trống Mê Linh của Nhà hát Trần Hữu Trang

NHÀ HÁT CUNG CẤP

Trong poster của Nhà hát Trần Hữu Trang, nhân vật Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các nữ tướng đều đội chiếc khăn vành xếp lớp, mà chiếc khăn này thật sự chỉ mới ra đời vào triều Nguyễn, vì vậy mới gây tranh cãi. Và tranh cãi luôn ở trang phục thêu hoa văn rất rực rỡ, không thể có vào thời Hai Bà Trưng xa xưa.

Nhắc lại thời trước, NSƯT Thanh Nga vai Trưng Trắc cũng xuất hiện với chiếc áo dài và khăn vành xếp lớp giống như trang phục thời Nguyễn. Đặc biệt chiếc khăn vành này xuất hiện trong rất nhiều vở khác nữa, chẳng hạn nhân vật Dương Vân Nga (NSND Bạch Tuyết đóng) trong vở Dương Vân Nga, khi bối cảnh vở diễn là thời nhà Đinh, trước nhà Nguyễn rất xa.

Như vậy, nếu xét kỹ thì nhiều vở bị “sai”. Thậm chí kịch sử như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử (IDECAF) họa sĩ thiết kế trang phục cũng không giống hoàn toàn những triều đại lịch sử trong vở diễn, mà tất cả đều cách điệu.

NSND Bạch Tuyết trong vở Dương Vân Nga

TƯ LIỆU

Đặt lại vấn đề, trang phục sân khấu phải giữ y như lịch sử hay là cách điệu, thích ứng? Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu nói: “Thứ nhất, muốn giữ y cũng chẳng có đủ tư liệu để tham khảo. Những triều đại gần đây còn có tư liệu, chứ như thời Hai Bà Trưng thì không có chút gì.

Thứ hai, nghệ thuật không phải viện bảo tàng, nó cần được cách điệu chứ không cần làm giống y chang. Và cách điệu để cho đẹp, hấp dẫn, chứ làm giống y thì có thể rất thô, rất xấu, làm sao thu hút công chúng. Thứ ba, khán giả xem tinh thần, nội dung vở diễn là chính, rung động, cảm xúc với nhân vật là chính, chứ trang phục chưa phải là quyết định. Chỉ một số nhà nghiên cứu mới “soi” kỹ như vậy, còn khán giả họ quan tâm nội dung nhiều hơn”.

NSƯT Thanh Nga vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh

TƯ LIỆU

Quả thật, nhớ lại bao nhiêu người đã khóc cùng Trưng Trắc - Thanh Nga, đã đau cùng Dương Vân Nga - Bạch Tuyết, mấy ai để ý trang phục của hai bà giống thời nào đâu, miễn nó không xa lạ, phản cảm là được. Chưa kể, trang phục khi cách điệu là đã ngầm mang thông điệp về nhân vật, về vở diễn, chứ không chỉ là quần áo mũ mão bình thường.

Chẳng hạn, trong Bí mật vườn Lệ Chi tất cả đều là trang phục màu đen, thể hiện những âm mưu đen tối trong chính trường... Nên chăng, hãy châm chước cho trang phục sân khấu, mà chú trọng đến nội dung và biểu cảm, mỹ thuật cho sàn diễn nhiều hơn./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết