Bản chất cuộc sống xét cho cùng chính là tình thương. Thực vậy, nhà văn Nga M.Gorki đã viết: Nơi lạnh nhất không phải là vùng Bắc cực mà là nơi không có tình thương. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng viết nên lời nhạc như thông điệp cuộc sống: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Rõ ràng trong cuộc sống dẫu còn lắm bon chen, nhiêu khê, vất vả, thực - ảo khôn lường nhưng bản chất chủ yếu mãi là tình thương. Trong cái tôi của mỗi người vẫn cần lắm một tâm thế sống, thái độ sống tích cực để tăng thêm năng lượng sống lành mạnh, tươi vui lan tỏa đến mọi người.
Ảnh minh họa
Qua những cơn thiên tai ở các vùng, miền của Tổ quốc, nhân dân cả nước đã hướng về những nơi đó bằng tấm lòng "của ít lòng nhiều", có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”,… Chính sự cảm thông, chia sẻ bằng tình dân tộc, nghĩa đồng bào vừa là nguồn lực tinh thần, vừa kịp thời mang đến những vật phẩm thiết yếu để người dân vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn.
Trong góc nhìn hẹp hơn với những chuyện nhỏ thường thấy trên đường phố, trong trường học và ngay cả trong môi trường gia đình, tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải có thái độ xử sự đúng mực, nếu không chuyện bé sẽ bị xé ra to, tiểu sự thành đại sự và cái kết để lại quá nghiêm trọng. Lúc đó, chúng ta có ân hận và nói câu giá như… thì cũng đã muộn màng.
Chuyện 2 người tham gia giao thông, lỡ xảy ra va quẹt nhưng ai cũng muốn giành phần phải, thế là cãi nhau rồi lao vào ẩu đả. Kết cục, người thương tật, kẻ vào tù. Hoặc chuyện 2 đứa học trò nhỏ trong lúc nô đùa trên sân trường, đùa vui trong lớp học lỡ tay gây trầy xước bạn,… nhưng người lớn lại thiếu bình tĩnh đã xử sự quá đà… Sao không xử sự bằng thái độ bình tĩnh, bằng nụ cười văn hóa?
Chuyện lớn, chuyện nhỏ trong góc nhìn văn hóa đa dạng lắm, phong phú lắm! Từng góc nhìn là bài học để cuộc sống vốn còn đầy nhiêu khê cần được “gạn đục khơi trong” để cuộc sống trở về đúng bản chất của nó là tình thương và trách nhiệm của chúng ta./.
Lê Anh Dũng