Tiếng Việt | English

22/10/2018 - 09:23

Lễ kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Tri ân tiền nhân

Trong 2 ngày 19 và 20/10/2018, Lễ kỷ niệm 150 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra với nhiều hoạt động phong phú. Năm nay, lễ hội diễn ra vào những ngày cuối tuần nên thu hút đông người dân và du khách trong, ngoài tỉnh đến Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo dâng hương tưởng niệm.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh thành kính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Thanh Hiểu

Khí phách người anh hùng vị quốc vong thân

Chiều ngày 19/10, trời bất ngờ đổ mưa nhưng vẫn không ngăn được dòng người từ khắp nơi đổ về Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). 15 giờ 30 phút, phần lễ chính được bắt đầu với tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu tái hiện khí phách người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trước giờ phút hy sinh. Tiết mục đọng lại trong lòng những người dự lễ nhiều cung bậc cảm xúc khi khắc họa chân thực khí phách của một người anh hùng với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”, sẵn sàng vị quốc vong thân, hiếu nghĩa vẹn toàn, vượt lên tất cả trở thành biểu tượng của người dân nước Nam trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bà Ba Lương, 85 tuổi, ngụ xã Long Cang, huyện Cần Đước, cho biết: “Năm nay là lần đầu tiên, tôi cùng các cụ bà trong xã tới dự lễ. Có lẽ với tôi cũng như tất cả những người dự lễ hôm nay đều cảm thấy xúc động, cảm phục trước khí phách hiên ngang, tấm lòng hiếu nghĩa của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Xúc động nhất là tình cảm của người dân Nam bộ dành cho ông. Trước ngày cụ Nguyễn ra pháp trường, cảm kích khí khái, phẩm chất kiên trung của cụ, người dân đã thâu đêm dệt chiếu nâng bước người anh hùng. Hình ảnh chiếc chiếu nghĩa tình dâng lên Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trước giờ phút hy sinh cũng là hình ảnh tiêu biểu cho tình cảm của người dân Nam bộ dành cho cụ Nguyễn. Nhất định năm sau, chúng tôi lại về đây dự lễ”.

Thời khắc bi hùng đó đến nay đã tròn 150 năm, nhưng khí phách của anh hùng Nguyễn Trung Trực vẫn sống mãi trong lòng nhân dân. Cụ Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại Xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam kỳ, ông là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ phất cờ khởi nghĩa, tụ họp nghĩa quân kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ngày 10/12/1861, dưới sự giúp đỡ của nhân dân và hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân tổ chức trận đánh đốt tàu chiến L’Espérance của Pháp, diệt 17 tên lính Pháp và Mani. Chiến thắng Vàm Nhựt Tảo để lại dấu son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Cùng với chiến công đánh chiếm đồn Rạch Giá vào đêm 16-6-1868 đưa người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực vào hàng danh nhân của dân tộc mà danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt đã khắc họa trong tuyệt bút Điếu Nguyễn Trung Trực: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh tham quan khu di tích

Sau trận đánh đó, quân Pháp huy động lực lượng tấn công tái chiếm Kiên Giang, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân phải ra đảo Phú Quốc tiếp tục kháng chiến. Trước sự đàn áp của quân địch và muốn cứu nhân dân cùng phong trào kháng Pháp, Nguyễn Trung Trực đành để giặc bắt.Ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn), thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã thể hiện khí tiết của mình bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Thắm nghĩa tình người dân Nam bộ

Mặc dù ngày 19/10 mới bắt đầu diễn ra lễ kỷ niệm nhưng từ trước đó 2 ngày, rất nhiều người dân, các đoàn ở nhiều địa phương đã tập trung về khu di tích để dự lễ cũng như hỗ trợ ban tổ chức. Đó là những đoàn nấu ăn thiện nguyện của các tỉnh miền Tây như An Giang, Kiên Giang, là những chuyến xe chở nhu yếu phẩm, rau, quả của người dân tự nguyện đóng góp để phục vụ lễ kỷ niệm.

Người dân tham quan khu di tích

Phía trong khu tưởng niệm, hàng trăm đoàn khách, người dân lần lượt xếp hàng dâng hương; những mâm cơm chay lúc nào cũng tươm tất, chuẩn bị sẵn để phục vụ người đi lễ. Theo thống kê của Ban Tổ chức, lễ kỷ niệm năm nay có gần 20 đoàn thiện nguyện đến từ trong và ngoài tỉnh với số lượng gần 600 người cùng tổ chức những suất cơm chay miễn phí phục vụ hàng ngàn lượt khách về dâng hương.

Luôn bận tay với 6 chiếc chảo đổ bánh xèo, bà Lê Thị Yến (đoàn bánh xèo Tư Cun, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: “Năm nay là năm thứ tư, đoàn chúng tôi về đây làm bánh xèo phục vụ lễ hội. Mỗi năm, chúng tôi đi từ 40-50 người. Mỗi người đóng góp một ít, rồi vận động mạnh thường quân chuẩn bị xe, thực phẩm đến làm bánh xèo phục vụ người dân về dự lễ kỷ niệm. Chúng tôi ở lại 3 đêm, dù vất vả nhưng mọi người trong đoàn ai cũng vui mừng vì được đóng góp một chút công sức của mình phục vụ lễ giỗ. Đây cũng là nghĩa tình của những người con An Giang muốn dâng lên, báo đáp người anh hùng dân tộc”. Trong những người tình nguyện đến với khu di tích, có người mới tham gia lần đầu, có người không nhớ mình đã đến bao nhiêu lần nhưng tất cả đều vui vẻ, náo nức.

Hàng ngàn chiếc bánh xèo được chuẩn bị phục vụ người dân trong dịp lễ

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự cộng đồng trách nhiệm của người dân khắp các vùng, miền, Lễ kỷ niệm 150 ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thực sự để lại trong lòng nhân dân, du khách thập phương nhiều ấn tượng tốt đẹp, thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay./.

Chiều 19/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868-2018) tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Dự lễ có nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Long An, tỉnh Kiên Giang và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định, chiến thắng Vàm Nhựt Tảo là chiến thắng chói lọi làm bừng lên phong trào kháng chiến chống Pháp và là khúc dạo đầu cho cuộc tấn công đồng loạt vào các đồn lũy của Pháp tại Tân An và Nam kỳ. Khí tiết kiên cường, tinh thần yêu nước của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với những chiến công hiển hách mãi mãi vang danh đến muôn đời sau.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, xây dựng tỉnh phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò là địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng đáng với truyền thống quê hương Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết