Với tôn chỉ Tri hành - Đạt nhân, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA) xây dựng những chương trình học không chỉ là lý thuyết mà còn chú trọng phát triển kỹ năng qua các đợt thực hành, thực tập. Ngoài ra, Ban Giám hiệu trường còn chỉ đạo xây dựng đề án, triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm, nâng cao tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hiện nay, trường có 9 ngành đào tạo trình độ ĐH, trong đó có các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế (kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh), kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin, tiếng Anh. Thời gian gần đây, trường mở thêm các ngành Luật kinh tế, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH hoặc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhu cầu có thể tiếp tục học thạc sĩ ở các chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh do trường đào tạo.
Các khoa xây dựng chương trình đào tạo mang tính đặc thù với yêu cầu chung: “Sinh viên do DLA đào tạo phải vững về chuyên môn thuộc ngành đào tạo, giỏi về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm”. Cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy sự năng động, tích cực, sáng tạo của người học; phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới công tác quản trị; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện,…
Trường đẩy mạnh phối hợp các đơn vị sử dụng lao động để tạo điều kiện cho SV tham quan, thực hành, thực tập; mời các chuyên gia, quản lý doanh nghiệp đến giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ mới; đồng thời, đẩy mạnh công tác tìm hiểu và thông tin nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp qua Ngày hội việc làm. Ngoài ra, trong quá trình học tập, SV được tham gia các hoạt động thực tế như tổ chức sự kiện của môn Quan hệ công chúng, quay quảng cáo của môn Marketing, đi thực tế của khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành,...
Đến nay, toàn trường có trên 11.000 SV tốt nghiệp, trong đó có trên 80% SV có việc làm. Về địa bàn làm việc, có 64% làm việc trên địa bàn tỉnh; 11% ở các tỉnh, thành khác. Số SV ra trường làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là 24,4%; công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân 72,3%; làm việc cho cơ sở gia đình 3,3%. Trong đó, Công nghệ thông tin (89%), Tiếng Anh (85,7%) là 2 ngành đào tạo có số SV ra trường có việc làm cao nhất.
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp, DLA sẽ thực hiện tốt yêu cầu gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của người học. Đặc biệt, nhà trường tiếp tục triển khai sâu, rộng việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo đặc thù, tăng cường giảng dạy tiếng Anh, tin học và kỹ năng mềm cho SV, tạo điều kiện để SV có thêm nhiều cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp và thăng tiến trong nghề nghiệp./.
Th.s Hà Nhật Quang