Tiếng Việt | English

06/02/2024 - 14:23

Uy lực của rồng

Rồng là con giáp duy nhất trong 12 con giáp không có thật, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng có từ thời xa xưa. Đây cũng là linh vật mang biểu tượng uy quyền, may mắn.

Ở các đình, chùa, đền, miếu,… thường thấy hình ảnh cặp rồng tranh châu, rồng ngậm ngọc hoặc hình đầu rồng được đắp trên đầu đao mái

Linh vật đứng đầu “tứ linh”

Hình tượng rồng thường xuất hiện đậm nét trong văn hóa phương Đông và là biểu tượng của sự uy quyền. Con vật đứng đầu bộ “tứ linh” này thường được mô tả là sự tổng hợp các bộ phận của 9 con thú: Đầu của lạc đà, sừng của hươu, tai của bò, mắt của thỏ, mình của rắn, bụng của một con sò lớn, vảy của cá chép, móng vuốt của đại bàng và bàn chân của hổ. Rồng thường cắp một viên ngọc - vật tượng trưng cho trí tuệ và chân lý - trong miệng hay trong lòng bàn chân.

Theo thần thoại Trung Quốc, để xác định thứ tự trong 12 Hoàng đạo, Ngọc Hoàng tuyên bố sẽ tính theo trật tự con vật nào đến buổi họp mặt sớm nhất. Ai cũng nghĩ rồng sẽ đến trước tiên vì rồng “đi mưa về gió” nhưng do phải dừng lại phun mưa cứu một ngôi làng đang gặp hạn hán mà rồng đến sau chuột, trâu, hổ và thỏ (thỏ là con giáp thứ 4 của Trung Quốc, ở Việt Nam là con mèo). Vậy là, rồng được xếp thứ 5 trong 12 con giáp.

Rồng đứng đầu trong “tứ linh” (Long - Lân - Qui - Phụng), 4 loài linh thú lớn trong thần thoại Trung Hoa và văn hóa của các nước phương Đông. Chúng mang ý nghĩa biểu tượng cho sự quyền quý. Đây cũng là linh vật mang đến giá trị tâm linh vô cùng lớn cho các gia đình.

Trong những câu chuyện truyền thuyết của Việt Nam, rồng xuất hiện như một vị thần “hô mưa gọi gió” thường mang nước về tưới tiêu đồng ruộng. Thế nên dân gian mới có câu:

Rồng đen lấy nước thì nắng

Rồng trắng lấy nước thì mưa.

Từ xa xưa, rồng đã trở thành hình tượng nghệ thuật, xuất hiện phổ biến trong các công trình kiến trúc chốn cung đình cũng như trong dân gian. Ở các đình, chùa, đền, miếu,... thường thấy hình ảnh cặp rồng tranh châu, rồng ngậm ngọc hoặc hình đầu rồng được đắp trên đầu đao mái.

Theo tín ngưỡng dân gian, người ta tin rằng, những hiện tượng mưa, gió, lũ lụt hay hạn hán đều do sức mạnh của thần rồng gây nên. Nơi nào tôn thờ thần rồng, nơi đó có nguồn sinh thủy dồi dào, “mưa thuận gió hòa”, mùa màng tươi tốt.

Tự hào giống Rồng Tiên

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, chúng ta ngẩng cao đầu vì dòng giống Rồng Tiên

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, chúng ta ngẩng cao đầu vì dòng giống Rồng Tiên, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con trai Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con, là tổ của Bách Việt. Vua đã bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên”.

Vì sinh sống ở vùng lãnh thổ có nhiều biển cả, sông nước, các Vua Hùng đã dạy con dân của mình tục xăm mình hình rồng ở ngực, bụng và hai chân để không bị các loài thủy quái xâm hại.

Ở nước ta, hình tượng rồng xuất hiện từ thời Lý và gắn liền với câu chuyện dời đô của Lý Thái Tổ, đặt tên thành là Thăng Long (rồng đang bay lên). Rồng thời Lý được xem là biểu tượng rồng của Việt Nam có đầu và cổ ngước cao, phần mào cấu tạo như ngọn lửa bao trùm quyện với răng nanh, xoắn thành hình dáng đám mây bồng bềnh. Mắt rồng to và tròn, phần chân mày kết xoắn. Miệng rồng ngậm ngọc, xung quanh đầu cũng được bao phủ bởi những viên ngọc tượng trưng cho sự sang quý của triều đại Lý. Trên trán rồng có hình chữ S ngược, trong chữ cổ nghĩa là lôi (mưa, gió, sấm). Do là “Thăng Long” nên hình tượng rồng trong thời Lý mềm mại, thanh thoát và tự nhiên như đang bay lên.

Hình tượng rồng gắn liền với văn hóa và tâm linh của người Việt. Suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, rồng được xem là linh vật mang lại điều tốt đẹp, may mắn gắn liền với từng vùng đất. Chúng ta tự hào bởi mình là “con Rồng cháu Tiên”, tự hào về đất nước ta có Hạ Long, Thăng Long, Cửu Long.

Biểu tượng của rồng được tổ tiên người Việt tạo ra đại diện cho cội nguồn, là khát khao vươn lên mãnh liệt. Những giá trị cao quý luôn được bảo tồn và phát huy./.

Hải Miên

Chia sẻ bài viết