Theo đề án này, khi heo xuất chuồng, chủ trang trại sẽ đeo 2 vòng nhận diện nguồn gốc vào 2 chân heo, kích hoạt để theo dõi từ trang trại đến lò giết mổ, xẻ thịt, về chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, chợ lẻ, điểm bán.
Tại những điểm bán, tiểu thương sẽ kích hoạt tem nhận diện trên mỗi miếng thịt. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng đọc mã vạch trên tem truy xuất nguồn gốc thịt heo. Những thông tin được cung cấp bao gồm tên trang trại/lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, quầy, sạp nhập vào,…
Sản phẩm thịt heo bán ở sạp của bà Nguyễn Thị Ngọc Liên được kiểm soát không có chất cấm. Ảnh: baolongan.vnLong An là một trong nhiều địa phương cung cấp thịt heo cho thị trường TP.HCM và trong thời gian triển khai đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề trong việc áp dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo, như việc đeo vòng chỉ được tiến hành khi heo xuất chuồng nên chỉ truy xuất được lô heo, trại heo, chứ chưa truy xuất được từng con heo.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh, có một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện đề án, bởi heo nhập vào các cơ sở giết mổ của Long An có nguồn từ nhiều tỉnh khác nhau: Bến Tre, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long,… và cả nguồn heo trong tỉnh. Trong những ngày triển khai thực hiện đề án vừa qua, Sở NN&PTNT Long An nhận thấy, số heo nhập vào cơ sở hầu hết đều chưa được đeo vòng nhận diện màu vàng, chỉ một số rất ít là có vòng (chủ yếu từ trang trại của Đồng Nai). Và trong số ít heo có đeo vòng thì một số vòng lại bị hỏng hoặc siết quá chặt (do heo khác cắn siết vào hoặc do giẫm đạp) làm bầm tím phần chân dưới vòng.
Từ đầu tháng 3 đến nay, Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu thương lái đeo vòng nhận diện màu vàng vào chân những mảnh thịt tại cơ sở giết mổ trước khi về TP.HCM. Về vấn đề này, Sở NN&PTNT Long An cho rằng: Việc đeo vòng màu vàng tại cơ sở giết mổ là không đúng với nội dung đề án, vòng đeo này hoàn toàn không mang thông tin nên không có giá trị truy xuất nguồn gốc như mục tiêu đề án đặt ra, điều này gây nên sự lãng phí không cần thiết. Đã có những ý kiến phản hồi không tích cực về việc thực hiện này.
Hiện nay, tất cả chi phí mua vòng đeo tại cơ sở giết mổ các thương lái đều trừ vào người chăn nuôi khi thu mua heo, thậm chí số tiền bị trừ cho mỗi con heo lên đến 20.000 – 50.000 đồng/con, làm cho người chăn nuôi heo đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Do đó, cần đánh giá lại tác động của đề án đối với lợi ích người tiêu dùng TP.HCM và người chăn nuôi hiện nay để có phương pháp triển khai khả thi, hiệu quả hơn. Và một số nhân viên của đề án khi đến cơ sở giết mổ để tác nghiệp còn đề nghị cán bộ thú y lập biên bản những lô heo không có vòng nhập vào cơ sở. Sở NN&PTNT cho rằng, theo Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, ngày 01-6-2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, tại Điều 4 có quy định về yêu cầu đối với động vật đưa vào giết mổ và tại Điều 6 quy định gia súc sau giết mổ nếu bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y sẽ được đóng dấu kiểm soát giết mổ và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y không thể làm trái với những quy định này.
Ngoài ra, khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc đề án, cán bộ thú y đang thực hiện một số khâu trùng lắp, ví dụ như niêm phong phương tiện đồng thời bằng cả 2 loại dây niêm phong (vòng niêm phong theo quy định của ngành Thú y và vòng màu cam/trắng của đề án), do đó, đề nghị đề án có giải pháp phù hợp hơn nhằm giảm công việc và chi phí không cần thiết./.
Hùng Dũng