Tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội đã kết thúc với hoạt động nổi bật tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ là các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, một hoạt động rất quan trọng trong mỗi kỳ họp, đã để lại ấn tượng về tinh thần dân chủ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước những vấn đề trọng đại cũng như cụ thể mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.
Đây là lần thứ năm Quốc hội khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn có thể coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với việc thực hiện những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Phiên làm việc chiều 02/11 của Quốc hội
Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận đi thẳng vào vấn đề, 3 ngày chất vấn trôi qua với hàng chục vấn đề liên quan đến hầu hết các thành viên Chính phủ đã được các ĐBQH không ngần ngại “xới” lại; thậm chí, có cả những vấn đề mới xuất phát trên nền của những vấn đề cũ đã được các ĐBQH đưa ra chất vấn một cách thẳng thắn.
Điểm mới nổi bật của phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người trả lời chất vấn mà tất cả các thành viên Chính phủ, trưởng ngành có nội dung liên quan đều phải trả lời. Có lẽ chính sự cởi mở đó đã tạo nên không khí tranh luận rất sôi nổi ở nghị trường. Với thời gian hỏi 1 phút trả lời 3 phút nên các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời cũng đi thẳng vào vấn đề, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định việc thay đổi cách thức giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn, giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, có ý kiến.
Một điểm dễ nhận thấy tại phiên chất vấn là sự tranh luận sôi nổi giữa chính các đại biểu Quốc hội trong phần đặt câu hỏi, nêu vấn đề. Trong 3 ngày chất vấn, 82 lượt đại biểu đã tranh luận, trong đó có nhiều lần các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Đơn cử trong phiên chất vấn sáng 1/11, đã diễn ra tranh luận sôi nổi giữa hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Bến Tre và Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Nghệ An về số liệu phản ánh vi phạm của ngành Công an.
Qua những tranh luận công khai tại nghị trường của các đại biểu cho thấy những góc nhìn đa chiều về một vấn đề, đưa ra những nhận định, đề xuất đã giúp các vị Bộ trưởng, trưởng ngành có cái nhìn sâu sắc hơn để điều hành đạt hiệu quả cao hơn. Không bàn đến việc đúng sai của các nội dung tranh luận, bởi cách tiếp cận vấn đề của mỗi đại biểu từ góc độ, điều kiện đang còn khác nhau, nhưng rõ ràng, những tranh luận mang tính phản biện ngay giữa các đại biểu trong phiên chất vấn đã góp phần thể hiện rất rõ tinh thần và không khí của một Quốc hội dân chủ, minh bạch.
Nhưng trên tinh thần tranh luận ấy, cử tri cũng kỳ vọng sẽ thực sự hình thành “văn hóa tranh luận”, thẳng thắn, trên tinh thần góp ý, xây dựng, không đưa động cơ cá nhân vào nghị trường, không quy chụp quan điểm cá nhân… Để qua tranh luận sẽ tạo sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh.
Kết thúc 3 ngày chất vấn, trong bài phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay. Do đó, hơn lúc nào hết, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật - kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Cũng trong tuần làm việc, Quốc hội đã dành thời gian nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của Việt Nam.
Bước sang tuần làm việc thứ 3, bên cạnh việc tập trung cho ý kiến về một số Dự án Luật quan trọng, Quốc hội sẽ dành thời gian biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019./.
Văn Hiếu/VOV.VN