Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân và sẽ tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới thiết kế phương án: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn được xem xét không áp dụng án tử hình.
Bày tỏ đồng tình quan điểm của ban soạn thảo, Trung tướng Trần Văn Độ- Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, nguyên Chánh tòa quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang còn cho rằng chính sách hình sự cần “đi xa hơn” là không tử hình tội phạm có mục đích kinh tế.
Trung tướng Trần Văn Độ- Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
PV: Thưa đại biểu, lý do mà ông ủng hộ quan điểm không tử hình những người phạm tội tham nhũng là gì?
Đại biểu Trần Văn Độ: Mạng sống của con người được Hiến pháp ghi nhận. Người phạm tội thì phải trả giá là chính xác nhưng vì tội có tính kinh tế mà tước quyền sống của một con người thì phải suy nghĩ trên cơ sở tính nhân đạo, nhân bản của pháp luật.
Đã từng có người phạm tội được tha chết sau đó họ ra tù trở thành người tốt, làm ăn hiệu quả đóng góp cho xã hội. Mình chỉ tử hình với người không thể cải tạo được và có khả năng tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội.
Cần nhấn mạnh rằng, thoát án tử hình nhưng người phạm tội phải chịu hình phạt tù 20 năm, 30 năm hoặc chung thân. Ngoài ra, nếu tha chết mà thu hồi được tài sản tham nhũng thì giải quyết được bao nhiêu việc của xã hội sẽ tốt hơn.
Quy định hình phạt tử hình tính răn đe, phòng ngừa không cao. Lâu nay, đối tượng bị tử hình vì phạm tội tham nhũng rất ít. Không phải tử hình thì pháp luật mới nghiêm minh. Nghiêm minh là pháp luật quy định thì phải được áp dụng.
PV: Nhiều người băn khoăn rằng cứ khắc phục mà được tha tử hình thì giảm tính răn đe với quan chức, cán bộ thoái hóa, biến chất?
Đại biểu Trần Văn Độ: Từ trước tới nay luật vẫn quy định hình phạt tử hình nhưng có răn đe được không? Luật quy định tham ô tài sản hơn 1 tỷ đồng là tử hình rồi nhưng nhiều vụ dư luận cho rằng tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ nhưng đã tử hình được mấy người? Như thế càng làm nhờn pháp luật.
Thực ra người có chức vụ phạm tội tham ô tài sản chỉ cần răn đe bằng hình phạt tù dài hạn, chung thân mà thu hồi được tài sản thì cũng đủ răn đe và tốt hơn.
Tất nhiên bức xúc của người dân cũng dễ hiểu vì tham nhũng hiện nay trở thành tệ nạn quá lớn. Nhưng bài trừ tham nhũng bằng hình phạt tử hình là không ăn thua, mà phải bằng chính sách kinh tế- xã hội và nhiều yếu tố khác.
PV: Có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo dẫn đến không công bằng, khuyến khích người phạm tội chỉ khắc phục hậu quả khi bị kết án tử hình, dễ dẫn tới hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình?
Đại biểu Trần Văn Độ: Không có gì là không công bằng. Đó là quyền của Nhà nước, tôi tuyên tử hình anh nhưng anh khắc phục hậu quả, phục hồi được quan hệ xã hội- một trong những nhiệm vụ của luật hình sự, thì tha tử hình. Nhưng anh vẫn bị tuyên án chung thân, án tù dài hạn chứ có phải tha bỗng đâu!
PV: Như ông nói ta ít áp dụng hình phạt tử hình với tội phạm tham nhũng và tội phạm vẫn gia tăng. Nhưng có ý kiến nói rằng tội phạm không giảm sao lại giảm hình phạt?
Đại biểu Trần Văn Độ: Qua nhiều năm nghiên cứu về chính sách hình sự tôi thấy rằng muốn giảm tội phạm thì luật hình sự chỉ là một phần, còn phải bằng chính sách kinh tế - xã hội, giáo dục đạo đức lối sống, tuyên truyền, công ăn việc làm, quản lý…
Hiện nay 140 nước trên thế giới đã bỏ tử hình hoặc không áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế nhưng có phải người ta không tử hình thì tham nhũng nhiều đâu? Nói Trung Quốc tử hình nhiều nhưng người ta tuyên tử hình “treo” (hoãn thi hành án và sau đó chuyển thành án tù- PV) và nếu tính theo phần trăm dân số thì tỷ lệ tử hình của họ thấp hơn mình nhiều.
Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Khi người ta nhận thức rõ tội và khắc phục được hậu quả thì không nên nặng nề là dùng tiền mua án tử.
Thực ra tử hình một con người đâu phải đơn giản vì dễ tạo ra hậu quả tâm lý xã hội không tốt. Tình cảm của người thân, dòng tộc người bị tử hình với nhà nước, chế độ như thế nào cũng là vấn đề cần quan tâm. Người con không căm thù thì cũng chẳng mặn mà gì với người tử hình bố nó.
PV: Ngoài ủng hộ quy định các trường hợp không thi hành án tử hình như trên, đại biểu có đề xuất gì thêm liên quan xu hướng giảm hình phạt tử hình trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)?
Đại biểu Trần Văn Độ: Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vẫn quy định hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản và nhận hối hộ, khi khắc phục, lập công mới không thi hành án tử hình. Tôi muốn đi xa hơn, tức với tội phạm vì mục đích kinh tế thì không nên tử hình, mà có biện pháp khác để khắc phục quan hệ xã hội và thu hồi tài sản.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Ngọc Thành/VOV.VN (thực hiện)