Tiếng Việt | English

10/04/2022 - 10:14

Trẻ em đi khám tật khúc xạ tăng sau thời gian dài học trực tuyến

Học sinh mắc tật khúc xạ hoặc bị tăng độ cận thị, loạn thị ngày càng nhiều, nhất là hơn 2 năm qua, các em phải học trực tuyến. Đó cũng là lý do khi đi học trực tiếp trở lại, mắt trẻ nhìn kém, phụ huynh phải đưa con đến các Bệnh viện và Trung tâm chuyên khoa mắt để khám.

Nhận được phản ánh của giáo viên về việc con mình có dấu hiệu nhìn kém khi trở lại lớp học trực tiếp, chị Lê Thị Dung ở Đống Đa, Hà Nội đã đưa con đi khám mắt và giật mình với độ cận của con đã tăng gấp đôi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

“Tôi giật mình, tưởng nghe nhầm. Hỏi lại bác sĩ thì đúng là cháu đã cận tới 7 độ, trước cháu chỉ cận hơn 3 độ thôi. Tôi thật sự lo lắng và không nghĩ rằng mắt con lại tăng số nhiều như vậy”, chị Dung nói.  

Một thời gian dài học trực tuyến tại nhà trong một môi trường hẹp, trẻ phải liên tục nhìn gần và ít được ra ngoài trời là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng số trường hợp mắc tật khúc xạ hoặc bị nâng độ cận thị, loạn thị. Bác sĩ Đinh Thị Phương Thủy, Giám đốc Bệnh viện cho biết, trước việc trẻ em đi khám mắt tăng, Bệnh viện Đông Đô duy trì khám cả trong 2 ngày đầu của đợt nghỉ lễ lần này.

“Trẻ đến khám mắt tăng đột biến. Nguyên nhân là trong 2 năm dịch bệnh, gần như trẻ bị nhốt trong nhà, không gian hẹp trẻ phải nhìn gần. Rất nhiều gia đình ở Hà Nội sống trong không gian chật, thiếu ánh sáng… Bên cạnh đó trẻ học trực tuyến bằng máy tính, điện thoại, ánh sáng xanh ảnh hưởng không nhỏ đến mắt của các em”, bác sĩ Thủy cho biết.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Hưng, Trung tâm Mắt kỹ thuật cao, thực tế cho thấy, khi trẻ bị tật khúc xạ, gia đình thường đưa đến các hiệu kính thuốc để cắt kính nên nhiều trường hợp có các bệnh khác về mắt đã bị bỏ qua vì không được bác sĩ chuyên khoa mắt khám và chỉ định: “Ở những cửa hàng kính thuốc thường không có bác sĩ. Họ chỉ đo được kính cho trẻ, chứ không phát hiện được các bệnh khác về mắt cho trẻ. Đó là chưa kể tới việc đo sai độ cận thị, loạn thị của mắt, ảnh hưởng đến trẻ rất nhiều. Khi trẻ có dấu hiệu mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nhìn kém, đọc nhầm cần đến cơ sở chuyên khoa để khám…”

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, gia đình và nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức bảo vệ mắt. Cần có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết. Cứ sau gần 1 giờ học phải nghỉ ngơi và nhìn ra xa. Xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần. Người từ 18 tuổi trở lên mới được chỉ định mổ để bỏ kính cận, nhưng nguy cơ tái mắc tật khúc xạ hoàn toàn có thể xảy ra nếu không bảo vệ đôi mắt./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết